• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

An toàn giao thông đường thủy: Quan tâm tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm

(Chinhphu.vn) - Để bảo đảm an toàn giao thông đường thủy, nhất là trong mùa mưa bão, các tỉnh ĐBSCL đã triển khai nhiều giải pháp nhằm khắc phục, xóa bỏ những tồn tại bất hợp lý tại các bến thủy, cũng như tuyên truyền phổ biến về trật tự an toàn giao thông đến người dân, chủ tàu thuyền, bến bãi…

20/08/2024 12:42
An toàn giao thông đường thủy: Quan tâm tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm- Ảnh 1.

Vụ va chạm giữa tàu chở hàng và phà chở khách vào chiều 6/8/2024 trên tuyến sông Vàm Nao

Nguy hiểm luôn rình rập

Chuyến phà An Bình vượt sông Cổ Chiên, từ TP. Vĩnh Long qua huyện Long Hồ (tỉnh Vĩnh Long) và ngược lại, mỗi ngày vận chuyển hơn 2.000 người, thế nhưng, phà lúc nào cũng chật chội, hành khách dồn lấn đứng cheo leo ở cả mỏ phà. Nếu tai nạn xảy ra, thiệt hại về người là khó tránh khỏi.

Hay như ở Cần Thơ, 2 năm trở lại đây xuất hiện phong trào chèo ván SUP quanh các con rạch ra đến sông Hậu và sông Cần Thơ với các dịch vụ kèm theo được quảng bá rộng rãi. Tuy nhiên, hoạt động này thường trực nguy cơ tai nạn giao thông, vì nếu xảy ra tình huống bất trắc, người chơi sẽ không được cứu hộ kịp thời, mặc dù loại hình dịch vụ này được trang bị đầy đủ áo phao.

Trong khi đó, tại Bạc Liêu, các bến đò "3 không": Không được phép hoạt động, không thiết bị bảo hộ, bến bãi không đảm bảo an toàn... vẫn đang nghiễm nhiên tồn tại.

Vào mùa mưa, nghề đóng hàng đáy khu vực sông Vàm Xáng-Hộ Phòng bắt đầu sôi động. Các hàng đáy được đặt liên tiếp nhau dài 2 bên bờ sông, làm thu hẹp luồng lưu thông. Mặc dù biết đây là chướng ngại vật nguy hiểm cho phương tiện thủy, nhưng ngành chức năng khó xóa tận gốc, bởi nó văn hóa và phong tục trước nay của người dân Nam Bộ. "Chúng tôi cho ký cam kết hết, lập danh sách, vận động bà con chấp hành Luật Giao thông đường thủy. Nếu không là chúng tôi giải tỏa", lãnh đạo Phòng Cảnh sát giao thông Công an tỉnh Bạc Liêu cho biết.

Chiều 6/8/2024, trên tuyến sông Vàm Nao tại khu vực thuộc xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) và xã Tân Trung (huyện Phú Tân, tỉnh An Giang) đã xảy ra vụ va chạm giữa tàu chở hàng (tàu buôn Thái Lan, trọng tải 4.498 tấn) và phà chở khách khiến 2 người bị thương. Tận mắt chứng kiến vụ tai nạn, nhiều người dân kể lại, họ còn chưa hết bàng hoàng, khoảnh khắc đó quá nguy hiểm, chỉ biết bất lực hô hoán chủ phà chạy gấp ra sông cứu người…

An toàn giao thông đường thủy: Quan tâm tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm- Ảnh 2.

Lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra dụng cụ áo phao trên các tuyến phà, bến khách - Ảnh: baoangiang.com.vn

Gấp rút triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn giao thông đường thủy

Hệ thống kênh rạch dày đặc ở ĐBSCL vừa là huyết mạch của vận tải hàng hóa, vừa là phương tiện di chuyển chủ yếu của hàng chục triệu cư dân. Mặc dù không ngừng phát triển, trang thiết bị cũng ngày càng hiện đại, nhưng những rủi ro từ các bến phà không phép, tình trạng chở quá tải, sự lơ là trong trang bị an toàn giao thông… đã và đang biến mỗi hành trình trên sông nước thành một cuộc đánh cược với số phận.

Tai nạn giao thông đường thủy tuy ít hơn đường bộ, nhưng thiệt hại tài sản, tính mạng vô cùng lớn và nặng nề, nhất là tại các bến phà, đò chở khách ngang sông. Vì vậy, các tỉnh, thành phố đều gấp rút triển khai nhiều biện pháp để ứng phó.

Thượng tá Đỗ Văn Thương, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát giao thông Công an TP. Cần Thơ cho biết, đơn vị thường xuyên tuyên truyền cho các chủ bến cảng, thủy nội địa vận chuyển hành khách và các tổ chức, cá nhân có tham gia hoạt động trên đường thủy nội địa phải chấp hành nghiêm các quy định. Đơn vị cũng kiên quyết xử lý nghiêm vi phạm chở quá số người quy định, đình chỉ bến nội địa hoạt động không phép.

