
La Nina là gì?
La Nina, tiếng Tây Ba Nha có nghĩa là cô bé con (hay còn gọi là đối El Ninô, anti-Ninô). La Nina, hiện tượng đối lập với El Ninô là chỉ hiện tượng nhiệt độ mặt nước biển vùng xích đạo phía đông Thái Bình Dương lạnh đi so với điều kiện bình thường (hiện tượng lạnh hay pha lạnh) gây ra những dị thường về thời tiết và khí hậu ở nhiều nơi. Người ta xác định El Nino và La Nina thông qua chỉ số dao động Nam (SOI) và giá trị chuẩn sai nhiệt độ mặt nước biển (SST) ở khu vực Xích Đạo đông Thái Bình Dương. SOI là trị số chênh lệch khí áp giữa Tahiti - một quần đảo ở trung tâm Thái Bình Dương và Darwin ở Bắc Australia. Khi SOI có giá trị âm và chuẩn sai có giá trị dương, khi đó hiện tượng El Nino xuất hiện; ngược lại, khi SOI có giá trị dương và SST có giá trị âm, hiện tượng La Nina xuất hiện. Các giá trị của SOI và SST càng lớn thì các hiện tượng trên càng mạnh. La Nina năm 2010 chưa thực sự rõ nét nhưng đã có những tác động mạnh mẽ đến diễn biến thời tiết của nhiều nơi trên thế giới.
Tác động của La Nina đến diễn biến Thời tiết Thủy văn ở Tây Nguyên trong quá khứ
Dưới tác động của La Nina, tình hình thời tiết thủy văn ở Tây Nguyên thường ẩn chứa nhiều biến động; các yếu tố thời tiết như: Mưa, nắng, gió, độ ẩm, dòng chảy sông suối,... sẽ có nhiều sai khác so với trung bình nhiều năm. Hoạt động của hiện tượng La Nina có ảnh khá rõ đối với diễn biến mưa và dòng chảy sông suối. 90% số năm có La Nina, lượng mưa năm ở Tây Nguyên đạt vượt trung bình nhiều năm. Theo đó, tổng lượng dòng chảy năm của các sông suối cũng vượt TBNN từ 20 – 30%, năm La Nina mạnh có thể lớn hơn 30%. Nhìn chung, khi có La Nina hoạt động, mùa khô ở Tây Nguyên thường bớt khắc nghiệt hơn nhưng lại nhiều rủi ro hơn trong mùa mưa lũ. Nguyên nhân là do mùa mưa ở Tây Nguyên trùng với mùa bão của nước ta mà vào những năm có La Nina, số lượng những cơn bão ảnh hưởng tới nước ta lại nhiều hơn rõ rệt. Trung bình có khoảng 8,2 cơn/năm (La Nina) so với 5,2 cơn/năm (El Nino) và nhiều hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 1 cơn. Những năm nhiều bão nhất có 10 - 11 cơn, năm ít nhất cũng có khoảng từ 5 - 6 cơn và có tới 60% số năm có La Nina có trên 9 cơn bão/năm.
