Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, các khâu trong công tác tuyển sinh các trình độ của giáo dục đại học và trình độ cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non đều được thanh tra, kiểm tra; trong đó chú trọng tập trung vào các nội dung sau:
1. Việc xây dựng, ban hành văn bản, quy định về công tác tuyển sinh: Thanh kiểm tra việc xây dựng, ban hành, công khai quy chế tuyển sinh, văn bản và hướng dẫn tuyển sinh, quy trình tuyển sinh, kết quả tuyển sinh theo từng phương thức, từng trình độ, ngành/nhóm ngành đào tạo của hai năm liền kề trước đó; thông báo tuyển sinh.
2. Việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh: Xác định, phân bổ, công bố công khai chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, phương thức tuyển sinh theo quy định. Chú ý việc xác định, đảm bảo các tiêu chí xác định chỉ tiêu; việc thực hiện trách nhiệm giải trình của cơ sở đào tạo trước Bộ GD&ĐT và xã hội theo quy định; việc xác định và tuân thủ ngưỡng đảm bảo chất lượng, đặc biệt là ngưỡng đầu vào đối với ngành đào tạo giáo viên và các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe có cấp chứng chỉ hành nghề.
3. Việc công bố, công khai đề án tuyển sinh: Xây dựng, công bố, công khai đề án tuyển sinh, trong đó lưu ý các thông tin giới thiệu về cơ sở đào tạo, các ngành và chương trình đào tạo được phép đào tạo, kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp và tỷ lệ có việc làm phù hợp trình độ chuyên môn của sinh viên tốt nghiệp; thông tin về chi phí đào tạo, mức thu học phí, mức thu dịch vụ tuyển sinh và khoản thu dịch vụ khác cho lộ trình cả khóa học, từng năm học; chính sách học bổng, miễn giảm học phí, hỗ trợ tài chính, chỗ ở ký túc xá và các chính sách ưu đãi, hỗ trợ khác dành cho người học.
4. Việc tổ chức tuyển sinh: Chuẩn bị cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; thành phần hội đồng thi, các ban hội đồng thi; hình thức tổ chức thi (thi trên giấy, thi trên máy tính, thi khác....); thực hiện quy định về ra đề thi, in, sao, bảo mật, giao, nhận, vận chuyển, bảo vệ đề thi; công tác chấm thi; tổ chức chấm phúc khảo: việc rút bài, rút phách, đánh lại phách, việc tổ chức chấm phúc khảo theo quy định.
5. Công tác xét tuyển: Thông báo xét tuyển về nội dung, thời gian; tiếp nhận, rà soát hồ sơ, cập nhật, công bố thông tin xét tuyển trên các phương tiện thông tin đại chúng; lệ phí xét tuyển; quy trình xác định điểm trúng tuyển; việc thực hiện quy định nhân hệ số trong xét tuyển; đối tượng ưu tiên, cử tuyển trong tuyển sinh; công khai kết quả xét tuyển, danh sách thí sinh trúng tuyển; in, gửi giấy báo trúng tuyển, triệu tập thí sinh trúng tuyển.
6. Việc nhập học và kiểm tra hồ sơ thí sinh trúng tuyển: Thanh kiểm tra việc yêu cầu các loại giấy tờ quy định bắt buộc và giấy tờ ưu tiên trong hồ sơ nhập học của thí sinh; xử lý thí sinh nhập học muộn; thực hiện kiểm tra hồ sơ của thí sinh trúng tuyển.
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu việc thanh tra phải tuân thủ quy định của pháp luật, bảo đảm nghiêm túc, trung thực, khách quan, công khai, dân chủ và kịp thời; thanh tra, kiểm tra có trọng tâm, trọng điểm; không làm thay nhiệm vụ của Hội đồng tuyển sinh, không làm cản trở hoạt động bình thường của tổ chức, cá nhân tham gia công tác tuyển sinh.
Hoạt động thanh tra, kiểm tra độc lập với đối tượng thanh tra, kiểm tra, bảo đảm đúng trình tự, thủ tục, nội dung quy định của pháp luật về thanh tra, kiểm tra.
Những người không được tham gia đoàn kiểm tra là những người có người thân (con, vợ, chồng, bố, mẹ, anh, chị, em ruột của mình và của vợ hoặc chồng) dự thi hoặc xét tuyển vào trường trong năm tuyển sinh hoặc tham gia công tác tuyển sinh năm đó của trường, không được tham gia kiểm tra công tác tuyển sinh năm đó của cơ sở đào tạo;
Những người có hành vi vi phạm về thanh tra, kiểm tra đã bị xử lý theo quy định pháp luật mà chưa hết thời hạn xóa kỷ luật, xóa án tích hoặc đang xem xét trách nhiệm liên quan đến tiêu cực về thi, tuyển sinh không được tham gia công tác kiểm tra công tác tuyển sinh.
Khánh Linh