Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Toàn cảnh Diễn đàn tại điểm cầu Hà Nội - Ảnh: Bộ LĐTBXH |
Diễn đàn GO-NGO ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển là sự kiện hằng năm được tổ chức trong khuôn khổ Hội nghị quan chức cấp cao ASEAN về phúc lợi xã hội và phát triển (SOMSWD) và chủ đề của Diễn đàn năm nay cũng là một trong những nỗ lực của Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN nhằm ứng phó với dịch bệnh COVID-19.
Đại dịch COVID -19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang gây ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia. Đại dịch còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các hộ gia đình thông qua nhiều phương diện kinh tế-xã hội khác nhau. Trước bối cảnh đó, Diễn đàn năm nay đã lựa chọn chủ đề “Tăng cường khả năng phục hồi và đoàn kết của gia đình: Vượt qua nghịch cảnh và thích nghi với trạng thái bình thường mới”.
Theo Cổng TTĐT Bộ LĐTBXH, phát biểu tại diễn đàn, Phó Tổng thư ký ASEAN Kung Phoak nhìn nhận, đại dịch COVID-19 đã ảnh hưởng lớn tới cuộc sống bình thường của các gia đình: Từ sinh kế, thu nhập, trẻ em bị ảnh hưởng việc đến trường; phụ nữ, trẻ em, người già, người khuyết tật, các hộ nghèo, lao động phi chính thức… là những đối tượng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi đại dịch.
Trong đó, ông nêu các đối tượng ở các trung tâm bảo trợ xã hội cũng chịu ảnh hưởng nghiêm trọng vì trong bối cảnh dịch bệnh, họ khó khăn trong nhận các sự hỗ trợ, giúp đỡ, mà phải dựa vào sự giúp đỡ của gia đình. Đó cũng là một khó khăn với bản thân họ cũng như gia đình các đối tượng này.
Từ đó, ông Kung Phoak nhấn mạnh: "Các gia đình cũng phải tự điều chỉnh ứng phó với rủi ro từ đại dịch. Từ tình trạng này, chúng ta phải học cách giải quyết các tình huống khẩn cấp mà đại dịch gây ra".
Chia sẻ tại Diễn đàn, đại diện cho Việt Nam, bà Hà Thị Minh Đức, Phó Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐTBXH) cho biết, đại dịch đã ảnh hưởng lớn tới mọi mặt của cuộc sống nói chung, ảnh hưởng đến mọi sinh hoạt của gia đình nói riêng.
Đa số các gia đình ở Việt Nam là đại gia đình, có nhiều thế hệ cùng chung sống nên cơ hội để chăm sóc lẫn nhau được nâng cao, tuy nhiên đại dịch ảnh hưởng lớn đến thu nhập, sinh kế của các hộ gia đình, đặc biệt các gia đình nông thôn, lao động phi chính thức, các hộ nghèo…
Cũng trong bài tham luận của mình, bà Hà Thị Minh Đức thông tin về tình hình kiểm soát đại dịch của Việt Nam, đặt sức khỏe và sự an toàn của người dân lên trên hết, đồng thời, Chính phủ đẩy mạnh nhiệm vụ kép, vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế, bảo đảm ổn định đời sống cho người dân.
Bà Hà Thị Minh Đức cho biết: "Để hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19, Chính phủ đã kịp thời ban hành gói hỗ trợ an sinh xã hội với tổng kinh phí hơn 62.000 tỷ đồng (khoảng 2,7 tỷ USD), hỗ trợ khoảng 20 triệu người, bảo đảm tốt an sinh xã hội". Cùng với đó, các gia đình cũng yên tâm về sự học hành của con em, khi việc học tập vẫn được bảo đảm vì hình thức học online được thúc đẩy…
Bày tỏ sự đồng thuận, đại diện nước chủ nhà Philipnes cho rằng, phải làm sao để cùng nhau vượt qua tác động của đại dịch, hướng đến khả năng phục hồi và đoàn kết của các gia đình là thách thức của chúng ta, bởi COVID-19 đã ảnh hưởng lớn đến sinh kế, đến phúc lợi xã hội của từng cá nhân.
"Trên nền tảng gắn kết, ASEAN chúng ta cùng nhau vượt qua đại dịch, để nhanh chóng thích nghi với trạng thái bình thường mới, nhằm bảo vệ sự an toàn các gia đình của chúng ta", đại diện Philipnes nhấn mạnh.
Tại Diễn đàn, đại diện các nước ASEAN đều cho rằng, dịch COVID-19 lan rộng trên toàn cầu từ đầu năm 2020 đã và đang gây ra những thách thức lớn về kinh tế, xã hội, y tế với tất cả các quốc gia.
Không chỉ thế, đại dịch còn gây ra nhiều tác động tiêu cực lên đời sống của mọi đối tượng trong xã hội, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và các hộ gia đình thông qua nhiều phương diện kinh tế - xã hội khác nhau. Trong đó, ảnh hưởng lớn nhất đến các hộ gia đình dễ bị tổn thương như hộ gia đình của đồng bào dân tộc thiểu số, hộ gia đình có lao động phi chính thức và người nhập cư.
Điều đó đã dẫn tới gia tăng cao tình trạng nghèo tạm thời về thu nhập. Dịch bệnh cũng đã làm ảnh hưởng đến chất lượng và cản trở khả năng tiếp cận toàn diện các dịch vụ xã hội thiết yếu, chẳng hạn như dịch vụ chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em cũng như dịch vụ giáo dục, trợ giúp xã hội...
Diễn đàn còn ghi nhận phần chia sẻ, giới thiệu các câu chuyện điển hình của các nước thành viên về mối quan hệ gia đình và sự đoàn kết trong đại dịch COVID-19.
Cuối cùng, các đại biểu đã cùng thảo luận về việc tăng cường vai trò gia đình như một hệ thống hỗ trợ thiết yếu để bảo vệ hạnh phúc và đề xuất các biện pháp, hành động để thúc đẩy và bảo vệ gia đình trong toàn khu vực ASEAN.