Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chiều ngày 14/11, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ chủ trì phiên họp thứ sáu của Ban Chỉ đạo.
Theo báo cáo của Bộ Nội vụ - cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo, trong 10 tháng năm 2023, công tác CCHC đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục có những đổi mới, quyết liệt, sát sao, cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai những nhiệm vụ, giải pháp quan trọng để đẩy mạnh CCHC.
Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, công điện để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn đối với CCHC nói chung, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nói riêng, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cải cách tổ chức bộ máy hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan hành chính nhà nước các cấp, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Thủ tướng Chính phủ - Trưởng Ban Chỉ đạo đã chủ trì 3 phiên họp của Ban Chỉ đạo, đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực, tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC; bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, xem xét tình hình, chuyển biến thực tế để rút ra bài học kinh nghiệm trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai với quyết tâm cao để thực hiện nhiệm vụ được giao.
Nhờ sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng sự cố gắng, nỗ lực và quyết tâm cao của các cấp, ngành, địa phương, của các thành viên Ban Chỉ đạo, công tác CCHC đã có những chuyển biến tích cực, đạt được kết quả khá toàn diện trên cả 6 nội dung: 1- Cải cách thể chế; 2- Cải cách TTHC; 3- Cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước; 4- Cải cách chế độ công vụ; 5- Cải cách tài chính công; 6- Xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số.
Thứ nhất, cải cách thể chế, công tác xây dựng và ban hành pháp luật là một trong những nội dung được ưu tiên hàng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và của các thành viên Ban Chỉ đạo tại các bộ, ngành. Trong 10 tháng đầu năm 2023, Chính phủ đã tổ chức 8 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật. Từ đầu năm 2023 đến 6/10/2023, các bộ, ngành đã xây dựng, trình ban hành hoặc ban hành theo thẩm quyền 247 văn bản quy phạm pháp luật.
Thứ hai, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục quan tâm chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện đẩy mạnh cải cách TTHC. Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Tổ Công tác cải cách TTHC để chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện các nhiệm vụ cải cách TTHC, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính và nâng cao năng lực phản ứng chính sách. Trong quý III/2023, Tổ Công tác đã tổ chức 2 phiên họp vào ngày 8/9/2023 và ngày 16/10/2023.
Về rà soát cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh, trong 10 tháng đầu năm 2023, các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh tại 30 văn bản quy phạm pháp luật. Luỹ kế từ năm 2021 đến 31/10/2023, các bộ, cơ quan đã ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành 201 văn bản quy phạm pháp luật để cắt giảm, đơn giản hóa 2483 quy định kinh doanh. Các bộ, ngành đã đơn giản hóa 437 TTHC/1.086 TTHC (đạt 40%) để thực thi 19 nghị quyết của Chính phủ về đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư, trong đó, có 5 bộ, ngành hoàn thành thực thi phương án.
Về rà soát, đơn giản hóa TTHC nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước giai đoạn 2022 – 2025, theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, đến 31/10/2023, đã có 21/22 bộ, ngành và 61/63 địa phương công bố 4.028 TTHC nội bộ (bộ, ngành: 1.342 TTHC, các địa phương: 2.686 TTHC); 5 địa phương phê duyệt phương án đối với 117 TTHC nội bộ, trong đó, cắt giảm, đơn giản hóa 32 TTHC.
Về phân cấp trong giải quyết TTHC, từ tháng 9/2022 đến nay, 13/21 bộ, ngành đã ban hành và tham mưu ban hành 34 văn bản quy phạm pháp luật để thực thi phương án phân cấp 136/699 TTHC; chủ động phân cấp thêm 3 TTHC ngoài Quyết định số 1015/QĐ-TTg. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Thanh tra Chính phủ đã hoàn thành 100%; 3 bộ: Giao thông vận tải, Xây dựng, Lao động - Thương binh và Xã hội thực thi phương án phân cấp đạt trên 50%.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, trong tháng 10 năm 2023, tỉ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93% (tăng 16,15% so với cùng kỳ năm 2022), các địa phương đạt 40,91% (tăng 27,77% so với cùng kỳ năm 2022); việc chuyển từ hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử của cấp bộ đạt 82,42% (tăng 30,73% so với cùng kỳ năm 2022), địa phương đạt 70,15% (tăng 31,31% so với cùng kỳ năm 2022).
Thứ ba, về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 99/NQ-CP ngày 10/7/2023 về Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 50-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII "Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả".
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg về thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành (Quyết định số 23/2023/QĐ-TTg), thay thế Quyết định số 34/2007/QĐ-TTg ngày 12/3/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thành lập, tổ chức và hoạt động của tổ chức phối hợp liên ngành.
Về vị trí việc làm, đến nay đã có 20/20 bộ, cơ quan ngang bộ ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm công chức nghiệp vụ chuyên ngành; 13/15 bộ, cơ quan ngang bộ đã ban hành Thông tư hướng dẫn về vị trí việc làm viên chức nghiệp vụ chuyên ngành.
Đây là những kết quả bước đầu, giúp cho các bộ, ngành, địa phương có thêm cơ sở pháp lý trong việc xây dựng Đề án vị trí việc làm của đơn vị, bảo đảm thống nhất, đồng bộ giữa xác định vị trí việc làm, tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức gắn với sử dụng và quản lý hiệu quả đội ngũ công chức, viên chức.
