Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Đặt vấn đề
Chế độ pháp quyền (Rule of law) được khởi nguồn và phát triển cùng với chiều dài của lịch sử văn minh nhân loại như là một phương thức tổ chức và quản lý xã hội. Trên con đường phát triển của mình, các tư tưởng, học thuyết pháp quyền đã không ngừng được bổ sung và hoàn thiện. Sự phong phú và đa dạng của của các học thuyết pháp quyền đã làm nhiều nhà nghiên cứu cùng đưa ra một nhận xét: Pháp quyền là một thuật ngữ được sử dụng nhiều nhất và cũng là một khái niệm có nhiều cách hiểu khác nhau. [1] Ở mỗi quốc gia, chế độ pháp quyền đều có sự điều chỉnh, thích ứng nhất định cho phù hợp với điều kiện cụ thể của đất nước mình. Tuy nhiên, các tư tưởng, học thuyết pháp quyền đều có chung một điểm hội tụ, đó chính là tinh thần thượng tôn pháp luật của toàn xã hội. Trong lịch sử khoa học pháp lý thế giới, học thuyết pháp quyền được xây dựng và phát triển với nhiều mục tiêu cụ thể, nhưng mục tiêu tối thượng vẫn là tạo dựng và đảm bảo dân chủ, hạn chế sự tùy tiện, độc đoán của Chính phủ, bảo vệ các quyền con người. Từ những năm 1990, Ngân hàng thế giới (WB) đã coi pháp quyền như là một điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế thị trường và đảm bảo sự thịnh vượng chung cho toàn xã hội. [2] Chính vì vậy, thể chế này đã hỗ trợ tài chính cho hàng trăm chương trình cải cách hệ thống pháp luật và xây dựng pháp quyền tại các nền kinh tế thị trường đang phát triển.
Sau nhiều thập kỷ dài chiến tranh và thực hiện nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung, từ năm 1986, Việt Nam đã thực hiện chính sách đổi mới, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Trong quá trình các nhà hoạch định chính sách tìm kiếm, lựa chọn và xây dựng các chính sách phát triển kinh tế và quản lý xã hội, khái niệm Nhà nước pháp quyền đã được chính thức đề cập, cân nhắc, chọn lựa áp dụng tại Việt Nam từ năm 1991. Tuy nhiên, cũng như nhiều quốc gia đang trong quá trình chuyển đổi khác, việc xây dựng chế độ pháp quyền tại Việt Nam vẫn còn trong giai đoạn vừa làm vừa tiếp tục tìm hiểu, tổng kết, rút kinh nghiệm. Hệ thống lý luận về chế độ pháp quyền xã hội chủ nghĩa còn chưa được quan tâm phát triển đúng mức, bên cạnh đó, một số nhà hoạch định chính sách còn nhìn nhận chế độ pháp quyền, đặc biệt là chế độ pháp quyền phương Tây với thái độ khá thận trọng. [3]
Trong quá trình hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN, một trong những trở lực lớn nhất về mặt nhận thức cũng như thực tiễn là việc làm rõ nội hàm khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam. Nhận thức chung về Nhà nước pháp quyền XHCN sẽ giúp tạo dựng sự đồng thuận và sức mạnh đoàn kết giữa Đảng, Nhà nước, các tổ chức và người dân trong việc xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung nghiên cứu (1) Sự hình thành, đa dạng, năng động của quá trình phát triển học thuyết pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới, (2) Tính mở và những tranh luận về nội hàm khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” tại Việt Nam, (3) Những khó khăn do thiếu vắng một khái niệm chính thống về Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam, và (4) Kiến nghị đối với cơ quan Đảng, Nhà nước về việc sớm hoàn thiện hệ thống lý luận về Nhà nước pháp quyền XHCN.
1. Sự hình thành và phát triển học thuyết pháp quyền
Pháp quyền là một khái niệm được hình thành và phát triển dọc theo chiều dài lịch sử của văn minh nhân loại. Vì vậy, các nội dung, nguyên tắc cơ bản của pháp quyền đã không ngừng được giải thích, bổ sung và hoàn thiện theo từng giai đoạn và từng thời kỳ lịch sử nhất định. Từ thời Hy Lạp cổ đại, tư tưởng pháp quyền được xuất hiện nơi mà nền dân chủ sơ khai đã được hình thành và phát triển. Trong giai đoạn này, các nhà tư tưởng cổ đại đã không chỉ thuần túy quan tâm tới tính thượng tôn của pháp luật mà còn coi pháp quyền như là một phương thức để tìm kiếm sự tổ chức hợp lý của hệ thống quyền lực nhà nước. Đáng chú ý trong thời kỳ này là tư tưởng pháp quyền sơ khai của hai triết gia nổi tiếng Plato và Aristotle. Plato khẳng định pháp luật phải là ông chủ của chính quyền để ngăn ngừa sự xuất hiện của những kẻ chuyên quyền. Aristotle cho rằng pháp luật cần phải được xem như là sự kiềm chế đối với các pháp quan để hạn chế sự tùy tiện của các vị này trong quá trình đưa ra các phán quyết.
