Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Những chiếc tàu vỏ thép hiện đại được hỗ trợ vốn vay để vươn khơi. Ảnh: VGP/Lưu Hương |
Tại Hội thảo "Sửa đổi Nghị định 67-Những vấn đề đặt ra" tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29/8, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) cho biết, sau 3 năm triển khai thực hiện chính sách phát triển thủy sản của Chính phủ, Agribank đang cho 510 chủ tàu vay vốn đóng mới và nâng cấp tàu, tương đương trên 50% số lượng tàu đã được các ngân hàng thương mại phê duyệt và ký hợp đồng cấp tín dụng (toàn quốc có 1.005 tàu đã được các NHTM phê duyệt đầu tư) với tổng số vốn cam kết cho vay theo các hợp đồng tín dụng đã ký là 4.605 tỷ, dư nợ hiện tại là 3.883 tỷ đồng.
Trong số 510 tàu được Agribank cho vay có 122 tàu vỏ thép, 45 tàu vỏ composit, tàu 343 tàu vỏ gỗ (422 tàu đóng mới, 88 tàu nâng cấp), trong đó có 90 chiếc tàu hậu cần, 420 tàu đánh bắt hải sản.
Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: “Rất mừng là đến nay chưa có một con tàu nào được Agribank đầu tư cho vay phải nằm bờ. Chỉ có một số tàu gặp sự cố nhỏ, sau khi bão dưỡng lại tiếp tục hoạt động bình thường”.
Trong quá trình triển khai cho ngư dân vay vốn, Agribank cũng gặp một số khó khăn như phần lớn đối tượng khách hàng vay vốn tại Agribank theo Nghị định 67 là hộ gia đình và cá nhân (chiếm 92,2%), chỉ có 31 khách hàng vay là doanh nghiệp, 5 hợp tác xã và 3 tổ hợp tác.
Tình trạng thực tế là người vay lúng túng trong việc lập hồ sơ vay vốn, không chứng minh được khả năng tài chính, không chứng minh được nguồn nhân lực đạt trình độ quản lý và vận hành trang thiết bị hiện đại khi chuyển đổi từ phương thức đánh bắt truyền thống sang hiện đại…
Có những trường hợp ngư dân đã được UBND tỉnh, thành phố phê duyệt đủ điều kiện, nhưng sau đó lại thay đổi ngành nghề khai thác, thay đổi vật liệu vỏ tàu, kích thước tàu, công suất máy chính, dẫn đến thay đổi dự toán, phải thực hiện lại thủ tục, quy trình phê duyệt…
Qua 3 năm triển khai thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và NHNN Việt Nam về thực hiện chương trình tín dụng phục vụ các chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67, mặc dù phải đối mặtvới hàng loạt trở ngại và khó khăn, vướng mắc, nhưng Agribank đã nghiêm túc xác định nhiệm vụ chính trị trước một chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước. Toàn hệ thống Agribank đã hết sức nghiêm túc và nỗ lực, đóng góp vào sự thành công ban đầu của Nghị định.
Bổ sung cho dự thảo Nghị định 67 thời gian tới, bà Nguyễn Thị Phượng kiến nghị, về điều kiện cấp tín dụng ưu đãi, nên áp dụng các điều kiện được hưởng các chính sách tín ưu đãi tương tự như các điều kiện áp dụng chính sách hỗ trợ sau đầu tư.
Cần áp dụng có chọn lọc, ưu tiên mô hình nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản tương tự mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ưu tiên các mô hình liên kết chuỗi, khuyến khích thành lập các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác… thay vì áp dụng chính sách đại trà, không phân biệt giữa mô hình tổ chức sản xuất có tính gắn kết cao với mô hình cá nhân nhỏ lẻ, đáp ứng nhiều mục tiêu được Nghị định 67 đề ra.
Về điều kiện cấp tín dụng ưu đãi, chủ tàu phải là thành viên của tổ đội, hợp tác xã, nghiệp đoàn nghề cá, doanh nghiệp khai thác thủy sản; tàu phải được lắp đặt máy thông tin liên lạc tầm xa có tích hợp thiết bị định vị vệ tinh (GPS) kết nối được với trạm bờ.
Triển khai tích cực, đồng bộ trong đầu tư cơ sở hạ tầng, đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật vận hành thiết bị… Cần có chính sách đủ mạnh để khuyến khích và thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư khai thác, bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm hải sản nhằm bảo đảm ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.