Về xây dựng chính quyền địa phương, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 117/NQ-CP ngày 30/7/2023 về Kế hoạch thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 616/CĐ-TTg ngày 4/7/2023 về việc rà soát, hoàn thiện các quy hoạch để thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã giai đoạn 2023 - 2030 và Công điện số 972/CĐ-TTg ngày 17/10/2023 về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025.
Thứ tư, về cải cách chế độ công vụ, Bộ Nội vụ tập trung nghiên cứu rà soát, đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến quản lý cán bộ, công chức, viên chức. Trong 10 tháng năm 2023, Bộ Nội vụ đã trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 5 nghị định và 1 quyết định.
Đặc biệt, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 73/2023/NĐ-CP ngày 29/9/2023 quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Đồng thời, đang tiếp tục trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định số 138/2020/NĐ-CP ngày 27/11/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức nhằm đổi mới một số vấn đề về công vụ, công chức.
Về cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức, tính đến nay, đã có 100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; trong đó có 67 bộ, ngành, địa phương đã đồng bộ 100% dữ liệu, 11 bộ, ngành, địa phương đồng bộ trên 90% dữ liệu. Tổng số dữ liệu được đồng bộ đạt hơn 2,2 triệu/hơn 2,3 triệu dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức của các bộ, ngành, địa phương vào Cơ sở dữ liệu cán bộ, công chức, viên chức (đạt tỉ lệ 95,3%, tăng 14.435 dữ liệu so với tháng 9/2023); trong đó dữ liệu của bộ, ngành là 186.716 hồ sơ và dữ liệu của địa phương là 2.013.780 hồ sơ. Như vậy, Bộ Nội vụ là một trong 3 bộ đã hoàn thành kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu với Cổng Dịch vụ công quốc gia.
Thứ năm, về cải cách tài chính công, Chính phủ đã ban hành 8 nghị định, Bộ Tài chính ban hành theo thẩm quyền 16 thông tư trong lĩnh vực quản lý tài chính - ngân sách nhà nước, theo đó, đã góp phần tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh CCHC.
Tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước: Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ước thanh toán từ đầu năm đến ngày 31/10/2023 là 401.836,4 tỷ đồng, đạt 52% kế hoạch (đạt 56,74% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) (cùng kỳ năm 2022 đạt 46,44% kế hoạch và đạt 51,34% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
98% bệnh viện khám chữa bệnh bảo hiểm y tế bằng căn cước công dân
Thứ sáu, về xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, Quốc hội khóa XV đã thông qua Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), theo đó đã bổ sung, hoàn thiện thêm hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho việc chuyển đổi số. Chính phủ đã ban hành một số nghị quyết có liên quan đến thúc đẩy, phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia.
Về xây dựng các hệ thống thông tin đổi mới lề lối, phương thức làm việc của cơ quan nhà nước, số lượng văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia trong 10 tháng đầu năm 2023 khoảng 6,2 triệu văn bản; Hệ thống thông tin phục vụ họp và xử lý công việc của Chính phủ (eCabinet) tiếp tục phát huy hiệu quả. Bộ Nội vụ đã ban hành Thông tư 13/2023/TT-BNV ngày 31/8/2023 hướng dẫn lưu trữ hồ sơ TTHC điện tử.
36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh. Tỉ lệ dịch vụ công trực tuyến toàn trình trên tổng số đủ điều kiện đạt 100%; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân về miễn, giảm phí, lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của một số thông tư quy định về phí, lệ phí của Bộ trưởng Bộ Tài chính nhằm khuyến khích sử dụng dịch vụ công trực tuyến (Thông tư số 63/2023/TT-BTC ngày 16/10/2023). Thông tư này có hiệu lực từ 1/12/2023 và áp dụng đến hết năm 2025 với mức giảm phí, lệ phí từ 10% đến 50%.
Theo thống kê từ Bộ Công an, đến 10/10/2023 đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử; trong đó, đã kích hoạt trên 379,3 triệu tài khoản (chiếm 69,4% tổng tài khoản phê duyệt, tăng 17,2 triệu tài khoản so với thời điểm sơ kết 6 tháng). Có 24 địa phương đã hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử và có tỉ lệ kích hoạt tài khoản định danh điện tử cao. Toàn quốc đã có 12.597 cơ sở khám chữa bệnh (KCB) triển khai KCB bảo hiểm y tế (BHYT) bằng căn cước công dân (CCCD) gắn chip (đạt 98,2% tổng số cơ sở KCB BHYT trên toàn quốc, tăng 142 cơ sở so với thời điểm sơ kết 6 tháng); 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về bảo hiểm và Dân cư.
Tuy nhiên, công tác CCHC vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục. Cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ; một số bộ chưa kịp thời sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật theo quy định, dẫn đến khó khăn cho tổ chức thực hiện tại địa phương.
Việc kết nối, khai thác Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân; việc rà soát, đồng bộ kết quả giải quyết hồ sơ TTHC lên Cổng dịch vụ công quốc gia ở một số nơi chưa kịp thời; việc số hoá hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC còn hạn chế; việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả, tình trạng công chức nộp hồ sơ trực tuyến thay cho công dân diễn ra khá phổ biến.
Việc tổ chức, vận hành Bộ phận Một cửa các cấp nhiều nơi còn chưa đúng quy định, đặc biệt là cấp xã. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính, tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực: Đất đai, xây dựng... Kỷ luật, kỷ cương hành chính còn chưa nghiêm, còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, làm phát sinh thêm thủ tục, giấy tờ, yêu cầu điều kiện ngoài quy định ở một số cơ quan, đơn vị.
Hà Văn