Tư tưởng và các học thuyết pháp quyền được tiếp tục bổ sung và phát triển khi giai cấp tư sản ở các quốc gia phương Tây không ngừng lớn mạnh và đấu tranh chống lại giai cấp phong kiến và giáo hội, từng bước giành ảnh hưởng với vai trò ngày càng lớn mạnh trên chính trường. Trong thời kỳ này, tư tưởng pháp quyền được phát triển và hòa quện vào các học thuyết về phân quyền, chủ nghĩa lập hiến và dân chủ. Nhiều nhà nghiên cứu lớn đã xuất hiện với vai trò hết sức quan trọng trong việc bồi đắp và phát triển các học thuyết pháp quyền. Các tên tuổi và các tác phẩm trứ danh trong thời kỳ này cần phải kể đến là Locke J. với tác phẩm “Khảo luận thứ hai về chính quyền”, J.J. Rousseau với tác phẩm “Khế ước xã hội” và Ch.L. Montesquieu với tác phẩm “Tinh thần pháp luật”. Đặc điểm nổi bật nhất của tư tưởng pháp quyền trong giai đoạn này là đề cao các giá trị dân chủ, tự do và quyền con người. J.J. Rousseau đã bắt đầu tác phẩm của mình với câu nói bất hủ: “Con người được sinh ra một cách tự do, nhưng khắp nơi lại bị xiềng xích”. Từ đó, các nhà tư tưởng trong giai đoạn này còn chú trọng đến việc tìm kiếm một cơ chế chế ước quyền lực nhà nước, chống lại sự lạm quyền và xây dựng một mô hình chính phủ hợp lý để hạn chế việc vi phạm các quyền con người. Như một nhà nghiên cứu phương Tây đã nói, người ta chỉ được tự do khi chính phủ không được tự do. Ch.L. Montesquieu với học thuyết tam quyền phân lập đã được các học giả tư sản phương Tây coi là hòn đá tảng trong việc xây dựng lý luận tổ chức quyền lực nhà nước tư sản sau này.
2. Sự năng động của khái niệm pháp quyền trong nền khoa học pháp lý hiện đại
Trong lịch sử hiện đại, các tư tưởng, học thuyết pháp quyền được phát triển khá phong phú và đa dạng, đặc biệt nó đã được phát triển nhằm thích ứng với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của từng quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử nhất định. Trong phạm vi bài nghiên cứu này, tác giả xin được giới thiệu và phân tích một số học thuyết pháp quyền có ảnh hưởng trên thế giới để từ đó rút ra những kinh nghiệm phục vụ cho việc xây dựng và hoàn thiện khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam trong giai đoạn hiện nay.
2.1. Cách tiếp cận của người Anh
Albert Venn Dicey là người đầu tiên sử dụng khái niệm pháp quyền (rule of law) một cách rộng rãi. Học thuyết của Dicey có ảnh hưởng hết sức sâu rộng trong giới thẩm phán và luật sư theo hệ thống luật án lệ (common law). Nội dung chính của học thuyết pháp quyền do Dicey khởi xướng nhấn mạnh một số khía cạnh sau:
(i) Sự ngự trị tuyệt đối của pháp luật như là sự hạn chế ảnh hưởng của việc sử dụng quyền lực một cách tùy tiện. Yêu cầu đầu tiên và chủ yếu đối với chế độ pháp quyền là không có chuyên quyền và tùy tiện trong lĩnh vực luật hình sự và tự do cá nhân.
(ii) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, không ai được đứng trên pháp luật, tất cả mọi người, không phụ thuộc vào đẳng cấp và các điều kiện khác đều là đối tượng điều chỉnh của pháp luật. Yêu cầu này cũng đòi hỏi các viên chức chính phủ phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với việc gây ra thiệt hại như bất kỳ cá nhân nào trong xã hội.
(iii) Các nguyên tắc trong hiến pháp không phải là nguồn gốc mà là kết quả của những quyền của cá nhân. [4]
Những tiêu chí về pháp quyền do Dicey khởi xướng đã có những ảnh hưởng sâu rộng đến những nghiên cứu chính trị, pháp lý lúc bấy giờ, tuy nhiên sau đó, đã không có một định nghĩa toàn diện nào về pháp quyền được đưa ra từ các tranh luận và nghiên cứu này. Một số nhà nghiên cứu cho rằng những nội dung của pháp quyền theo cách tiếp cận của người Anh là được thiết kế đặc biệt cho duy nhất hệ thống hiến pháp của Anh quốc và nó chỉ có những giá trị nhất định đối với nền khoa học pháp lý thế giới. Vì vậy, khái niệm pháp quyền theo cách tiếp cận của người Anh không phải là “một sản phẩm phục vụ cho việc xuất khẩu”. [5]
Trong giai đoạn hiện nay, khái niệm pháp quyền của người Anh tiếp tục chịu ảnh hưởng sâu sắc của F.A. Hayek (1899-1992). F.A. Hayek là một nhà kinh tế học nổi tiếng dành nhiều công sức phân tích những khuyết tật của nền kinh tế kế hoạch hóa tập trung. Trong học thuyết của mình, Hayek chú trọng phân tích ảnh hưởng của pháp quyền đối với kinh tế và chính trị. Theo Hayek, pháp quyền là điểm khác biệt rõ rệt nhất giữa một đất nước tự do và một đất nước đặt dưới sự cai trị của chính phủ độc đoán. Ông khẳng định mọi luật lệ đều đặt ra những hạn chế nhất định đối với quyền tự do cá nhân bởi vì nó luôn tìm cách tước đoạt các phương tiện mà dân chúng có thể sử dụng để đạt được mục đích của mình. Pháp quyền không chỉ là cơ chế bảo vệ mà còn là cơ chế pháp lý hữu hiệu để thực hiện quyền tự do. Tuy nhiên, mục tiêu của pháp quyền không phải là tự do mà là đưa ra một sự đảm bảo cho sự vận hành của hệ thống pháp luật. Pháp quyền cần được coi như một loại công cụ sản xuất cho phép mỗi cá nhân, trên cơ sở luật chơi đã biết, theo đuổi các mục đích mưu cầu hạnh phúc của mình, giúp người dân dự đoán hành vi của các đối tác và lập kế hoạch cho các công việc của mình. Hayek khẳng định pháp quyền phải thể hiện được một số yêu cầu sau:
(i) Hoạt động hành pháp của chính phủ phải tuân thủ những quy tắc đã được ấn định và công bố từ trước.
