• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bài 2: Những hy sinh thầm lặng phía sau tấm huy chương

(Chinhphu.vn) - Đằng sau sự vinh danh tên tuổi của những học sinh Việt Nam trên đấu trường quốc tế, ngoài khả năng thiên bẩm và sự nỗ lực của trò, còn là sự hy sinh, nỗ lực thầm lặng và bền bỉ của những người thầy và sự đồng hành của gia đình.

03/09/2022 10:26

Sau những tin vui, thành tích rực rỡ của các đội tuyển quốc gia dự thi Olympic quốc tế năm 2022, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có thư khen Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Quốc gia Hà Nội) - ngôi trường có nhiều thành tích nhất Việt Nam về số lượng huy chương, giải thưởng trong các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế và về số học sinh giành huy chương.

Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng và xúc động khi biết về thành tích xuất sắc mà các em học sinh đã giành được tại kỳ thi Olympic Quốc tế năm 2022, tô thắm thêm bảng vàng thành tích của học sinh nước nhà tại đấu trường quốc tế đầy khó khăn. Thành tích của các em không chỉ là niềm tự hào của ngành giáo dục mà còn là của cả dân tộc; các em đã thể hiện rõ bản lĩnh, trí tuệ của con người Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Bài 2: Đằng sau vinh quang là những hy sinh thầm lặng - Ảnh 2.

TS. Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên (người cầm bằng khen) cùng Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội Lê Quân và các học sinh đạt Huy chương Vàng trong các kỳ thi Olympic quốc tế năm - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Áp lực lớn nhất vẫn là bản thân 

TS. Lê Công Lợi - Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên của Đại học Khoa học Tự nhiên (thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội) chia sẻ niềm vui về một năm đặc biệt đối với cả thầy và trò.

Năm nay, có điểm đặc biệt là em Võ Hoàng Hải - học sinh lớp 10 của trường, được chọn thi môn Vật lí. Đây là học sinh đầu tiên của Việt Nam thi Olympic quốc tế môn Vật lí khi mới học lớp 10. Và Hải đã mang lại vinh quang cho Tổ quốc, góp tiếp vào bảng thành tích Huy chương Vàng của đội tuyển Việt Nam.

Bồi dưỡng học sinh giỏi là một công việc khó khăn và lâu dài, đòi hỏi nhiều công sức của thầy và trò. Từng môn học có đặc thù riêng, như môn Toán thường được các học sinh quan tâm từ rất sớm, nhưng với môn Vật lí là môn khoa học khó, thường được học sinh quan tâm muộn hơn nên các thầy cô đặt kỳ vọng rất lớn là có thể tạo ra được cú hích mới trong việc phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi Vật lí của trường.

Với môn Toán, khi trường được Ban tổ chức thông báo em Ngô Quý Đăng đã đạt điểm tuyệt đối 42/42 thì rất nhiều thầy cô chuyên Toán, đặc biệt là các thầy cô trực tiếp bồi dưỡng đội tuyển Toán cực kỳ vui mừng. Bởi, mục tiêu học sinh đạt huy chương vàng đã là rất tuyệt vời rồi, nhưng để đạt được huy chương vàng với điểm tuyệt đối thì đó phải là kết quả của một kế hoạch dài hơi và nỗ lực vô cùng lớn. Ngô Quý Đăng cũng đã đoạt huy chương vàng Olympic Toán học quốc tế năm 2020 khi học lớp 10. 

Theo TS. Lê Công Lợi, những học sinh như Đăng và Hải đều thể hiện rõ niềm đam mê với môn học mà mình dự thi từ rất sớm. Ngoài tố chất, thì niềm đam mê đã giúp các học sinh chinh phục các kỳ thi đỉnh cao.

Đào tạo mũi nhọn học sinh giỏi là ưu tiên hàng đầu của nhà trường. Bởi vậy, nhà trường luôn quan tâm đến việc phát hiện nhân tài để bồi dưỡng. Một trong những nhiệm vụ được nhà trường quan tâm là tuyên dương những em đạt thành tích xuất sắc nhằm khơi dậy ý chí phấn đấu học tập, đồng thời động viên, cổ vũ những thế hệ học sinh tiếp theo không ngừng vươn lên trong hành trình chinh phục đỉnh cao trí tuệ.