Thời gian qua, Ban An toàn giao thông tỉnh An Giang và lực lượng cảnh sát giao thông của tỉnh đã triển khai nhiều kế hoạch tuần tra kiểm tra, kiểm soát, tuyên truyền, xử lý các hành vi vi phạm về giao thông trên tuyến đường thủy nội địa. Lực lượng chức năng đẩy mạnh tuần tra kiểm soát trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, phức tạp về hoạt động của phương tiện thủy, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thanh tra Sở GTVT An Giang cũng tổ chức kiểm tra, nhắc nhở các trường hợp chưa đúng quy định; tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường thủy nội địa cho người tham gia giao thông. Đồng thời, nhắc nhở và vận động người đi đò mặc áo phao, sử dụng dụng cụ nổi cầm tay (thực tế, hầu hết các phà ngang sông đều có trang bị áo phao, dụng cụ nổi... nhưng người qua đò, phà không chấp hành, nên hầu hết các dụng cụ này được buộc lại hoặc kê trên cao).

An toàn giao thông đường thủy: Quan tâm tuyên truyền, xử lý nghiêm vi phạm- Ảnh 3.

Lực lượng chức năng nhắc nhở chủ tàu tuân thủ an toàn giao thông đường thủy - Ảnh: VOV

Tại Vĩnh Long - địa phương có 150 bến thủy nội địa, ngành chức năng cũng ra quân từ tháng 7/2024. Vĩnh Long tập trung mũi kiểm tra thuyền viên làm việc trên phương tiện vận tải, phương tiện có gắn thiết bị bơm hút cát sỏi. Đồng thời, xử lý các phương tiện chở khách không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn; vi phạm quy định về đăng ký, đăng kiểm; không trang bị đủ dụng cụ cứu sinh; người điều khiển phương tiện thủy nội địa không có giấy chứng nhận khả năng chuyên môn, chứng chỉ chuyên môn phù hợp…

Ông Trương Quốc Phương, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa (Sở GTVT tỉnh Vĩnh Long) cho biết sẽ kiên quyết đóng cửa các bến khách không đảm bảo an toàn khi đưa khách sang sông: "Chúng tôi kiên quyết cho thuyền trưởng ký cam kết vận chuyển an toàn. Không được hoạt động trong điều kiện thời tiết không an toàn và phải tuân thủ đúng các điều kiện về hoạt động trên tuyến đường thủy nội địa".

Để nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật, Cảng vụ Đường thủy nội địa Bến Tre - đơn vị quản lý 198 bến thủy nội địa đang hoạt động, trong đó có 177 bến hàng hóa, 21 bến hành khách, đã trang bị kiến thức an toàn giao thông, Luật Giao thông đường thủy cho hơn 180 chủ cảng, bến thủy nội địa, khu neo đậu, chủ phương tiện, người điều khiển; cung cấp bộ tài liệu quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường thủy nội địa Việt Nam… qua đó, nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, cũng như hành động trong việc chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.

Ông Huỳnh Thế Nhân, Giám đốc Cảng vụ Đường thủy nội địa Bến Tre cho biết, trong 7 tháng năm 2024, đơn vị đã kiểm tra, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 24 trường hợp chủ phương tiện không trang bị đầy đủ dụng cụ nổi, phao cứu sinh, phương tiện hết thời hạn đăng kiểm… Ngoài ra, đơn vị cũng phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đảm bảo trật tự an toàn giao thông tại 8 bến thủy nội địa; lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính 2 bến thủy nội địa, hoạt động không phép trên tuyến sông Giồng Trôm.

Theo báo cáo của Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tổng số cảng, bến thủy nội địa đã được công bố, cấp phép và đang hoạt động là 5.553, bao gồm 310 cảng và 5.243 bến có phép. Tổng số bến thủy nội địa không phép trên tuyến đường thủy nội địa quốc gia là 1.900 bến, trong đó có 991 bến hết hạn hoạt động, 909 bến hoạt động không phép.

Cũng theo Cục Đường thủy nội địa Việt Nam, tình hình vẫn phức tạp do các bến không phép ngoài khu vực chi cục, cảng vụ được giao quản lý, chủ yếu thuộc địa bàn địa phương quản lý.

Trước thực trạng này, Bộ GTVT giao Cục Đường thủy nội địa Việt Nam xây dựng kế hoạch tổng kiểm tra để bộ chủ trì hoặc giao cục chủ trì phối hợp với các địa phương, các lực lực lượng triển khai từ ngày 1/7 đến 31/12/2024.

Bộ GTVT cũng lưu ý, khi xử lý vi phạm và đình chỉ hoạt động các bến đường thủy phải đánh giá được tác động đến vận tải và đề xuất hướng xử lý, giải pháp khắc phục, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

Qua cuộc tổng kiểm tra sắp tới, Bộ sẽ đánh giá rõ được các tồn tại, vướng mắc, từ đó đề xuất kiến nghị sửa đổi, bổ sung các quy định, văn bản quy phạm pháp luật liên quan lĩnh vực đường thủy nội địa, tạo thuận lợi cho vận tải thủy phát triển an toàn, bền vững.

HA