(ii) Các quy tắc phải được biết trước và có tính ổn định để các cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của mình phù hợp với các quy tắc đó.
(iii) Pháp quyền đòi hỏi sự bình đẳng với ý nghĩa pháp luật áp dụng bình đẳng với tất cả từng cá nhân và không thành kiến với bất kỳ hạng người nào mà có thể phương hại đến người khác. Trong thực tế, nếu cần thiết, pháp luật có thể phân biệt từng nhóm người nhưng việc phân biệt này không được nhằm mục đích thiên vị, giúp đỡ nhóm người này mà lại làm phương hại đến nhóm người khác. [6]
2.2. Cách tiếp cận của người Đức
Trong nền khoa học pháp lý thế giới, cách tiếp cận của người Đức được chấp nhận rộng rãi hơn bởi hai lý do: Đức là một quốc gia có truyền thống sâu rộng trong việc nghiên cứu về bản chất của nhà nước pháp lý hơn bất kỳ quốc gia nào, khái niệm nhà nước pháp quyền (Rechtsstaat) của Đức được chấp nhận và áp dụng khá rộng rãi bởi nhiều quốc gia.
Khái niệm Rechtsstaat khởi đầu được dùng để chỉ một nhà nước mà trong đó các hoạt động của cơ quan hành pháp luôn luôn là đối tượng điều chỉnh của các quy tắc pháp lý. Các quy tắc pháp lý này được thực hiện và đảm bảo bởi một hệ thống tòa án độc lập và không thiên vị. Như vậy, khái niệm Nhà nước pháp quyền ban đầu gồm 02 yếu tố cơ bản là sự tối thượng của pháp luật và yêu cầu phân chia quyền lực hoặc ít nhất là phân chia chức năng trong bộ máy nhà nước. Trong thời gian gần đây, khái niệm Rechtstaat được bổ sung thêm một số yêu cầu: Chính phủ phải là một chính phủ hợp hiến, các nguyên tắc pháp lý phải thúc đẩy công lý, phải công nhận và bảo đảm các quyền tự do dân sự và chính trị cơ bản. Như vậy, Rechtstaat bao gồm các nguyên tắc pháp lý thúc đẩy tiếp cận công lý, nguyên tắc phân chia quyền lực trong tổ chức bộ máy nhà nước và sự công nhận các quyền con người.
2.3. Cách tiếp cận của người Mỹ
John Rawls (1921-2002) là một đại biểu nổi tiếng của chủ nghĩa tự do của Mỹ, tác phẩm có ảnh hưởng lớn của ông trong xã hội Mỹ là cuốn “Lý luận về công lý” hoàn thành vào năm 1971. Đây là một tác phẩm mang tính thời đại, thể hiện sự suy tư về quyền con người trong tình trạng xung đột giữa công lý xã hội và hiệu quả kinh tế. [7] J. Rawls bắt đầu học thuyết của mình bằng tiên đề “công lý chính là công bằng” (justice as fairness) và khái niệm công lý hợp thức (formal justice), theo ông, công lý hợp thức là sự áp dụng pháp luật và các thiết chế một cách nhất quán, bình đẳng và không thiên vị. Công lý hợp thức chính là pháp quyền khi áp dụng trong hệ thống pháp luật. J. Rawls nhấn mạnh pháp quyền có mối quan hệ hết sức chặt chẽ với quyền tự do. Theo ông, các nguyên tắc của công lý hòa nhập với các nguyên tắc của pháp quyền, tuy nhiên ông nhấn mạnh, các nguyên tắc của pháp quyền sẽ tạo dựng một nguyên tắc chắc chắn hơn cho quyền tự do và là một phương tiện hiệu quả hơn cho việc tổ chức các hoạt động hợp tác của xã hội. J. Rawls cho rằng pháp quyền đòi hỏi hệ thống pháp luật và thiết chế phải có một số đặc điểm sau:
(i) Những hành vi mà pháp luật đòi hỏi hay cấm đoán phải phù hợp với khả năng của các cá nhân. Nguyên tắc này đưa ra ba yêu cầu, thứ nhất, pháp luật không thể đưa ra những đòi hỏi, nghĩa vụ mà cá nhân không thể thực hiện được, thứ hai, nhà làm luật phải tin tưởng rằng luật pháp được ban hành có thể được thực hiện và tuân thủ trong thực tiễn, cuối cùng, nguyên tắc này ngụ ý rằng pháp luật nên công nhận sự không thể thực hiện như một lời biện hộ, hoặc ít nhất phải coi đây như là một tình tiết giảm nhẹ.
(ii) Pháp quyền đòi hỏi những vụ việc tương tự cần được xét xử một cách tương tự như nhau. Nguyên tắc này được đưa ra nhằm hạn chế sự lạm quyền của thẩm phán trong quá trình xét xử tại các tòa án lệ.
(iii) Không có vi phạm nếu pháp luật chưa được ban hành. Nguyên tắc này đòi hỏi pháp luật cần được ấn định và công bố công khai từ trước, pháp luật không được hồi tố gây bất lợi cho người bị áp dụng. Nguyên tắc này được đưa ra nhằm hạn chế sự tùy tiện trong quá trình xây dựng pháp luật.
