Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Tham dự lễ kỷ niệm có đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; đồng chí Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cùng các nhà điện ảnh lão thành và đại diện các thế hệ người làm công tác điện ảnh các thời kỳ.
Tại buổi lễ, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông nhấn mạnh, trải qua chặng đường 70 năm xây dựng và phát triển, Điện ảnh cách mạng Việt Nam đã đồng hành với từng giai đoạn lịch sử dân tộc, phản ánh chân thực và sinh động cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc, sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước của nhân dân ta. Trong dòng chảy 70 năm, nhiều thế hệ nghệ sĩ đã góp phần làm nên thành công của những bộ phim về đề tài chiến tranh cách mạng vừa mang giá trị lịch sử, giá trị nghệ thuật và thấm đẫm niềm tự hào dân tộc, vừa để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng.
Nhiều bộ phim của điện ảnh Việt Nam đã được trao tặng những giải thưởng danh giá từ thập niên 60, 70, 80 của thế kỷ XX tại các Liên hoan phim quốc tế tên tuổi như Liên hoan phim quốc tế Moskva (Liên Xô), Liên hoan phim quốc tế Berlin (Cộng hòa Dân chủ Đức); Liên hoan phim quốc tế Kaclôvivari (Tiệp khắc), Liên hoan phim quốc tế Warszawa (Ba Lan)…
Ở trong nước, hàng trăm giải thưởng quốc gia được trao tặng cho các bộ phim truyện, phim tài liệu, phim khoa học, phim hoạt hình trong 22 lần tổ chức Liên hoan phim Việt Nam và hàng trăm giải thưởng cho cá nhân các nghệ sĩ điện ảnh.
Trong 10 năm trở lại đây, ngành điện ảnh Việt Nam đã kịp thời nắm bắt thời cơ đổi mới và hội nhập quốc tế, tổ chức thực hiện những dự án sản xuất, phát hành phim theo mô hình xã hội hóa.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương, đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa ghi nhận, biểu dương những thành tựu to lớn của Điện ảnh cách mạng Việt Nam.
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đánh giá: "Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến lĩnh vực văn hóa nói chung và văn học nghệ thuật nói riêng, trong đó có điện ảnh. Với mục tiêu xây dựng Điện ảnh Việt Nam theo hướng công nghiệp, hiện đại và hội nhập, mang đậm bản sắc dân tộc, phục vụ tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, góp phần tiếp tục phát triển sự nghiệp điện ảnh trong điều kiện kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và cách mạng công nghiệp lần thứ 4 trên tinh thần quán triệt đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng, ngành điện ảnh cần tập trung khắc phục những hạn chế còn tồn tại, đẩy mạnh toàn diện các mặt công tác quản lý nhà nước cũng như công tác hội, phát huy tiềm năng sáng tạo, tinh thần trách nhiệm của cán bộ, hội viên".
Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị, Hội Điện ảnh Việt Nam cần làm tốt vai trò phản biện xã hội, có ý kiến với các cơ quan quản lý để tiếp tục tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành điện ảnh.
Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tiếp tục thể chế hóa các nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn học, nghệ thuật, triển khai thực hiện Luật Điện ảnh, đồng thời thực hiện tốt Chiến lược và Quy hoạch phát triển điện ảnh nhằm xây dựng, phát triển nền công nghiệp điện ảnh Việt Nam theo hướng hiện đại, đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng tốt nhu cầu về đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân.
Ngày 15/3/1953 tại thôn Bản Bắc, xã Điểm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 147/SL thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam, chính thức khai sinh ngành điện ảnh và nhiếp ảnh cách mạng Việt Nam.
Từ dấu mốc lịch sử đó, đến nay điện ảnh cách mạng Việt Nam đã trải qua chặng đường dài 70 năm đồng hành cùng đất nước và dân tộc. Hơn nửa thế kỷ qua, lớp lớp nghệ sĩ, người làm công tác điện ảnh Việt Nam đã hết lòng phụng sự lý tưởng của Đảng và lợi ích của dân tộc, góp phần tích cực trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và xây dựng, phát triển đất nước. Nhiều nghệ sĩ, chiến sĩ điện ảnh đã anh dũng hy sinh trên chiến trường để lại hình ảnh sáng ngời về người nghệ sĩ-chiến sĩ cách mạng.
Diệp Anh