Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo thống kê, tổng dư nợ cho vay của Agribank đạt trên 1,39 triệu tỉ đồng. Trong đó, gần 70% dư nợ cho vay phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo (Nghị quyết số 30a), Agribank đã triển khai đồng bộ, chủ động đầu tư vốn để hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân tại các huyện nghèo. Nhờ các chương trình đầu tư hiệu quả với tổng doanh số cho vay đạt trên 13.000 tỷ đồng, gần 220.000 lượt khách hàng mà đời sống người nghèo được cải thiện rõ rệt, tạo nhiều công ăn việc làm, thu nhập bảo đảm, giảm nghèo bền vững. Nguồn vốn của Agribank đã góp phần tạo điều kiện để người dân tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Điển hình như gia đình ông Trần Văn Thịnh, 5 năm trước nằm trong danh sách hộ nghèo của tiểu khu Sao Đỏ II, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (Sơn La), khởi nghiệp từ hơn 30 triệu được vay từ nguồn vốn của Agribank chi nhánh huyện Vân Hồ, Sơn La, nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật và chủ động liên hệ tốt đầu ra cho sản phẩm nên đến nay, gia đình ông đã vươn lên trở thành một trong số những hộ có thu nhập cao ở địa phương. Với việc thường xuyên duy trì đàn bò sữa từ 50-100 con, trong đó có 45 con đang kỳ vắt sữa, đến nay, gia đình ông có thu nhập lên tới trên 1,5 tỷ đồng từ tiền bán sữa và bò giống…
Mặc dù là ngân hàng thương mại phải cạnh tranh huy động vốn theo cơ chế thị trường nhưng nông nghiệp, nông dân, nông thôn luôn là đối tượng được Agribank ưu tiên lãi suất cho vay thấp hơn các đối tượng khác từ 1-2%, số tiền hỗ trợ lãi suất cho khách hàng vay vốn là trên 530 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Văn Thành - chủ trang trại Thành Thoa (xã Đắk Xú, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum) cho biết, từ hai bàn tay trắng, đến nay gia đình ông có hơn 10 ha gồm cây cà phê, hồ tiêu và trang trại 120 heo nái. Lợi nhuận mấy năm gần đây đạt 1,8-2,2 tỷ đồng/năm.
"Nếu không có vốn vay của Agribank Kon Tum hỗ trợ thì rất khó có được cơ ngơi như ngày hôm nay. Từ lúc vay lên đến 12 tỷ đồng, đến nay gia đình đã trả được phần lớn, chỉ còn nợ 3-4 tỷ đồng", ông Nguyễn Văn Thành chia sẻ.
Còn ông Nguyễn Văn Thưởng - quản lý vườn có 1.500 gốc sầu riêng ở thôn Đông Hà, thị trấn Chư Prông, tỉnh Gia Lai cho biết, tiền vay của Agribank được dùng để mua phân bón, đầu tư hệ thống tưới, đầu tư bài bản, kỹ thuật giám sát chặt chẽ đã mang nguồn thu ổn định. Vì tiền thu được từ bán trái cây là trả nợ Agribank, sau khi trừ các chi phí, lợi nhuận mỗi năm từ cây sầu riêng mang lại cho chủ vườn khoảng 3 tỷ đồng.
Nghị định số 67/2014/NĐ-CP ngày 7/7/2014 (Nghị định số 67) về một số chính sách phát triển thủy sản được ban hành nhằm khuyến khích ngư dân đóng tàu công suất lớn, vỏ thép để dần chuyển từ khai thác gần bờ sang khai thác xa bờ có giá trị kinh tế cao hơn, góp phần phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương. Chính sách toàn diện hỗ trợ ngư dân đóng mới, nâng cấp tàu phục vụ khai thác hải sản xa bờ, được kỳ vọng là cú huých đối với ngành thủy sản nước ta trong quá trình "vươn ra biển lớn".
Để tiếp sức cho "những con tàu 67" sớm vươn khơi, Agribank xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng, từ đó chủ động nguồn vốn, kịp thời chỉ đạo các chi nhánh có các huyện ven biển phối hợp bảo đảm đồng vốn đến sớm và hiệu quả cho bà con.