(iv) Pháp quyền đòi hỏi phải có công lý tự nhiên (natural justice). Yêu cầu này được đưa ra nhằm đảm bảo sự liêm chính trong quá trình xét xử. Các nguyên tắc tố tụng phải chặt chẽ và hợp lý để tìm ra sự thật. J. Rawls đưa ra một số ví dụ cho yêu cầu này như thẩm phán phải độc lập và không thiên vị, không ai có thể tự xét xử vụ việc của mình, việc xét xử phải được thực hiện một cách công bằng và công khai. [8]
Theo những nghiên cứu của Giáo sư Richard H. Fallon từ Đại học Havard, [9] sự phát triển của học thuyết pháp quyền đã làm cho các yếu tố cơ bản của pháp quyền ngày càng được mở rộng, giúp cho học thuyết pháp quyền thích ứng và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Dưới ánh sáng pháp quyền, pháp luật chỉ là pháp luật thực sự khi đáp ứng được chức năng cơ bản của nó là hướng dẫn hành vi con người. Trên cơ sở phân tích, tổng hợp các học thuyết pháp quyền hiện đại, ông khẳng định pháp quyền được công nhận khi có đủ các yếu tố sau đây:
(i) Khả năng của các quy tắc pháp lý, chuẩn mực, nguyên tắc trong việc hướng dẫn người dân thực hiện công việc của họ. Mọi người phải có thể hiểu pháp luật và tuân thủ chúng,
(ii) Tính hiệu lực của pháp luật, pháp luật phải thực sự hướng dẫn dân chúng,
(iii) Tính ổn định. Để giúp các cá nhân triển khai các kế hoạch và phối hợp hành động trong tương lai, pháp luật cần phải có sự ổn định hợp lý,
(iv) Tính tối cao của pháp luật. Pháp luật cần phải chi phối mọi công chức, thẩm phán và người dân bình thường,
(v) Những thiết chế để thực thi một nền công lý không thiên vị với những thủ tục xét xử công bằng.
Để đạt được yêu cầu này, pháp luật phải đáp ứng được các yêu cầu sau: (1) Pháp luật phải mang tính tổng quát (tính mù màu), (2) Pháp luật phải được công bố công khai, không được giữ bí mật, (3) Pháp luật không được hồi tố, (4) Pháp luật phải rõ ràng, (5) Pháp luật phải hài hòa, không được mâu thuẫn, (6) Pháp luật không được đưa ra những điều khoản không thực hiện được, (7) Pháp luật phải mang tính ổn định, (8) Pháp luật phải được áp dụng một cách nhất quán.
2.4. Cách tiếp cận của người Trung Quốc
Truyền thống pháp trị quân chủ (rule by law) đã có ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội Trung Quốc từ thời Xuân thu chiến quốc như một phương pháp tổ chức và quản lý xã hội, đối lập với phương pháp nhân trị. Trong xã hội Trung Quốc hiện đại, quan điểm pháp trị “dĩ pháp trị quốc” (rule by law) đang dần được thay thế bằng quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền “y pháp trị quốc” (rule of law) được khẳng định ngày càng rõ nét và nhất quán qua các thế hệ lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân và Hồ Cẩm Đào. Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa tại Trung Quốc bao gồm các đặc trưng cơ bản sau: (1) Pháp luật là tối thượng, (2) Hoạt động lập pháp phải đảm bảo tính dân chủ, (3) Hệ thống pháp phải luật hoàn thiện, (4) Tư pháp phải đảm bảo công bằng, (5) Quyền lực nhà nước phải được chế ước, (6) Pháp luật phải giải quyết hợp lý mối quan hệ giữa quyền lợi và nghĩa vụ. Theo một số nhà nghiên cứu, so với lĩnh vực cải cách thể chế kinh tế và xây dựng kinh tế thị trường, trong lĩnh vực xây dựng nhà nước pháp quyền, nhận thức của Trung Quốc là chậm hơn và thái độ là thận trọng hơn. Quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền của Trung Quốc vẫn trong giai đoạn vừa tiếp tục tìm hiểu, vừa tổng kết và rút kinh nghiệm. [10]
2.5. Cách tiếp cận của một số tổ chức quốc tế
Từ những năm 1950, Ủy ban luật gia quốc tế (International Commission of Jurists) đã đưa ra các khái niệm về pháp quyền với nội hàm ngày càng được mở rộng. Khởi đầu, Ủy ban này cho rằng trong chế độ pháp quyền, nhà nước phải là đối tượng điều chỉnh của pháp luật, các quyền cá nhân phải được bảo vệ, thẩm phán cần được độc lập và cuối cùng, luật sư phải bảo vệ mạnh mẽ các phiên tòa công bằng. Hai năm sau, tổ chức này đã phát triển nội hàm và đưa ra một “khái niệm năng động” về pháp quyền: Pháp quyền là yếu tố không thể tách rời đối với các thể chế và thủ tục pháp lý; phụ thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị mà khái niệm pháp quyền của các quốc gia khác nhau là không hoàn toàn giống nhau nhưng xét một cách tổng thể lại tương tự như nhau, pháp quyền là yếu tố cốt yếu để bảo vệ cá nhân khỏi sự chuyên quyền của chính phủ và giúp các cá nhân có được những phẩm giá của con người. Cách tiếp cận này đưa khái niệm pháp quyền (rule of law) đồng nhất với khẩu hiệu chính trị về một chính thể tốt (good government).
