Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều 16/1, TP. Đà Nẵng đã phối hợp cùng chính quyền TP. Yokohama (Nhật Bản) tổ chức Diễn đàn phát triển đô thị lần thứ 12.
TP. Đà Nẵng và TP. Yokohama bắt đầu quan hệ hợp tác từ năm 2013, cả 2 thành phố đã ký kết "Bản ghi nhớ về hợp tác kỹ thuật hướng tới phát triển bền vững giữa UBND TP. Đà Nẵng và chính quyền TP. Yokohama". Đến nay, Biên bản ghi nhớ nêu trên đã được 2 thành phố ký kết gia hạn nhiều lần qua các năm 2016, 2019 và gần đây nhất là năm 2022, có hiệu lực đến năm 2025.
Ông Lê Quang Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng cho biết, diễn đàn lần này trao đổi, hợp tác về các lĩnh vực như khu công nghiệp sinh thái, quản lý chất thải rắn sinh hoạt, phát triển đô thị thông minh, đánh giá địa phương tự nguyện thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc, kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp của Đà Nẵng và Nhật Bản. Đây là nguồn tư liệu quan trọng để TP. Đà Nẵng nghiên cứu, hoạch định những chính sách, hướng đến xây dựng thành phố phát triển bền vững.
Lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng nghị TP. Yokohama cùng Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA), Ngân hàng Thế giới (WB), Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) hỗ trợ Đà Nẵng nghiên cứu quy hoạch không gian ngầm; kêu gọi đầu tư một nhà máy xử lý rác hiện đại theo hình thức xã hội hóa; giải pháp kiểm soát rác thải nhựa; quy hoạch cao độ nền thoát nước thải và thoát nước mưa để đầu tư các dự án cũng như đánh giá tổng thể hệ thống thoát nước của thành phố, hình thành bản đồ ngập lụt của thành phố để cảnh báo, ứng phó ngập lụt trước xu hướng mưa cực đoan...
Phó Chủ tịch UBND Thành phố cũng mong muốn phía Nhật Bản hỗ trợ tư vấn hoặc tìm các nhà tư vấn có kinh nghiệm trong việc xây dựng mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm (TOD)...
Ông Toru Hashimoto, Giám đốc điều hành Cục Hợp tác Quốc tế (TP. Yokohama), cho biết thời gian qua, 2 thành phố đã đạt được nhiều kết quả nổi bật trong quá trình hợp tác như xây dựng kế hoạch hành động phát triển đô thị; dự án nâng cấp thiết bị tại nhà máy lọc nước để giảm lượng khí thải CO2; triển khai dịch vụ đánh giá và lập kế hoạch thực hành tiết kiệm năng lượng...
Cũng theo ông Toru Hashimoto, tại Diễn đàn phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ 11, 2 thành phố đã tập trung xúc tiến, thúc đẩy tiến độ triển khai các hỗ trợ của đối tác Nhật Bản trên các lĩnh vực: Nghiên cứu hệ thống MRT (hệ thống tàu điện ngầm); nghiên cứu tái thiết đô thị và xây dựng mô hình TOD (mô hình phát triển đô thị lấy giao thông công cộng làm trung tâm); xúc tiến việc xây dựng thành phố tự nguyện trong phát triển bền vững; xúc tiến các dự án năng lượng sạch và phát triển khu công nghiệp sinh thái,...
Thời gian tới, các sở, ban, ngành của TP. Đà Nẵng bày tỏ mong muốn chính quyền Yokohama sẽ cùng hỗ trợ kỹ thuật xây dựng kế hoạch trung hòa carbon TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2050; thiết lập, vận hành các mô hình hợp tác về mục tiêu chung trung hoà carbon đến năm 2050; tiếp tục hỗ trợ kỹ thuật về quản lý chất thải rắn Thành phố...
Tổng Lãnh sự Nhật Bản tại Đà Nẵng Yakabe Yoshinori đánh giá cao 2 thành phố đã có hợp tác, liên kết trong nhiều lĩnh vực; đồng thời cho biết, Tổng Lãnh sự quán Nhật Bản tại Đà Nẵng sẽ hỗ trợ tối đa để mối quan hệ giữa 2 thành phố phát triển hơn nữa trong thời gian tới.
Minh Trang