• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bạn chung thủy của người Mông

(Chinhphu.vn) - Ai đã từng đặt chân đến vùng cao Tây Bắc chắc đều đã từng gặp hình ảnh một chàng trai người Mông vắt vẻo trên lưng ngựa.

04/02/2014 11:24
Một góc chợ ngựa Bắc Hà (Lào Cai)
Nếu người nông dân đồng bằng Bắc Bộ coi “con trâu là đầu cơ nghiệp”, là tài sản quý nhất, có giá trị nhất của gia đình, thì người Mông coi ngựa vừa là bạn đường, sức kéo phục vụ sản xuất nông nghiệp, là chiến binh dũng mãnh trong các cuộc đua, đấu ngựa.

Địa bàn đặc thù sinh sống của người Mông ở vùng núi cao, cheo leo, hiểm trở, đi lại khó khăn hiểm trở nên ngựa là phương tiện chuyên chở đắc lực và duy nhất. Ngựa chở lúa ngô khoai từ rẫy về nhà, lại chở ngô rượu ra chợ bán. Ngựa chở người say mềm xõng xoài sau mỗi phiên chợ về nhà. Ngựa chở cả gia đình bố mẹ, con cái đi chơi xuân, đi chợ tết.

Với một số địa phương như Bằng Hành (Hà Giang) Bắc Hà (Lào Cai) con ngựa đã đi vào lễ hội đua ngựa, đấu ngựa mang lại rất nhiều niềm vui, sự phấn khích cho đồng bào. Đồng thời, trở thành một nét văn hóa độc đáo của người Mông rẻo cao.

Với người Mông, nhà nào cũng cố gắng có ít nhất 1 con ngựa. Nhà nào khá có 2 con. Những nhà chuyên nuôi ngựa để bán thì có đến cả đàn.

Ly Seo Dũng, chàng trai người Mông ở bản Phố 2 (Bắc Hà, Lào Cai), có niềm đam mê khôn tả với ngựa. Chân đi chưa vững, Seo Dũng đã được bố bế ngồi vắt vẻo trên lưng ngựa đi khắp làng bản. Lớn lên chút nữa là đi chăn ngựa, tắm cho ngựa. Đến tuổi thanh niên, thú vui của Dũng là ngồi “hóng” những câu chuyện về “mẹo” mua ngựa tốt của bố, các chú, ông trong gia đình.

Ly Seo Dũng hào hứng kể: “Không phải ai cũng mua được ngựa tốt đâu. Một con ngựa tốt phải có khoáy đều trên cổ, lưng, 4 chân trắng đều, chiều cao thước mét phải đạt chuẩn. Ai không có kinh nghiệm chọn ngựa, hoặc tham rẻ sẽ mua phải con ngựa xấu”.

Riêng chọn ngựa đua, bên cạnh tiêu chuẩn tứ túc mai hoa, khoáy đều thì người mua phải chú ý đến sải chân dài, bắp nhỏ bụng thon, 4 móng đều và mỗi khi ngựa sải vó thì 2 chân sau phải vượt 2 móng trước. Ngựa xấu sẽ bướng lì, hay đá, không ăn cỏ, hay cắn chủ và khó dạy.

Những người Mông có ngón nghề chọn ngựa hoặc đam mê ngựa thường lang thang hết chợ ngựa này tới chợ ngựa khác để chọn được những chú ngựa thực sự ưng ý nhất. Theo chân bố và chú, Seo Dũng đã đi từ chợ ngựa Simacai, Cán Cấu, Bắc Hán đến Sinh Chén, từ Lào Cai đến tận Hà Giang.

Mua ngựa cũng phải chọn theo mùa. Mùa thu hoạch ngô bao giờ cũng là mùa có nhiều ngựa tốt được mang ra bán. Giá cả cũng vì thế mà thay đổi theo mùa. Ngựa mùa thồ ngô bao giờ cũng cao hơn ngựa mùa khác 5 triệu đồng trở lên.

Trong mùa ngô, chợ có nhiều ngựa tốt nhất là chợ Cán Cấu họp vào ngày thứ Bảy. Những con ngựa không bán được ở Cán Cấu sẽ ra chợ ngựa Chủ nhật ở Bắc Hà, tồn nữa thì lái ngựa sẽ mang ra bán rẻ trong chợ ngựa thứ Ba ở Cốc Ly.

Ảnh minh họa

Do đó người mua ngựa đến chợ Cán Cấu sẽ mua được hàng nước đầu, ai không biết ra chợ Cốc Ly mua ngựa thì coi như vét hàng tồn.

Mua được ngựa về muốn ngựa thồ tốt hoặc chiến đấu dũng mãnh thì còn phải biết cách huấn luyện. Mà bước luyện đầu tiên là cho người tập cưỡi ngựa.

Với một con ngựa để thồ thì phải tắm rửa sạch sẽ, kỳ cọ thường xuyên. Ngựa không chỉ ăn cỏ mà con ăn cả ngô và thóc mới đủ sức thồ và khỏe mạnh. Mỗi khi ngựa ốm phải mời thầy lang chuyên chữa bệnh cho ngựa bằng thuốc lá, tắm lá thuốc và châm cứu.

Rèn một con ngựa để thồ cũng phải mất từ 2-3 tháng. Ngựa đua thì chỉ tập trung luyện nhiều vào mỗi dịp đua.

Ngựa là một loài vật nổi tiếng trung thành với chủ. Con ngựa gắn bó và hữu dụng với người Mông như vậy nên đồng bào cũng rất tình nghĩa với loài vật này. Ngoài ra, mua một con ngựa, rồi huấn luyện chăm sóc nó kỳ công như vậy nên nếu chẳng may ngựa chết thì đó là một tổn thất, mất mát lớn với người Mông. Đặc biệt, người Mông không bao giờ ăn thịt con ngựa mình đã nuôi. Tới khi ngựa quá già hoặc ốm bệnh sắp chết, họ sẽ bắn và đem chôn chứ không mổ thịt.

Ngày nay ở Bắc Hà (Lào Cai) có rất nhiều quán bán đặc sản thịt ngựa nhưng đó là những con ngựa mua ở chợ, những con ngựa xấu, hư không thể thồ hàng.

Đặc biệt, với người Mông, nếu nhà nào ngựa đẻ ra ngựa bạch thì đó là một điềm xấu, báo hiệu sự mất mát về người và của. Ly Seo Dũng nói rằng cậu đã từng chứng kiến một gia đình trong bản gặp phải vận rủi khi ngựa mẹ đẻ ra ngựa con là ngựa bạch. Nhưng vận rủi chỉ đến với nhà nào có ngựa sinh ra ngựa bạch thôi. Còn với những nhà nuôi ngựa bạch để bán hoặc nấu cao thì rất phát tài và thu được rất nhiều tiền.

Trước khi xe máy Win 100, Minsk đến được với đồng bào vùng cao thì con ngựa đã làm mưa làm gió từ rất lâu và đến bây giờ là một phần quan trọng trong đời sống lao động và sinh hoạt, văn hóa giải trí của người Mông.

Nguyệt Hà