Sự đa chiều của các học thuyết pháp quyền cũng được thể hiện qua các chiều hướng và cách tiếp cận khác nhau của Ngân hàng thế giới (WB) về pháp quyền. Từ sự phân tích và tổng hợp của mình về cách tiếp cận về pháp quyền của Ngân hàng thế giới, PGS. Alvaro Santos từ Khoa Luật Austin Đại học Texas cho rằng căn cứ vào hai tiêu chí chính là (1) Mức độ độc lập của mệnh lệnh luật pháp với các loại mệnh lệnh khác như mệnh lệnh chính trị, mệnh lệnh đạo đức và (2) Mức độ tương quan và cạnh tranh giữa giá trị pháp quyền và các giá trị khác màcác nhà nghiên cứu trên thế giới đưa ra bốn cách tiếp cận và bốn khái niệm về pháp quyền. Tuy nhiên, mặc dù các hướng tiếp cận về pháp quyền là hết sức đa dạng, thậm chí là cạnh tranh lẫn nhau nhưng chúng không loại trừ lẫn nhau mà cần phải xem xét chúng trong mối quan hệ biện chứng, liên tục, đan xen, gắn bó và bổ sung cho nhau. [11]
3. Những tranh luận về nội hàm khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCH tại Việt Nam
3.1. Quá trình tiếp nhận tư tưởng pháp quyền hiện đại
Tư tưởng và học thuyết pháp quyền hiện đại của phương Tây được truyền bá vào Việt Nam kể từ khi Nguyễn Ái Quốc, người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tiến hành cuộc đấu tranh nhằm vạch trần và lên án chế độ cai trị hà khắc, tàn bạo, phi nhân tính, phi pháp quyền của Chính phủ Pháp tại thuộc địa Việt Nam. Bằng ngòi bút sắc sảo, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra một hình ảnh về chế độ phi pháp quyền mà người Pháp áp đặt tại Việt Nam: “Công lý được tượng trưng bằng một người đàn bà dịu hiền, một tay cầm cân, một tay cầm kiếm. Vì đường từ Pháp đến Đông Dương xa quá, xa đến nỗi sang được tới đó thì cán cân đã mất thăng bằng, đĩa cân đã chảy lỏng ra và biến thành những tẩu thuốc phiện hoặc những chai rượu ty, nên người đàn bà tội nghiệp chỉ còn lại độc cái kiếm để chém giết. Bà chém giết đến cả người vô tội, và nhất là người vô tội”. [12] Cuộc đấu tranh này đã thức tỉnh ý thức đoàn kết dân tộc, ý chí đấu tranh đòi độc lập dân tộc và các quyền cơ bản của người dân xứ thuộc địa. Từ sự lên án trên, Nguyễn Ái Quốc đã đưa ra yêu sách đòi cải cách nền pháp lý ở Đông Dương bằng cách cho người bản xứ cũng được quyền hưởng những đảm bảo về mặt pháp luật như người Âu Châu; xóa bỏ hoàn toàn các tòa án đặc biệt dùng làm công cụ khủng bố và áp bức. Thay chế độ ra các sắc lệnh bằng chế độ ra các đạo luật; Đảm bảo các quyền tự do báo chí, ngôn luận, lập hội, hội họp, cư trú và học tập cho người dân. [13]
Sau gần 100 năm người dân Việt Nam phải sống dưới xiềng xích thực dân, cuộc Cách mạng giành chính quyền tháng Tám năm 1945 được coi là “cuộc hồi sinh vĩ đại của một dân tộc đoàn kết”. [14] Bản Tuyên ngôn độc lập và Hiến pháp năm 1946, bản Hiến pháp đầu tiên của Việt Nam cũng như toàn cõi Đông Dương, cũng chính là nguyện vọng tha thiết và niềm tin sắt đá của người dân Việt Nam về một đất nước độc lập, tự do với một chế độ xã hội dân chủ, bình đẳng.
Tuy nhiên, trong thời gian dài sau khi giành được chính quyền, do đất nước rơi vào hoàn cảnh chiến tranh, cộng với những định kiến sai lầm trong quan niệm về pháp quyền, đồng nhất một cách máy móc nhà nước pháp quyền với nhà nước tư sản nên các tư tưởng, học thuyết và nguyên tắc pháp quyền lại chưa được nghiên cứu và quan tâm đúng mức tại Việt Nam. Trong giai đoạn này, học tập mô hình pháp luật của các nước xã hội chủ nghĩa khác, hệ thống pháp luật Việt Nam cũng chỉ chú trọng đến nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa mà hạt nhân của nguyên tắc này là yêu cầu mọi cơ quan, tổ chức và cá nhân phải tuân thủ pháp luật một cách nghiêm túc.
Từ năm 1986, thực hiện chính sách đổi mới của Đảng, nền kinh tế tập trung quan liêu bao cấp từng bước được xóa bỏ. Yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa với mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh đã yêu cầu nhà nước Việt Nam phải được tiếp tục hoàn thiện về mặt tổ chức để thích ứng tốt hơn với yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Sau 5 năm thực hiện chính sách đổi mới, tại Hội nghị lần thứ 2 Ban Chấp hành Trung ương khóa VII ngày 29 tháng 11 năm 1991, khái niệm Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên được đề cập tới như một mục tiêu cần hướng tới của một xã hội văn minh. Sau một thời gian dài của quá trình nhận thức về nhà nước pháp quyền, đến năm 2002, khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” mới chính thức được định danh và trở thành một nguyên tắc căn bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện nhà nước Việt Nam. [15]
3.2. Sự không thống nhất trong nhận thức về Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam
3.2.1. Từ các văn kiện của Đảng và Nhà nước
Quá trình nhận thức của Đảng và Nhà nước ta về Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân từ sau Đại hội Đảng lần thứ VII năm 1991 đến Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X năm 2006 đã phản ánh sự nhận thức sâu sắc hơn, toàn diện hơn của Đảng và Nhà nước về nội dung, cơ cấu tổ chức, cơ chế vận hành của Nhà nước pháp quyền.
