Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nguồn nước sinh hoạt cho người dân thị trấn Yên Minh bắt nguồn từ khu rừng đầu nguồn Bó Luông có diện tích rộng 210 ha nằm ở thôn Bó Quẻn, Nà Mạ. Việc quản lý, bảo vệ khu rừng này trước kia được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ và một số hộ dân trong khu vực. BQL rừng phòng hộ được giao quản lý 120 ha rừng trồng thông, sa mộc, mỡ đang ở giai đoạn bảo vệ; người dân quản lý trên 86 ha, trong đó có 18 ha rừng tự nhiên còn lại là rừng trồng. Từ vai trò quan trọng của khu rừng nên bao đời nay, cán bộ, nhân dân trong khu vực có ý thức rất tốt trong công tác quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn, điều đó đồng nghĩa với việc nguồn nước sinh hoạt, sản xuất cho người dân trong khu vực thị trấn được đảm bảo quanh năm. Tuy nhiên, trong mấy năm gần đây, rừng đầu nguồn Bó Luông bị chặt phá, xâm hại nghiêm trọng. Nguyên nhân là do công tác quản lý, bảo vệ của chính quyền địa phương và ngành chức năng và đơn vị chủ quản còn lỏng lẻo, chưa chặt chẽ. Cùng với đó, một số hộ dân, ý thức kém đã vào rừng chặt tỉa, xâm hại nghiêm trọng rừng phòng hộ. Theo tính toán của ngành chức năng, có đến gần 20 ha rừng bị chặt phá hoàn toàn, diện tích còn lại bị chặt tỉa. Trước tình trạng trên, năm 2006, Hạt Kiểm lâm huyện thành lập Trạm Kiểm soát rừng Bó Luông với 1 cán bộ và thuê 1 người dân bảo vệ. Thế nhưng, tình trạng phá rừng vẫn không có nhiều chuyển biến tích cực bởi lực lượng bảo vệ mỏng. Hậu quả của việc phá rừng đã ảnh hưởng trực tiếp đến môi trường trong khu vực, điển hình đó là trong mấy năm gần đây, nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt cho thị trấn Yên Minh trong mùa đông khó khăn.
Trước thực trạng trên, tháng 10.2010, huyện Yên Minh đã xây dựng hẳn một đề án quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn Bó Luông. Đề án được xây dựng với những giải pháp chi tiết, cụ thể và giao nhiệm vụ cho từng ngành chức năng, chính quyền các cấp, trong đó lực lượng nòng cốt trong công tác quản lý và phối hợp bảo vệ được giao cho Hạt Kiểm lâm huyện Yên Minh. Từ việc xây dựng đề án, ngay từ cuối năm 2010 và đầu năm 2011 công tác quản lý, bảo vệ bắt đầu được triển khai, thực hiện. Ông Vũ Hồng Khanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Yên Minh cho biết: “Để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng thì vai trò, trách nhiệm không chỉ đối với ngành chức năng mà cần có sự tham gia, vào cuộc của các ngành chức năng, chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt là phải nâng cao ý thức của người dân. Do đó, việc đầu tiên chúng tôi thực hiện đó là đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân trong khu vực rừng đầu nguồn. Ngay từ cuối năm 2010, hàng tháng, Hạt Kiểm lâm huyện tổ chức họp dân ở 4 thôn khu vực rừng là Bó Quẻn, Phiên Trà, Nà Mạ, Nà Dược để tuyên truyền, vận động người dân về ý nghĩa, mục đích của việc bảo vệ rừng đầu nguồn. Chính quyền thị trấn cũng chỉ đạo các ngành, đoàn thể cùng vào cuộc thực hiện công tác tuyên truyền thông qua các buổi sinh hoạt Tổ, Hội. Cùng với việc tuyên truyền, các thôn cũng xây dựng quy ước, quy định hình thức phạt cụ thể đối với hành động chặt phá rừng, cấm chăn thả gia súc trong rừng, nhất là đối với diện tích rừng mới trồng. Nhờ việc làm trên nên đến nay, ý thức người dân đã nâng lên một bước, tình trạng chặt phá rừng, chăn thả gia súc trên rừng vào thời điểm hiện tại cơ bản không tiếp diễn. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế khó khăn nên còn một số hộ vẫn lén lút lên rừng nứa bẻ măng đem bán...”. Cùng với công tác tuyên truyền, vận động, việc quy hoạch để trồng mới, trồng bổ sung, khoanh nuôi bảo vệ đối với từng diện tích cụ thể được tính toán, lên kế hoạch thực hiện. Qua đó, Hạt Kiểm lâm xác định, trong tổng số 210 ha rừng đầu nguồn có gần 20 ha rừng cần trồng mới hoàn toàn; 55,1 ha rừng vầu đầu nguồn cần trồng cây bổ sung; trên 40 ha rừng cần được khoanh nuôi và trồng bổ sung; gần 95 ha rừng khoanh nuôi bảo vệ. Hạt Kiểm lâm huyện có trách nhiệm quản lý chung 100% diện tích những trực tiếp tổ chức quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ, trồng bổ sung, trồng mới 180 ha, còn lại 30 ha giao cho người dân trong khu vực quản lý, trồng bổ sung. Để thực hiện công tác này, Hạt đã thực hiện công tác chuẩn bị giống cây và tăng cường đội ngũ cán bộ cho công tác bảo vệ. Đã nghiên cứu và ươm giống cây để chuẩn bị trồng mới, trồng bổ sung với các giống cây chính là sa mộc, mỡ, kháo vàng, hiện đã chuẩn bị hạt để trồng bổ sung 55 ha cây kháo vàng; chuẩn bị 50.000 giống cây mỡ và 1.200 ha cây sâng... Công tác trồng rừng mới, trồng rừng bổ sung sẽ được tiến hành trong năm nay khi điều kiện thời tiết thuận lợi. Cùng với đó, tăng cường đội ngũ cán bộ cho Trạm Kiểm lâm rừng đầu nguồn Bó Luông từ 1 người lên 2 người và thuê 4 người dân cùng thực hiện các nhiệm vụ quản lý, bảo vệ...
Việc tập trung triển khai, thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng đầu nguồn Bó Luổng là rất cần thiết. Hy vọng rằng, các ngành chức năng, chính quyền địa phương, người dân cùng nghiêm túc thực hiện để rừng đầu nguồn Bó Luông mãi xanh, giữ nguồn nước quanh năm cho thị trấn Yên Minh.
Khánh Toàn