Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Nâng cao năng lực chăm sóc sức khỏe nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Tại một số khu vực, nhân lực tại trạm y tế mặc dù đủ về số lượng, nhưng lại không đủ chức danh để thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định - Ảnh: VGP/Sơn Hào
Trong hệ thống y tế, trạm y tế (TYT) cấp xã là đơn vị đầu tiên thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, bảo đảm mọi người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế cơ bản, từ đó góp phần quan trọng vào việc nâng cao sức khỏe cộng đồng và phòng chống dịch bệnh. Ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, theo báo cáo của Ủy ban Dân tộc (nay là Bộ Dân tộc và Tôn giáo), hết năm 2024, 100% xã thuộc vùng có TYT hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã, 100% TYT có bác sĩ.
Mặc dù TYT đã "phủ sóng" ở vùng đồng bào DTTS và miền núi, nhưng những điều kiện cơ bản để đáp ứng công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân ở các TYT là vấn đề cần phải quan tâm. Thực trạng về chất lượng khám chữa bệnh của TYT ở địa bàn này đã được phân tích rõ trong báo cáo của Bộ Y tế tổng kết 10 năm (2014-2024) thực hiện Nghị định số 117/2014/NĐ-CP ngày 8/12/2014 quy định về y tế xã, phường, thị trấn.
Đầu tiên là tình trạng thiếu nhân lực ở các TYT thuộc địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 117 cho thấy, TYT có số nhân lực dưới mức quy định tối thiểu (Thông tư 03/2023/TT-BYT ngày 7/2/2023 của Bộ Y tế quy định tối thiểu là 5 người), đến năm 2024, cả nước có 869 trạm TYT xã chỉ có từ 2-4 người/TYT.
Số TYT này chủ yếu tập trung ở các xã vùng 3, là xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới và hải đảo có TYT cách bệnh viện, trung tâm y tế huyện hoặc phòng khám đa khoa khu vực từ 5 km trở lên. Trong các vùng kinh tế thì tỉ lệ TYT xã chỉ có từ 2-4 người đặc biệt cao ở trung du miền núi phía Bắc (17,2%) – địa bàn tập trung đông đồng bào DTTS sinh sống nhất cả nước.
Với nguồn lực đầu tư của Nhà nước, cơ sở hạ tầng các trạm y tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi đã được đầu tư kiến cố, khang trang - Ảnh: VGP
Cùng với số lượng nhân lực còn thiếu so với mức tối thiểu, cơ cấu nhân lực tại nhiều TYT thuộc các xã vùng 3 còn chưa hợp lý. Theo Thông tư 03/2023/TT-BYT của Bộ Y tế, cơ cấu chức danh nghề nghiệp tại TYT xã có 4 nhóm vị trí việc làm, bao gồm: Bác sĩ/y sĩ, hộ sinh, điều dưỡng và các chức danh nghề nghiệp y tế khác. Dựa trên quy định này, nếu TYT xã có đủ 3 chức danh là bác sĩ/y sĩ, hộ sinh và điều dưỡng được tạm coi là đáp ứng với cơ cấu nhân lực tại TYT xã.
Tuy nhiên, đến năm 2024, chỉ có 56,9% TYT xã (trong tổng số 10.070 TYT xã cả nước) đáp ứng về cơ cấu nhân lực theo Thông tư 03.
Kết quả phân tích của Bộ Y tế cũng cho thấy có sự bất hợp lý giữa số lượng và cơ cấu nhân lực tại TYT xã. Như tại Đồng bằng sông Cửu Long, mặc dù có số nhân lực trung bình/TYT xã là 7,6 người (cao nhất ở TYT xã so với các vùng khác), nhưng về cơ cấu vị trí việc làm đảm bảo tối thiểu 3 chức danh lại là thấp nhất chỉ có 47,2%.
Điều này phản ánh một thực tế là ở một số khu vực, nhân lực tại TYT mặc dù đủ về số lượng, nhưng lại không đủ chức danh để triển khai chức năng, nhiệm vụ theo quy định. Điều này cũng dẫn tới một thực trạng là không ít TYT ở miền núi, vùng đồng bào DTTS được đầu tư trang thiết bị hiện đại phục vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, nhưng không có người vận hành, không chỉ gây lãng phí mà còn ảnh hưởng đến công tác này trên địa bàn.
Trong bối cảnh các TYT chưa đáp ứng yêu cầu thì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là một sự hỗ trợ đắc lực cho ngành y tế trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, đặc biệt là chăm sóc sức khỏe sinh sản của các bà mẹ, trẻ em người DTTS. Đội ngũ nhân viên y tế thôn bản là người địa phương, biết tiếng dân tộc, hiểu được phong tục, tập quán để làm công tác vận động, gần gũi với bà con mới có thể tiếp cận để chăm sóc phụ nữ trong quá trình mang thai, sinh đẻ, cũng như chăm sóc trẻ sơ sinh.
Vì thế, nhân viên y tế thôn bản ở khu vực miền núi (còn gọi là cô đỡ thôn bản) được xem là "cánh tay nối dài" của ngành y tế ở cơ sở. Tuy nhiên có một thực tế, hiện "cánh tay nối dài" này đang dần "ngắn" lại, khi số lượng nhân viên y tế thôn bản đang có xu hướng giảm mạnh. Báo cáo của Bộ Y tế cho thấy, ở khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa có khoảng 3.000 cô đỡ thôn bản, nhưng hiện chỉ có gần 65% người đang hoạt động; số còn lại do tuổi cao, không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc đã nghỉ việc.