Thực tế, hoạt động cho vay vốn theo Nghị định số 67, tại nhiều tỉnh, thành phố ven biển đã bắt đầu phát sinh khá nhiều khó khăn, bất cập, ảnh hưởng tới hoạt động kiểm soát rủi ro vốn như: Việc các doanh nghiệp bảo hiểm ngừng cung cấp dịch vụ bảo hiểm tàu cá theo Nghị định số 67, dẫn đến nhiều tàu cá đang được làm thủ tục vay vốn hoặc đang đóng mới không hoàn thiện được hồ sơ để giải ngân vốn…
Tuy có nhiều khó khăn, vướng mắc nhưng phát huy vai trò chủ lực của ngân hàng thương mại đối với sự nghiệp "Tam nông" và nền kinh tế đất nước, từ năm 2019 đến nay, Agribank luôn bám sát chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, toàn hệ thống Agribank tích cực "vào cuộc", tham gia các đoàn công tác của Ngân hàng Nhà nước trong các chuyến đi về vùng biển, tiếp xúc, lắng nghe ý kiến của ngư dân, tham gia các hội nghị có liên quan để nắm bắt, lĩnh hội các ý kiến của cấp ủy, chính quyền địa phương… Agribank là ngân hàng duy nhất có mặt tại 9/13 huyện đảo. Với vai trò chủ đạo trong đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank dẫn đầu ngành ngân hàng về cho vay phát triển thủy sản tại 28 tỉnh ven biển với trên 50% tổng tàu đầu tư (622/1.100 tàu), dư nợ đến cuối năm 2021 là hơn 3.077 tỷ đồng/412 khách hàng và đến tháng 9/2022 là 1.135 tỷ đồng/227 khách hàng. Có thể nói Agribank là một "điểm tựa" vững chắc để ngư dân cả nước đầu tư, nâng cấp tàu cá công suất lớn cùng với thiết bị công nghệ hiện đại, có đủ năng lực vươn ra khơi xa đánh bắt thủy sản, làm giàu từ biển, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Ngành thủy sản hiện nay là một trong những ngành kinh tế mũi nhọn, với thương hiệu thủy sản Việt Nam không chỉ được khẳng định trong nước mà còn được đón nhận bởi nhiều quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, việc nuôi trồng thủy sản gặp rất nhiều khó khăn do sự khắc nghiệt của thời tiết, sự cố môi trường ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả chăn nuôi dẫn đến việc người dân không có khả năng trả nợ khiến cho nợ xấu của ngân hàng tăng cao. Hỗ trợ ngư dân, cùng ngư dân vượt khó và hồi sinh, Agribank đang ngày đêm đồng hành cùng ngư dân vươn khơi bám biển… Ngân hàng này chú trọng đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, dịch vụ hậu cần nghề cá theo chuỗi khép kín từ nuôi trồng, khai thác, thu mua đến chế biến, xuất khẩu; góp phần tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, tạo niềm tin cho ngư dân yên tâm bám biển phát triển kinh tế. Agribank đã tạo điều kiện cho khách hàng vay vốn đầu tư, xây dựng, cải tạo ao, đầm để nuôi cá tra, cá ba sa, nuôi tôm, nuôi cá lồng, mua sắm thiết bị, chế biến…
Chỉ tính riêng xã Phú Thọ (Đồng Tháp), hiện nay dư nợ cho vay nuôi cá đã lên đến gần 100 tỷ đồng, trong tổng dư nợ 1.340 tỷ đồng của toàn chi nhánh Agribank của tỉnh. Cũng nhờ có nguồn vốn của Agribank mà phong trào nuôi cá lóc phát triển mạnh, nhiều hộ nuôi cá đã ăn nên làm ra.