Ở Khu vực Tây Nguyên, gió mùa Tây Nam là tác nhân mang đến nhiều hơi ẩm nhất và tạo ra lượng mưa nhiều nhất, nhưng bão và áp thấp nhiệt đới lại thường gây ra những trận mưa gây lũ lụt nghiêm trọng. Trong những năm La Nina có thể có tới 2-3 cơn bão và áp thấp nhiệt đới ảnh hưởng tới khu vực này, gây ra các đợt mưa lớn dẫn đến xuất hiện lũ khá ác liệt. Điển hình là các năm 1964, 1970, 1996, 1998, 2007 và 2009. Số lượng bão, áp thấp nhiệt đới và mưa lũ ảnh hưởng tới nước ta không chỉ tăng trong những năm có La Nina mà còn có xu hướng tăng lên vào năm kế tiếp (hậu La Nina), nếu như liền sau đó không xuất hiện ElNino như những năm 1986, 1989, 1999, 2009. Năm 1998, La Nina xuất hiện ngay sau ElNino (tháng 9/1998) làm cho Tây Nguyên phải gồng mình chống lũ lụt ngay sau khi hạn hán vừa chấm dứt. Khi La-Nina bắt đầu hoạt động, cơn bão số 4 xuất hiện gây mưa diện rộng trên khắp Tây Nguyên, tập trung từ ngày 12 đến ngày 15/11. Lượng mưa trong 48 giờ ở một số nơi đạt từ trên 100 đến gần 400mm như: Buôn Ma Thuật 134mm, Krông Buk 158mm, Eaknôp 175mm, Mđrăk 231mm, Giang Sơn 250mm, Lăk 304mm, Krông Bông 382mm, Đà Lạt 117mm. Ngay sau bão số 4 khoảng 3 ngày, bão số 5 đã gây mưa tập trung từ ngày 18 đến ngày 20/11/1998 cũng trên diện rộng. Tổng lượng mưa trong thời gian này ở một số nơi: Buôn Ma Thuậtt 202 mm, Buôn Hồ 177mm, Krông Buk 168mm, Mđrăk 238mm, Giang Sơn 252mm, Krông Bông 358mm, Đà Lạt 102mm. Lượng mưa lớn nhất tiếp tục tập trung ở phía Đông, Đông nam tỉnh Đắc Lắc, gây ngập lụt nghiêm trọng khu vực lưu vực sông Krông Ana. Năm 2007, khi mà hiện tượng La Nina còn đang trong giai đoạn hình thành thì bão số 2 xuất hiện kết hợp với gió mùa Tây Nam hoạt động mạnh gây mưa lũ lớn trên hầu hết các sông suối của Tây Nguyên. Tổng lượng mưa từ ngày 1 đến ngày 4 tháng 8 ở nhiều nơi đạt từ 150 – 450mm; một số nơi đạt từ 450 – 600mm. Mưa lũ làm gần 30 chết và mất tích; nhấn chìm, làm hư hỏng, sập đổ hơn 10 ngàn ngôi nhà và trên 30 ngàn ha diện tích cây trồng; thiệt hại về vật chất lên trên 1000 tỉ đồng.
Bên cạnh thiên tai mưa lũ, nghiên cứu của các nhà khoa học cũng đưa ra kết quả về mối liên hệ giữa hiện tượng La Nina và dịch bệnh, nhất là các bệnh liên quan đến muỗi như sốt xuất huyết và sốt rét. Chu kỳ xuất hiện La Nina trung bình 3 - 4 năm, có khi dài 10 năm mới xảy ra một lần. Tính chất xuất hiện có chu kỳ này cũng phù hợp với các nhận định về dịch tễ học bệnh truyền nhiễm rằng dịch sốt xuất huyết thì cứ 3-5 năm xảy ra một trận dịch, cao điểm là vào mùa mưa vì là thời điểm độ ẩm tăng cao, và dịch sốt rét cũng liên quan từng thời điểm và từng miền, thông thường có 2 đỉnh đáng lưu ý là tháng 4-5 và tháng 9-10; vào lúc này điều kiện cho muỗi sốt rét phát triển mạnh, đời sống và tuổi thọ của muỗi có xu hướng kéo dài hơn, nghĩa là có điều kiện hoàn thành chu kỳ để gây bệnh của chúng, bởi lẽ côn trùng gây bệnh thường dễ bị thay đổi bởi các yếu tố thời tiết và môi trường. Top of FormBottom of Form
Ảnh hưởng của La Nina đến diễn biến Thời tiết Thủy văn ỏ Tây Nguyên trong những tháng cuối năm 2010
Biến đổi khí hậu và những tác động địa phương đang làm cho thiên tai ở Tây Nguyên ngày một nhiều và khốc liệt hơn. Năm 2010 cũng là năm có hoạt động của La Nina, nhưng đến đầu tháng 10 tình hình mưa lũ xem ra còn rất yên ắng; thậm chí nhiều vùng còn thiếu nước trầm trọng ngay trong chính mùa mưa lũ. Số trận bão hoạt động có ảnh hưởng đến nước ta tính đến thời điểm hiện tại cũng ít hơn và chưa có trận nào có ảnh hưởng rõ nét đến tình hình Thời tiết Thủy văn của Tây Nguyên. Mưa do ảnh hưởng của bão là một trong những nguyên nhân chính gây ra mưa lũ lớn ở Tây Nguyên nhưng mưa do bão cũng là nguồn cung cấp nước chủ đạo cho khu vực này, bởi nó thường xảy vào cuối mùa mưa lũ hàng năm nên nếu năm nào ở Tây Nguyên ít hoặc không có ảnh hưởng của bão thì sự khan hiếm nước trong mùa khô liền kề là rất rõ ràng. Như đã thống kê ở trên, chỉ có khoảng 60% số năm có La Nina hoạt động có từ 9 cơn bão trở lên hoạt động ảnh hưởng đến thời tiết nước ta, nhưng cũng cần lưu ý rằng những năm ít bão thì lại thường có những trận bão ảnh hưởng mạnh đến thời tiết Tây Nguyên, điển hình như năm 1998 đã nêu ở trên.