Tuy nhiên, đằng sau những tấm huy chương, đằng sau những buổi tuyên dương khen thưởng, còn đó nhiều khó khăn phải đối mặt, cần vượt qua. Theo thầy Lợi, trong các cuộc thi, áp lực lớn nhất của các học trò vẫn chính là bản thân mình. Các em nếu vượt qua được tâm lý khi thi thì sẽ thành công. Có những học trò khi học và tham gia bồi dưỡng tại trường rất xuất sắc nhưng khi đi thi chỉ một chút sơ xảy là có thể vuột mất thành tích vẻ vang của mình.

"Đằng sau những thành tích ấy là rèn luyện đổ mồ hôi, những hy sinh thầm lặng của cả thầy và trò. Các thầy cũng phải chọn "điểm rơi" cho các em để thời gian nào các em hoàn thành nhiều bài tập hoặc có thời điểm phải cho các em thư giãn. Đấy là chiến lược của từng thầy. Hoặc phải khích lệ được học sinh rằng những thành tích các em đạt được hiện nay chỉ là bước khởi đầu, chặng đường sau này của các em mới là chặng đường dài cần phấn đấu tiếp", thầy Lê Công Lợi chia sẻ.

Đam mê là chìa khoá chinh phục các kỳ thi đỉnh cao

Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 12, Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Ngay từ những năm cấp 2, Ngô Quý Đăng đã được mọi người đặt cho biệt danh "vua giải thưởng" môn Toán và được tuyển thẳng vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên nhờ những thành tích xuất sắc về Toán học. Mới đây, Đăng tiếp tục gây ấn tượng khi đạt Huy chương Vàng tại kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) năm 2022, với số điểm tuyệt đối 42/42. Cách đây 2 năm, Đăng cũng là học sinh lớp 10 đầu tiên của Việt Nam giành được Huy chương Vàng tại kỳ thi IMO. 

Được nhận Huy chương Vàng từ tay Thị trưởng thành phố Oslo, Na Uy tại Tòa thị chính Thành phố - nơi hằng năm trao giải Nobel Hòa bình, với Ngô Quý Đăng là niềm vinh dự và kỷ niệm đáng nhớ nhất khi tham dự IMO 2022.

Chia sẻ về quá trình ôn luyện, theo Đăng, để dự thi đạt kết quả tốt cần đam mê, yêu thích môn học, chăm chỉ, ôn luyện thường xuyên. Vì vậy, em luôn có một quyển sổ ghi chép lại các bài Toán khó để khi có thời gian rảnh đọc lại một lần hoặc nhiều lần để hiểu được tư tưởng bài đó. 

Đăng luôn tìm thấy niềm vui trong học tập. Em đam mê môn Toán từ nhỏ, khi em thấy việc hoán đổi các con số, dùng các con số rất vui. Lúc đó chỉ là sự yêu thích. Niềm đam mê thực sự bắt đầu khi em vào cấp 2 và được tiếp cận với những dạng toán thú vị, mới lạ. Khi lên cấp 3, vào môi trường đội tuyển, được gặp những người bạn cùng chí hướng và được gặp những người thầy, cô vô cùng tâm huyết, ngọn lửa đam mê của em bùng cháy và giúp cho em có nhiều động lực học tập.

Bài 2: Đằng sau vinh quang là những hy sinh thầm lặng - Ảnh 4.

"Cậu bé vàng" Ngô Quý Đăng

"Không thể nói là không có khó khăn, em học rất nhiều toán mỗi ngày, hơn 10 tiếng mỗi ngày, nhiều khi bị mệt, xuống sức, nhưng chỉ cần nghĩ là mình có thể đạt được những thành công, tiếp nối những người đi trước, là những mệt mỏi của em tan biến. Em rất sung sướng khi giải quyết được 1 bài toán khó mà có thể phải nghĩ đến 3-4 tiếng", "cậu bé vàng" chia sẻ.