Toàn tỉnh Kiên Giang hiện có hàng trăm cơ sở sản xuất nước mắm và trên 20 nhà máy chế biến, xuất khẩu thủy, hải sản. Những năm gần đây, nhờ có hỗ trợ của Agribank chi nhánh Kiên Giang, nhiều doanh nghiệp đã có nguồn vốn đủ mạnh, ổn định sản xuất, mở rộng thị trường, chỉ riêng dư nợ gói cho vay chế biến tiêu thụ thủy hải sản, nông, lâm, diêm nghiệp là trên 445 tỷ đồng, với 213 khách hàng còn dư nợ. Sự đồng hành của Agribank chi nhánh Kiên Giang đã góp phần giúp địa phương phát triển kinh tế xã hội đúng định hướng. Điển hình là gia đình anh Trần Thành Nghiệp nhờ nguồn vốn tín dụng từ Agribank đã làm thêm mặt hàng mới, đó là chế biến và đóng hộp thủy sản xuất khẩu. Hiện nay, chỉ riêng mặt hàng chủ lực của Hương Giang là cá ngừ ngâm dầu, mỗi năm xuất khẩu sang các thị trường Trung Đông khoảng 40-50 container.
Còn Agribank chi nhánh Thừa Thiên - Huế là một trong những chi nhánh luôn đồng hành với bà con ngư dân, đặc biệt vào những thời điểm khó khăn nhất sau sự cố môi trường đã khiến hàng chục nghìn hộ gia đình ngư dân lâm vào cảnh khó khăn chồng chất... Agribank Thừa Thiên - Huế đã thực hiện miễn giảm lãi cho các hộ vay bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp; cơ cấu lại nợ, điều chỉnh kỳ hạn nợ, gia hạn nợ gốc, lãi nhằm tạo điều kiện cho khách hàng ổn định tài chính, đồng thời cho vay mới khi khách hàng chuyển đổi ngành nghề…
Hơn 50 bè cá, mỗi bè bình quân 30-60 lồng nuôi, toàn bộ khu vực nuôi trồng thủy sản ở đảo Lý Sơn đều sử dụng nguồn vốn vay của Agribank Lý Sơn - ngân hàng thương mại đầu tiên đóng chân trên địa bàn đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Những lồng bè san sát nơi trùng khơi biển đảo đang nhộn nhịp từng ngày cho thấy sức sống và sự phát triển đầy tiềm năng của biển đảo quê hương...
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, với sứ mệnh phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Agribank luôn tiên phong, là ngân hàng chủ lực triển khai có hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách, 3 chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế xã hội miền núi và đồng bào thiểu số và xóa đói giảm nghèo bền vững.
Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Thị Phượng khẳng định: Agribank đã giúp nhiều nông dân có cơ hội đổi đời từ chính mô hình sản xuất của gia đình, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các địa phương, giúp cho người nông dân yên tâm tập trung sản xuất, phát triển kinh tế gia đình và địa phương ngày một tốt hơn.
Lãnh đạo Agribank cho biết, mục tiêu của Việt Nam là mỗi năm giảm từ 1-1,5% hộ nghèo và sớm hoàn thành mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030. Thời gian tới, Agribank cam kết với vai trò chủ đạo, chủ lực trên thị trường vốn và tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân, sẽ tiếp tục đóng góp tích cực hơn nữa cho sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, tạo nên những thành tựu lớn trong công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững của Việt Nam.
Mới đây, thông qua ký thỏa thuận liên tịch với Trung ương Hội Nông dân và Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Agribank đẩy mạnh cho vay kinh tế hộ thông qua Hội Nông dân, Hội Phụ nữ, các tổ chức chính trị - xã hội, triển khai trên 69.000 tổ vay vốn với gần 1,5 triệu thành viên. Kể từ khi triển khai chương trình tín dụng tiêu dùng đến nay, doanh số cho vay chương trình đã vượt xa quy mô ban đầu (5.000 tỷ đồng), đạt 22.000 tỷ đồng với 230.000 hộ gia đình, cá nhân được bổ sung vốn phục vụ nhu cầu hợp pháp và cấp thiết, nâng cao đời sống của người dân tại các địa bàn nông thôn…
Anh Minh