Hiện nay ở Tây Nguyên do lượng nước mưa kể từ đầu năm đến đầu tháng 10 và lượng mưa trong các tháng mùa mưa đạt thấp nên hầu hết các đia phương đều lo lắng đến việc sẽ xảy ra khan hiếm nước trầm trọng trong mùa khô tới, nhất là với lĩnh vực thủy điện và sản xuất nông nghiệp. Theo tính toán của cơ quan Khí tượng Thủy văn, La Nina năm nay sẽ không có tác động gây mưa lũ mạnh mẽ như những năm 1998, 2007 và 2009. Tuy nhiên, khả năng xảy ra mưa lũ trung bình đến lớn trên các lưu vực sông Sê San, Sông Ba và Sê Rê Pốk là vẫn còn; thời gian xuất hiện được dự báo là từ khoảng nửa cuối tháng 10 và tháng 11. Như vậy sẽ có một lượng nước đáng kể được bổ xung cho các sông suối, ao hồ và nước ngầm, nhưng mưa lũ cũng có thể gây thiệt hại nếu không chủ động các biện pháp phòng tránh hiệu quả. Do đó, từ nay đến cuối năm các địa phương một mặt vẫn phải đề cao cảnh giác sẵn sàng ứng phó với mưa lũ, mặt khác cần chủ động tích trữ nguồn nước và thực hiện kế hoạch sản xuất hợp lý để hạn chế khó khăn do khô hạn thiếu nước trong mùa khô tới.
Có thể nói, La Nina là một trong những hiện tượng thời tiết tự nhiên xảy ra trong hệ thống khí hậu của Trái Đất. Với trình độ khoa học và những trang thiết bị đo đạc tính toán dự báo như hiện nay, con người có thể dự báo khá chính xác khả năng xuất hiện cũng như những tác động của hiện tượng La Nina tới thời tiết khí hậu của khu vực. Tuy nhiên, số liệu thông kê cũng cho thấy, trong các thiên tai thì khu vực Tây Nguyên cũng thường là nơi chịu thiệt hại lớn về người và của cải vật chất. Bởi nơi đây tỷ lệ nông nghiệp nông thôn còn cao, sản xuất phụ thuộc nhiều vào tự nhiên; mạng lưới sông suối dày đặc, độ dốc lớn, rừng đầu nguồn bị tàn phá; nhiều công trình lớn, nhỏ đang làm biến đổi mạnh mẽ diện mạo tự nhiên; các phương tiện ứng cứu còn thô sơ và thiếu; nhiều vùng dân cư mới chưa được quy hoạc theo hướng tiện lợi cho việc phòng tránh thiên tai nên khi bị lũ bất thần ập đến, người dân trở tay không kịp.
KS. Nguyễn Văn Huy
Trung tâm Khí tượng Thủy văn tỉnh Kon Tum
Ảnh: Văn Phương