Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cơ quan chức năng tỉnh Phú Thọ vào cuộc vụ điều dưỡng bị người nhà bệnh nhi hành hung
Ông Nguyễn Trọng Khoa, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết, vụ việc này được phản ánh tại đơn vị cấp cứu thuộc Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, tỉnh Phú Thọ, gây mất an ninh, trật tự, ảnh hưởng tiêu cực đến công tác khám bệnh, chữa bệnh, an toàn của người bệnh và nhân viên y tế. Đây là hành vi rất đáng lên án và cần xử lý nghiêm minh.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh đề nghị Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ khẩn trương chỉ đạo các đơn vị liên quan phối hợp với các cơ quan thực thi pháp luật của địa phương điều tra làm rõ vụ việc, xử lý nghiêm minh.
Đồng thời, tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tập trung các giải pháp để ngăn chặn, hạn chế tối đa các trường hợp mất an ninh trật tự, trong đó có thiết lập hệ thống giám sát và cảnh báo nguy cơ gây mất an ninh, trật tự và thực hiện các giải pháp theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15.
Đại diện Bộ Y tế cũng đề nghị Sở Y tế Phú Thọ quan tâm, động viên kịp thời sức khỏe và tinh thần của người bệnh và nhân viên y tế bị ảnh hưởng trong vụ việc này.
Trước đó, một ekip nhân viên y tế ở Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba, Phú Thọ khi đang nỗ lực ép tim, cấp cứu cho trẻ bị sốc phản vệ do thuốc, người nhà bệnh nhân liên tục kêu gào bên cạnh, gây áp lực cho ekip cấp cứu. Các nhân viên y tế đã kiên trì nhiệm vụ và cứu thành công trẻ. Sau 20 phút, bệnh nhi tỉnh táo, thở oxy qua gọng kính, có thể giao tiếp bình thường.
Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba đã mời lực lượng Công an đến xác minh, làm rõ vụ việc.
Theo Điều 40, mục 5 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh số 15/2023/QH15 có hiệu lực từ năm 2024, nghiêm cấm các hành vi xâm phạm quyền của người bệnh, nghiêm cấm từ chối hoặc cố ý chậm cấp cứu người bệnh... Tuy nhiên, các bác sĩ cũng có quyền từ chối khám bệnh, chữa bệnh trong 5 trường hợp sau đây:
Tiên lượng tình trạng bệnh vượt quá khả năng hoặc không thuộc phạm vi hành nghề của mình nhưng phải giới thiệu người bệnh đến người hành nghề khác hoặc cơ sở khám chữa bệnh khác phù hợp để khám chữa bệnh và phải thực hiện việc sơ cứu, cấp cứu, theo dõi, chăm sóc, điều trị người bệnh cho đến khi người bệnh được người hành nghề khác tiếp nhận hoặc chuyển đi cơ sở khác.
Việc khám chữa bệnh trái với quy định của pháp luật hoặc đạo đức nghề nghiệp.
Người bệnh, thân nhân của người bệnh có hành vi xâm phạm thân thể, sức khỏe, tính mạng của người hành nghề khi đang thực hiện nhiệm vụ, trừ trường hợp người đó mắc bệnh tâm thần hoặc bệnh khác mà không nhận thức, làm chủ được hành vi.
Người bệnh yêu cầu phương pháp khám chữa bệnh không phù hợp với quy định về chuyên môn kỹ thuật.
Người bệnh, người đại diện của người bệnh quy định tại Điểm a Khoản 2 và Điểm a Khoản 3 Điều 15 của Luật này (liên quan người bệnh là người thành niên và thanh niên rơi vào tình trạng mất năng lực hành vi dân sự) không chấp hành chỉ định về chẩn đoán, phương pháp chữa bệnh của người hành nghề sau khi đã được người hành nghề tư vấn, vận động thuyết phục mà việc không chấp hành này có nguy cơ gây hại đến sức khỏe, tính mạng của người bệnh.
Tại Điều 43 của Luật này cũng quy định, nhân viên y tế được phép tạm rời khỏi nơi làm việc trong trường hợp bị người khác đe dọa đến sức khỏe, tính mạng. Việc này phải được báo cáo ngay với người chịu trách nhiệm chuyên môn hoặc người trực lãnh đạo của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và với cơ quan công an hoặc chính quyền địa phương nơi gần nhất.
Thuý Hà