Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Dự Hội thi có ông Nguyễn Thanh Tịnh, Thứ trưởng Bộ Tư pháp, Phó Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật trung ương; bà Ngô Quỳnh Hoa, Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp), ông Lê Ngọc Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh, Trưởng Ban Tổ chức Hội thi; đại diện các ban, ngành của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Phát biểu khai mạc Hội thi, ông Lê Khánh Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa–Vũng Tàu cho biết, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh được các cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể của tỉnh ngày càng được quan tâm. Hiện toàn tỉnh có 503 tổ hòa giải với 3.232 hòa giải viên, việc củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải được thực hiện kịp thời; định kỳ tổ chức bồi dưỡng kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên.
Trong giai đoạn 2019-2022, trung bình mỗi năm, toàn tỉnh có tổng số vụ việc tiếp nhận hòa giải gần 1.000 vụ, việc với tỉ lệ hòa giải thành đạt 90%. Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương quản lý nhà nước xã hội bằng pháp luật, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế đơn thư, khiếu nại, tiết kiệm thời gian và kinh phí của cơ quan nhà nước và công dân.
Hội thi là cơ hội tốt để các đội thi, các hòa giải viên được giao lưu, chia sẻ, học hỏi và nhân rộng những kinh nghiệm hay, cách làm tốt trong công tác hòa giải ở cơ sở tại các địa bàn, đồng thời phát hiện, biểu dương và tôn vinh những Hòa giải viên điển hình xuất sắc. Đây còn là dịp để các Hòa giải viên củng cố kiến thức, trau dồi kỹ năng nghiệp vụ để tiếp tục đóng góp cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tinh nhấn mạnh, với phương châm giải quyết "thấu tình, đạt lý", hòa giải ở cơ sở là sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý và tình, giữa đạo đức và pháp luật, là phương thức thể hiện tính dân chủ và tư tưởng "lấy dân làm gốc". Hòa giải ở cơ sở không chỉ là phương thức giải quyết tranh chấp ở cơ sở có hiệu quả mà còn là một phương thức an dân, vận động nhân dân phát huy tinh thần đoàn kết, nâng cao niềm tin đối với Đảng, Nhà nước, góp phần giữ gìn kỷ cương xã hội, tạo lập môi trường thuận lợi để xây dựng đất nước, thực hiện mục tiêu: "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh".
Để công tác hòa giải ở cơ sở ngày càng hiệu quả, các cấp ủy, chính quyền địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện; tăng cường sự phối hợp giữa ngành tư pháp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; rà soát, kiện toàn và nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải ở cơ sở cho Hòa giải viên.
Kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở và hòa giải viên tiêu biểu, đồng thời bố trí kinh phí thỏa đáng cho công tác hòa giải ở cơ sở, đáp ứng yêu cầu của công tác này trong tình hình hiện nay.
Hội thi Hòa giải viên giỏi của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu năm 2023 thu hút sự tham gia của hơn 60 thí sinh là các Hòa giải viên cơ sở đến từ 07 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh. Đây là những gương mặt Hòa giải viên tiêu biểu được lựa chọn đại diện cho cấp huyện tham dự Hội thi cấp tỉnh. Các đội đã trải qua các phần thi như giới thiệu; lý thuyết và phần thi tiểu phẩm.
Kết quả, qua ba vòng thi, đội TP. Vũng Tàu đạt giải Nhất. Đây cũng là đội có tiểu phẩm dự thi được ban tổ chức trao giải đội có phần thi tiểu phẩm xuất sắc nhất.
Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã trao 1 giải nhì cho đội thi TP. Bà Rịa, 2 giải ba (huyện Châu Đức và huyện Long Điền) và 3 giải khuyến khích (thị xã Phú Mỹ, huyện Đất Đỏ và huyện Xuyên Mộc).
Kết quả tốt đẹp từ Hội thi sẽ góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở trong đời sống xã hội cũng như góp phần tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở và công tác phổ biến, giáo dục pháp luật của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu trong thời gian tới.
LS