Tháng 1 năm 2002, Chủ tịch nước Trần Đức Lương có bài “Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của dân, do dân, vì dân ngày càng trong sạch, vững mạnh là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta” được đánh giá là một sự bổ sung và hoàn thiện cho lý luận về nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Theo đó, Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được hiểu là cách thức cơ bản để phát huy quyền làm chủ của nhân dân, bảo đảm quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhà nước pháp quyền là Nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật, tăng cường pháp chế, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi vi phạm pháp luật nhằm thực hiện và bảo vệ các quyền tự do, dân chủ và lợi ích hợp pháp của nhân dân, ngăn ngừa mọi sự tùy tiện lạm quyền từ phía cơ quan Nhà nước và cán bộ, viên chức, ngăn ngừa hiện tượng dân chủ cực đoan, vô kỷ luật kỷ cương, bảo đảm hiệu lực hiệu quả hoạt động của nhà nước. Trong Nhà nước pháp quyền, tất cả các cơ quan nhà nước, các tổ chức, kể cả tổ chức Đảng đều phải hoạt động theo pháp luật, tuân thủ pháp luật và chịu trách nhiệm trước nhân dân và hoạt động của mình. Mọi công dân đều có nghĩa vụ chấp hành hiến pháp và pháp luật. [16]
Về phương hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN, tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Đảng ta yêu cầu xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN phải bảo đảm nguyên tắc quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan trong việc thực hiện quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tăng tính cụ thể, khả thi của các quy định trong văn bản pháp luật. Xây dựng và hoàn thiện cơ chế kiểm tra, giám sát tính hợp hiến, hợp pháp trong các hoạt động và quyết định của cơ quan công quyền. [17]
Tuy nhiên, qua nghiên cứu các văn kiện của Đảng và pháp luật của Nhà nước, mặc dù các văn kiện đã định danh nhà nước pháp quyền XHCN, đã đề ra những yêu cầu của quá trình vận hành và phương hướng hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN nhưng chúng ta vẫn nhận thấy sự thiếu vắng của nội hàm khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” trong các văn bản chính thống của Đảng và Nhà nước. Trong các văn bản về chiến lược cải cách công tác xây dựng pháp luật, cải cách hành chính và cải cách tư pháp sau này như Nghị quyết 48-NQ/TW về cải cách pháp luật, Nghị quyết 49-NQ/TW về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, nội hàm khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN cũng vẫn chưa được làm rõ.
3.2.2. Cho đến các tranh luận khoa học
Do khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” chưa có những quy định chính thức nên đây vẫn là một đề tài mang tính mở. Tại Việt Nam, các công trình khoa học nghiên cứu về chế độ pháp quyền và nhà nước pháp quyền trong gần 20 năm qua đã đạt được những kết quả nhất định với một chiều dày đáng kể. Tuy nhiên, do cách tiếp cận từ nhiều trường phái nghiên cứu khác nhau nên giới nghiên cứu, luật gia có nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất về khái niệm Nhà nước pháp quyền XHCN, thậm chí, có nơi, có lúc còn có sự mâu thuẫn.
Những tranh luận đầu tiên liên quan đến đề tài này phải kể đến những tranh luận về việc định danh pháp quyền hay Nhà nước pháp quyền. Một số nghiên cứu gần đây cho rằng chế độ pháp quyền là một khái niệm mang tính bao trùm hơn, sâu sắc hơn, ý nghĩa hơn so với khái niệm nhà nước pháp quyền mà Việt Nam đang sử dụng. Theo PGS.TS Nguyễn Đăng Dung thì pháp quyền không chỉ thuần túy là nhà nước pháp quyền. Trong khi khái niệm Nhà nước pháp quyền nhấn mạnh đến một nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật thì chế độ pháp quyền dùng để chỉ cả một xã hội được tổ chức và vận hành trên cơ sở các quyền được pháp luật quy định rạch ròi theo luật của tự nhiên, sao cho các chủ thể sử dụng quyền của mình một cách tự do để có khả năng nâng cao hạnh phúc của mình, nhưng không được xâm phạm sang quyền của các chủ thể khác. [18] Cụ thể hơn, trong một nghiên cứu khác, Ths. Bùi Ngọc Sơn cho rằng tinh thần pháp quyền có thể áp dụng với cả công quyền và xã hội công dân. Pháp quyền của công quyền nói lên rằng công quyền là đối tượng chịu sự kiểm soát của pháp luật. Pháp quyền của xã hội công dân nói lên rằng công dân là chủ thể sử dụng quyền lực của pháp luật để bảo vệ dân chủ, các quyền và tự do của mình. Vì vậy, Việt Nam cần thực thi một nền pháp quyền chứ không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà nước pháp quyền. [19]
