Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Sáng kiến trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính lần đầu công bố tại Hội nghị Cấp cao ASEAN tại Jakarta tháng 9/2023 nhằm trao đổi các ý tưởng và sáng kiến hợp tác thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững và lấy con người làm trung tâm trong khu vực.
Trước nhiều thách thức đa chiều, ASEAN cần điều chỉnh chiến lược và cách tiếp cận để phát triển khả năng phục hồi, thích ứng với những thách thức ngày càng gia tăng. Đây chính là ý nghĩa của Diễn đàn Tương lai ASEAN.
"Indonesia mong muốn ASEAN duy trì sự thống nhất, vai trò trung tâm của mình trong bối cảnh năng động của khu vực và toàn cầu cả ở hiện tại và tương lai. Vì vậy, Indonesia ủng hộ sáng kiến của Việt Nam và mong muốn được tham gia Diễn đàn", Đại sứ Denny Abdi khẳng định.
Theo ông Denny Abdi, ASEAN đã duy trì hợp tác trên cả 3 trụ cột: An ninh - chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội và biến thách thức thành cơ hội trên nhiều phương diện. Chẳng hạn như trong thời kỳ đại dịch, ASEAN đã rất thích ứng, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số để duy trì các hoạt động và hợp tác đi đúng hướng. Diễn đàn Tương lai ASEAN do Việt Nam tổ chức sẽ tăng thêm giá trị cho quá trình này, quy tụ tất cả các bên liên quan một cách toàn diện.
Với tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của các quốc gia thành viên, ASEAN sẽ đóng vai trò lớn hơn, đề cao bản sắc, các giá trị cốt lõi của mình để bảo đảm hòa bình, ổn định không chỉ cho các quốc gia thành viên mà còn cho châu lục và toàn cầu.
Thời gian tới, ASEAN phải nỗ lực hết sức để giữ vai trò dẫn dắt các động lực khu vực. Vai trò này của ASEAN rất quan trọng để bảo đảm hòa bình và ổn định trong khu vực có thể được duy trì.
ASEAN được phát triển dựa trên các giá trị cốt lõi, trong đó chú trọng tới sự nhất quán và đáng tin cậy, đề cao Hiến chương ASEAN, luật pháp quốc tế cũng như ứng phó với các thách thức trong tương lai; thu hút sự tham gia của tất cả các bên liên quan; quan hệ đối tác và hợp tác, thông qua đối thoại và hợp tác.
"Thông qua việc theo đuổi những giá trị cốt lõi, chúng ta có thể duy trì sự đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN, duy trì một khu vực hòa bình, ổn định và thịnh vượng", Đại sứ chia sẻ.
Đề cập tới nỗ lực của Việt Nam trong ASEAN, Đại sứ cho biết, kể từ khi trở thành thành viên chính thức của ASEAN vào năm 1995, Việt Nam đã rất tích cực tham gia thảo luận và thúc đẩy nhiều sáng kiến của khối.
Thời gian vừa qua, Việt Nam tiếp tục để lại nhiều dấu ấn ngoại giao ý nghĩa tại các diễn đàn đa phương thông qua việc đóng góp tích cực vào các vấn đề như biến đổi khí hậu, năng lượng tái tạo, trao quyền cho phụ nữ, hòa bình và an ninh, thương mại và công nghệ cao.
Việt Nam cũng đã cử sĩ quan tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc tại Nam Sudan, Abyei. Cùng với Indonesia, Việt Nam cũng là đối tác của Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP) nhằm thúc đẩy chuyển đổi năng lượng sạch, xanh.
Đại sứ Denny Abdi đánh giá cao chính sách đối ngoại "độc lập, tự cường" của Việt Nam, cho rằng đây là nền tảng để Việt Nam hội nhập toàn cầu sâu rộng và phù hợp với các nguyên tắc trong Hiến chương ASEAN, bao gồm: Tôn trọng độc lập, chủ quyền; trách nhiệm tập thể trong việc tăng cường hòa bình, an ninh và thịnh vượng; tôn trọng các nền văn hóa khác nhau trên tinh thần thống nhất trong đa dạng.
Quá trình hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế và chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu đã mang lại những đóng góp tích cực cho ASEAN. Việt Nam trở thành đối tác tin cậy cho phát triển và là thành viên có nhiều đóng góp cho cộng đồng quốc tế trong việc giải quyết các thách thức toàn cầu, Đại sứ Denny Abdi chia sẻ./.
Thùy Dung