Rất chững chạc, Đăng chia sẻ suy nghĩ của mình về chặng đường phía trước: Người ta thường nói là để vượt qua được đỉnh vinh quang của mình rất khó khăn, tuy nhiên, em không thoả mãn với những thành tích của quá khứ. Em đã đạt được thành công bước đầu và em tin là sẽ đạt được những thành công mới nếu tiếp tục nỗ lực.

Ngô Quý Đăng "bật mí" rằng em quyết định sẽ đầu quân vào lớp cử nhân tài năng toán học của ĐH Khoa học Tự nhiên, nơi hội tụ của 2 yếu tố, có các giáo sư đầu ngành, thành danh với rất nhiều các bài báo đã được công bố trên quốc tế, rất uy tín và vun đắp cho em một nền tảng toán cao cấp vững chắc "để sau này dù có đi đâu thì cũng có gốc và xây dựng vun đắp từ đó".

Gia đình có vai trò quyết định hình thành, phát triển tài năng

TS. Lê Công Lợi cho biết trong quá trình quan sát những học sinh đạt thành tích tốt tại Trường THPT chuyên Khoa học Tự nhiên, ông nhận thấy ngoài năng lực và sự đam mê thì phải kể đến sự đồng hành của phụ huynh. Gia đình có vai trò định hướng phát triển cho mỗi cá nhân. Và gia đình phải là môi trường tốt, phụ huynh tạo điều kiện về vật chất, từ việc chăm sóc sức khỏe, đồ dùng học tập, đến chăm lo đến tinh thần, như chia sẻ với các em về những căng thẳng trong học tập.

Rõ ràng, gia đình có vai trò quyết định trong việc hình thành và phát triển tài năng. Bên cạnh nhà trường và xã hội, những học sinh được bố mẹ đồng hành, đặc biệt là bố mẹ vun đắp và nuôi dưỡng những ước mơ, hoài bão lớn của các em, đó là điều tuyệt vời.

Bài 2: Đằng sau vinh quang là những hy sinh thầm lặng - Ảnh 5.

Võ Hoàng Hải và mẹ Đỗ Mai Hòa - Ảnh: VGP/Nhật Nam

Chị Đỗ Mai Hoà, mẹ của Võ Hoàng Hải cho hay rất vui và hạnh phúc với kết quả mà con trai đạt được, mặc dù thừa nhận bản thân không phải là người đặt áp lực lên con về học tập và thi cử. "Kết quả xứng đáng với nỗ lực của con, con sinh ra như để theo con đường nghiên cứu và làm khoa học", chị Hòa chia sẻ. 

Với gia đình Hoàng Hải, khi con học chuyên, học đội tuyển vất vả, gia đình dành rất nhiều quan tâm về ăn uống, chăm sóc sức khoẻ cho con. Trong quá trình ôn thi, em luôn có bố mẹ động viên, quan tâm, sát sao từ bữa ăn, giấc ngủ, ôn luyện kiến thức.

Hải rất tự giác, mẹ và gia đình không phải nhắc gì về việc học, duy nhất nhắc Hải là phải cân bằng giữa việc học và việc chơi, đặc biệt là thể thao. Tuy nhiên, Hải chia sẻ rằng khi tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế, em và các bạn trong đoàn Việt Nam mới biết được rằng các bạn Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga, Đài Loan học còn áp lực hơn rất nhiều.

"Tôi nghĩ rằng mỗi học sinh có một năng lực riêng và gia đình nên hướng theo đó chứ không nên ép. Với các đội tuyển đi thi quốc gia và quốc tế, tôi đánh giá cao vai trò hướng nghiệp của các thầy và vai trò tự học của các con", chị Đỗ Mai Hoà tâm sự.

Thanh âm rực rỡ và ngọt ngào của những tấm huy chương quốc tế dường như vẫn thánh thót, rộn rã bên những học sinh cùng gia đình các em nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Thành quả hạnh phúc đó thể hiện hướng đi đúng đắn, quá trình làm việc nghiêm túc, sáng tạo, khoa học của các cấp quản lý giáo dục, của các nhà trường, thầy cô giáo, sự nỗ lực vượt bậc của các em học sinh cũng như sự ủng hộ nhiệt tình của phụ huynh.

Phương Liên

Bài 3: Niềm tự hào của trí tuệ Việt Nam: Trở về để cống hiến