Nhân viên y tế thôn bản được xem là “cánh tay nối dài" của ngành y tế ở cơ sở - Ảnh: VGP
Theo đánh giá của Bộ Y tế trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 117, hầu hết đội ngũ nhân viên y tế thôn bản ở khu vực miền núi phải kiêm nhiệm các công việc khác ở thôn, bản (cộng tác viên dân số, công tác đoàn thể, tổ chức xã hội ở thôn/bản). Trong khi đó, chế độ phụ cấp, bồi dưỡng thấp, nên đội ngũ này thường xuyên biến động (nghỉ, bỏ việc).
Đơn cử tại Ninh Thuận, từ năm 2019 tới nay, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản đã ngưng hoạt động do không có phụ cấp. Tại Quảng Bình, từ năm 2020, "cánh tay nối dài" của ngành y tế tại cơ sở cũng gần như ngừng hoạt động do nhân viên y tế thôn bản không được chi trả phụ cấp, mà chỉ được hưởng bồi dưỡng khi họ trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, bản với mỗi giờ làm việc được hưởng mức bồi dưỡng là 0,007 mức lương cơ sở (được quy định tại Nghị quyết số 61/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Bình).
Tương tự, tại Thanh Hoá, đội ngũ nhân viên y tế thôn bản đã ngừng hoạt động từ năm 2020 do thiếu cơ chế, chính sách hỗ trợ. Theo Nghị quyết số 232/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Thanh Hóa, địa phương chỉ duy trì chi phụ cấp là 0,7 cho nhân viên y tế thôn bản ở những thôn đặc biệt khó khăn và có từ 500 hộ trở lên; 0,6 với thôn đặc biệt khó khăn và có từ 500 hộ trở xuống. Đây là điều kiện rất khó để hưởng phụ cấp bởi đặc thù miền núi, số thôn có quy mô dân số như trên là rất hiếm.
Trước thực tế này, đoàn đại biểu Quốc hội nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi đã tiếp nhận kiến nghị của cử tri về bổ sung chính sách cho NVYTTB, gửi Bộ Y tế. Gần đây nhất, sau khi tiếp nhận kiến nghị cử tri từ đoàn đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị, ngày 12/3/2025, Bộ Y tế đã có Công văn số 1392/BYT-VPB1 trả lời kiến nghị.
Trong công văn này, Bộ Y tế cho biết, Bộ đã đề xuất xây dựng Nghị định của Chính phủ quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập; chế độ phụ cấp chống dịch và chế độ hỗ trợ nhân viên y tế thôn bản, tổ dân phố và được đưa vào Chương trình công tác năm 2025 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Hiện Bộ đang khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị định, dự kiến trình Chính phủ vào tháng 6/2025.
Việc xây dựng chính sách để "giữ chân" đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, nhất là ở địa bàn đặc biệt khó khăn, hệ thống y tế cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để nhân viên y tế thôn bản có thể thực hiện được nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân thì chính sách về đào tạo, bồi dưỡng năng lực chuyên môn cho đội ngũ này cũng cần được lưu ý.
Trong báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định 117, Bộ Y tế đã cảnh báo, lực lượng nhân viên y tế thôn bản qua đào tạo đang có xu hướng giảm dần qua các năm. Cụ thể, số nhân viên y tế thôn bản qua đào tạo năm 2014 là 76,4%, đến năm 2019 giảm xuống 76,3% và năm 2024 còn 70,6%. Trong đó, trung du và miền núi phía Bắc là khu vực có tỉ lệ nhân viên y tế thôn bản đã qua đào tạo giảm nhiều nhất (từ 85,8% năm 2014 xuống 83,6% năm 2019 và còn 75,7% vào năm 2024); kế đó là khu vực Tây Nguyên, với tỉ lệ tương ứng là: 70,4% - 68,4% - 60,7%...
Theo đánh giá của Bộ Y tế, cùng với sự suy giảm cả về số lượng lẫn chất lượng của đội ngũ nhân viên y tế thôn bản thì thực trạng nguồn nhân lực cán bộ y tế tại các TYT cấp xã đang đặt ra cho hệ thống y tế cơ sở rất nhiều thách thức. Điều này đòi hỏi phải có những chính sách mới, đủ mạnh để tuyển dụng, giữ chân, phát triển nhân lực có trình độ, có cơ cấu hợp lý công tác tại TYT xã.
Bên cạnh giải pháp căn cơ này, để chăm sóc sức khỏe cho nhân dân vùng đồng bào DTTS và miền núi, việc cần làm trước mắt là ngành y tế cần tăng cường ngay lực lượng y tế cho tuyến cơ sở. Đây vừa là đòi hỏi từ thực tiễn, đồng thời cũng là mệnh lệnh từ trái tim đặt ra cho ngành y tế.
Theo báo cáo của Bộ Y tế, hiện số TYT xã vùng 3 chủ yếu tập trung tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, với tỉ lệ 60,3%; trung du và miền núi phía Bắc là 57,7%; Tây Nguyên là 54,7%... Đây là những vùng có đông đồng bào DTTS sinh sống, điều kiện kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn.
Bài cuối: Mệnh lệnh từ trái tim
Sơn Hào