Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Vì Hòa bình năm 2024 tại tỉnh Quảng Trị, với mong muốn lan tỏa các giá trị của hòa bình đến nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế.
Trong thông điệp về hòa bình gửi đến hội thảo, nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam nhấn mạnh, hòa bình là điều kiện tiên quyết để nhân loại tồn tại và mưu cầu hạnh phúc. Có hòa bình, người ta có thể mơ tưởng để có mọi thứ nhưng trong chiến tranh, người ta chỉ khát khao một thứ: đó là hòa bình. Đối với mỗi quốc gia, hòa bình là điều kiện tiên quyết để có thể huy động, tập trung mọi nguồn lực cho phát triển.
Do đó, môi trường hòa bình, an ninh là lợi ích hàng đầu đối với mỗi quốc gia - dân tộc. Gìn giữ, bảo vệ hòa bình là trách nhiệm chung của toàn nhân loại, của tất cả các quốc gia và mỗi một người trong chúng ta. Việt Nam là một dân tộc yêu chuộng hòa bình, có truyền thống nhân nghĩa và hòa hiếu. Trải qua nhiều cuộc chiến tranh giành độc lập và thống nhất đất nước, Việt Nam đặc biệt trân trọng giá trị của hòa bình, đồng thời luôn tích cực vận động bạn bè, nhân dân trên khắp thế giới trân trọng, bảo vệ và nỗ lực kiến tạo thế giới hòa bình.
Chia sẻ về tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình, PGS.TS Trần Thọ Quang, Vụ trưởng phụ trách Cơ quan thường trực tại miền Trung - Tây Nguyên của Tạp chí Cộng sản cho hay, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, giành độc lập tự do của dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nêu cao ngọn cờ hòa bình, đấu tranh vì hòa bình với quan điểm minh triết chỉ tiến hành chiến tranh khi đó là giải pháp bắt buộc cuối cùng.
Theo đó, Việt Nam đã thực hiện những phương cách hòa bình, đồng thời đẩy mạnh hoạt động ngoại giao làm cho dư luận thế giới thấy được thực chất của tình hình Việt Nam, bản chất cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân, đế quốc, trên hết là bài học về đấu tranh vì hòa bình của Tổ quốc và hòa bình của nhân loại.
"Có thể thấy, tư tưởng Hồ Chí Minh về hòa bình chính là bài học lịch sử về sự phát triển đất nước trong độc lập, tự do, trong bảo đảm quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của dân tộc và là lý tưởng, khát vọng của dân tộc Việt Nam và nhân loại. Đó còn là sự nghiệp đấu tranh để bảo đảm các quyền dân tộc cơ bản; giải quyết mâu thuẫn, bất đồng bằng thương lượng hòa bình, hợp tác, bình đẳng, cùng có lợi. Thể hiện rõ đường lối đối ngoại: Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, nêu cao hợp tác phát triển với các quốc gia, dân tộc trên thế giới", PGS.TS Trần Thọ Quang khẳng định.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Hoàng Nam nhấn mạnh, Quảng Trị chính là vùng đất mang khát vọng hòa bình bất diệt của dân tộc, từng làm lay động mạnh mẽ, sâu sắc lương tri của nhân loại yêu chuộng hòa bình. Và đã từ lâu, Quảng Trị trở thành một điểm đến tri ân - một biểu tượng chung của cả nước về khát vọng hòa bình của dân tộc; đồng thời là điểm đến của bạn bè quốc tế để ngưỡng vọng, sẻ chia, chiêm nghiệm và tôn vinh giá trị của hòa bình, nhất là trong dịp tháng Bảy.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Nam mong muốn các học giả, đại biểu tham dự hội thảo sẽ tham vấn cho Quảng Trị những bước đi tiếp theo để viết tiếp câu chuyện hòa bình trên mảnh đất này, để Quảng Trị thực sự trở thành không gian hòa bình, điểm đến vì hòa bình của nhân dân và du khách trong nước và quốc tế.
Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận và nhiều ý kiến của đại biểu, học giả trình bày tập trung vào các nội dung, gồm: Bài học về đấu tranh vì hòa bình từ hai cuộc kháng chiến của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX; từ Hiệp định Geneve đến Paris - bài học về đấu tranh về ngoại giao vì hòa bình của Việt Nam; đấu tranh cho độc lập dân tộc gắn với đấu tranh cho hòa bình, kinh nghiệm của các tổ chức nhân dân của Việt Nam; bài học về giá trị hòa bình từ góc nhìn của nhà nghiên cứu lịch sử, cựu chiến binh từng chiến đấu tại chiến trường tỉnh Quảng Trị; ngoại giao cây tre Việt Nam đóng góp cho hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới; các sáng kiến vì một khu vực, thế giới hòa bình, công bằng, ổn định và phát triển bền vững.
Nhật Anh