Các tranh luận về nội hàm của khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” cũng phản ánh sự đa dạng, đa chiều trong nhận thức về khái niệm này tại Việt Nam. Có nghiên cứu tập trung phân tích nhà nước pháp quyền như một hình thức tổ chức nhà nước có nhiều khả năng nhất trong việc chế ước quyền lực nhà nước, [20] có những nghiên cứu chỉ coi sự hoàn thiện của hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy nhà nước là tiêu chí căn bản của nhà nước pháp quyền, [21] có những nghiên cứu cho rằng sự độc lập của hệ thống xét xử là thành tố chính của Nhà nước pháp quyền, [22] có những nghiên cứu cho rằng dân chủ là linh hồn cốt lõi của Nhà nước pháp quyền XHCN, [23] có nghiên cứu cho rằng Nhà nước pháp quyền là một trong những thành tố cơ bản của dân chủ, [24] có nghiên cứu cho rằng Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước pháp quyền đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. [25] Trong khuôn khổ Đề tài nghiên cứu khoa học KHXH. 05.05: “Xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân dưới sự lãnh đạo của Đảng”, GS.TSKH. Đào Trí Úc và tập thể tác giả tham gia Đề tài đã đưa ra những đặc trưng cơ bản có tính khái quát cao về Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam:
- Thuộc tính dân chủ: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, thể hiện và phát huy quyền làm chủ của nhân dân,
- Thuộc tính Hiến pháp: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp, tôn trọng và bảo vệ Hiến pháp,
- Sự ngự trị của pháp luật: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thừa nhận và thể hiện vị trị tối thượng của pháp luật trong đời sống xã hội,
- Đề cao vai trò và bảo vệ các quyền của cá nhân: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam thể hiện mối liên hệ dân chủ giữa Nhà nước với cá nhân, giữa Nhà nước và xã hội; tôn trọng, bảo đảm và bảo vệ quyền con người,
- Nguyên tắc tổ chức bộ máy: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là nhà nước mà ở đó quyền lực nhà nước được tổ chức theo nguyên tắc quyền lực nhà nước thống nhất trên cơ sở có sự phân công và phối hợp trong việc thực hiện ba quyền: lập pháp, hành pháp và tư pháp.
- Mối quan hệ giữa Đảng và Nhà nước: Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam là Nhà nước do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo. [26]
Gần đây, trong cuốn “Tìm hiểu một số thuật ngữ trong Văn kiện Đại hội XI của Đảng của Nguyễn Văn Thạo và Nguyễn Viết Thông đồng chủ biên, [27] các tác giả cho rằng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam được hiểu là phương thức tổ chức và vận hành quyền lực của nhân dân dưới hai hình thức chủ yếu là nhà nước và pháp luật theo nguyên tắc dân chủ nhằm bảo đảm các quyền và tự do của công dân. Nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam có một số đặc trưng cơ bản như sau:
Thứ nhất, Nhà nước pháp quyền XHCN là Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân mà nền tảng là liên minh giữa giai cấp công nhân với giai cấp nông dân và đội ngũ trí thức. Đây là một nguyên tắc hiến định (Điều 2 Hiến pháp 1992) thể hiện rõ nét và sâu sắc bản chất của nền dân chủ XHCN chân chính, triệt để, đảm bảo thực hiện quyền lực thực sự của nhân dân trong chế độ XHCN. Dân chủ và phát huy dân chủ luôn được xác định là mục tiêu trọng tâm của nhà nước pháp quyền XHCN, chính vì vậy, nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân đã trở thành nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước từ Trung ương đến địa phương, cũng như của các cơ quan lập pháp, hành pháp và tư pháp.
Thứ hai, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quyền lực nhà nước là thống nhất chính là sự khẳng định tất cả quyền lực nhà nước là thuộc về nhân dân, trong đó, yêu cầu phân công, phối hợp quyền lực nhà nước và kiểm soát quyền lực nhà nước bảo đảm cho quyền lực nhà nước thống nhất, loại bỏ sự chồng chéo, đảm bảo cho tổ chức lao động quyền lực nhà nước khoa học, hiệu quả, góp phần ngăn chặn một cách có hiệu quả sự lạm quyền từ phía các cơ quan nhà nước.
Thứ ba, Nhà nước ban hành pháp luật; tổ chức, quản lý xã hội bằng pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế XHCN; Hiến pháp và các đạo luật có vị trí tối cao trong việc điều chỉnh các quan hệ thuộc tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Đặc trưng nổi bật này thể hiện sự thay đổi căn bản mối quan hệ giữa nhà nước và pháp luật, theo đó, tuy pháp luật do nhà nước ban hành nhưng pháp luật lại có vai trò thống trị đối với chính nhà nước đã ban hành ra nó.
Thứ tư, Nhà nước phục vụ nhân dân, gắn bó mật thiết với nhân dân, thực hiện đầy đủ quyền dân chủ của nhân dân, tôn trọng, lắng nghe ý kiến của nhân dân và chịu sự giám sát của nhân dân. Đồng thời, Nhà nước có cơ chế và biện pháp kiểm tra, ngăn ngừa và trừng trị tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí, vô trách nhiệm, lạm quyền, xâm phạm quyền dân chủ của công dân; giữ nghiêm kỷ cương xã hội, nghiêm trị mọi hành động xâm phạm lợi ích của Tổ quốc và nhân dân.
Thứ năm, Nhà nước tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân; chăm lo hạnh phúc, sự phát triển tự do của mỗi người. Các quyền và nghĩa vụ công dân do Hiến pháp và pháp luật quy định. Hiến pháp 1992 - Hiến pháp của đất nước giai đoạn đầu thời kỳ đổi mới, đã dành 34 trong tổng số 147 điều quy định về quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tiêu chí về quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận như một nguyên tắc cơ bản trong quá trình xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, trong đó, Nhà nước pháp quyền XHCN giữ vai trò góp phần tạo dựng một không gian chính trị - pháp lý nhằm đảm bảo và phát huy các quyền cơ bản của con người.
Thứ sáu, Nhà nước tôn trọng và thực hiện đầy đủ các điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam là thành viên. Thực hiện chính sách đối ngoại rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa các quan hệ quốc tế, Việt Nam đã ký kết và gia nhập nhiều điều ước quốc tế và trở thành thành viên của nhiều tổ chức trong khu vực và quốc tế. Chính vì vậy, trong quá trình hội nhập và hợp tác, Nhà nước Việt Nam có trách nhiệm thực hiện đầy đủ, có thiện chí và tận tâm các cam kết quốc tế của mình.
Thứ bảy, bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với Nhà nước pháp quyền XHCN, sự giám sát và phản biện xã hội của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội. Đây cũng là một nguyên tắc Hiến định (Điều 4, Điều 9 Hiến pháp 1992) nhằm khẳng định vai trò là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội của Đảng Cộng sản Việt Nam, vai trò giám sát xã hội của nhân dân, chức năng phát huy truyền thống đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị và tinh thần trong nhân nhân dân của Mặt trận Tổ quốc cũng như các tổ chức chính trị - xã hội.
Tuy nhiên, các kết quả nghiên cứu nói trên là sự phản ánh nhận thức khoa học về Nhà nước pháp quyền XHCN của một số nhà nghiên cứu hoặc nhóm nghiên cứu từ các trung tâm nghiên cứu, giảng dạy khác nhau. Cho đến nay, cũng chưa có một khái niệm nào về Nhà nước pháp quyền XHCN được thừa nhận rộng rãi trong giới nghiên cứu tại Việt Nam.
4. Kiến nghị
Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN đã trở thành nhiệm vụ chiến lược, có tính cương lĩnh tại Việt nam. Tuy nhiên, có thể nói, nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam chưa thực sự là một nhà nước pháp quyền mạnh. [28] Những bất cập trong cơ chế bảo hiến, những hạn chế trong cơ chế quản lý và điều hành kinh tế, hay sự chưa hoàn thiện của hệ thống pháp luật về quyền (Luật về hội, Luật trưng cầu dân ý, Luật tiếp cận thông tin…) là những minh chứng cho nhận định nói trên. Muốn xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN, công việc đầu tiên là cần phải tìm hiểu những tiêu chí mà nó hướng tới. [29] Sự thống nhất của các tiêu chí này là điều kiện tiên quyết cho việc nhận thức và tạo dựng sự đồng thuận chung trong toàn xã hội, tạo ra sự nhất trí, sức mạnh tổng hợp, ý chí đoàn kết trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN tại Việt Nam. Sự thiếu vắng những tiêu chí thống nhất của khái niệm nhà nước pháp quyền XHCN cũng chính là một trong những nguyên nhân cơ bản cản trở quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền tại Việt Nam.
Khái niệm “nhà nước pháp quyền XHCN” tại Việt Nam cần được xây dựng từ sự phong phú, đa dạng và năng động của các học thuyết pháp quyền trong nền khoa học pháp lý thế giới. Yêu cầu này phản ánh rõ nét mối quan hệ chặt chẽ giữa cái phổ biến và cái đặc thù. Nội hàm của khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN” cần thể hiện được những thành tựu nghiên cứu và phát triển của học thuyết pháp quyền trong nền văn minh nhân loại, cần phản ánh được những giá trị văn hóa và pháp lý truyền thống của dân tộc Việt Nam, đồng thời phải thể hiện rõ nét vai trò lãnh đạo của Đảng và bản chất của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân của mô hình tổ chức nhà nước này.
Sau nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, đúc rút kinh nghiệm từ thực tiễn xây dựng tổ chức bộ máy nhà nước Việt Nam, trên cơ sở các luận cứ khoa học được cung cấp từ nhiều đề tài nghiên cứu của các tập thể và cá nhân trong và ngoài nước, đã đến lúc Đảng và Nhà nước cần đưa ra một cách đầy đủ và chính thức các yếu tố nội hàm của khái niệm “Nhà nước pháp quyền XHCN”.
Thạc sỹ luật so sánh Nguyễn Xuân Tùng - Trưởng phòng Công tác cán bộ Vụ TCCB
[1] Kanishka Jayasuriya (ed), Law, capitalism and power in Asia: The rule of law and legal institutions (1999) 28-40.
[2] David M. Trubek and Alvaro Santos (ed), The World Bank’s uses of the “rule of law” promise in economic development (2006), 253-300.
[3] GS. Đoàn Trọng Truyến: Cải cách hành chính và công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà Xuất bản Tư pháp, năm 2006, tr. 102.
[4] Albert Venn Dicey, Introduction to the study of the law of the Constitution (1885).
[5] Christopher H. Zimmerli, “‘Human rights and the The rule of law in Southern Rhodesia” (1971) 20 The International and Comparative Law Quarterly 239, 243.
[6] F.A. Hayek: Đường về nô lệ (Phạm Nguyên Trường dịch), Nhà Xuất bản tri thức, 2008, tr. 153-174.
[7] PGS. Bùi Đăng Duy và PGS.TS. Nguyễn Tiến Dũng: Triết học Mỹ, Nhà Xuất bản Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh, 2006, tr. 206.
[8] John Rawls, A Theory of Justice (1977) 235.
[9] Richard H. Fallon, “‘The rule of law’ as a concept in constitutional discourse” (1997) 97 Columbia Law Review 1, 7- 9.
[10] PGS. TS. Đỗ Tiến Sâm (chủ biên): Trung Quóc với việc xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà Xuất bản Khoa học Xã hội, 2008, từ tr.41-51.
[11] David M. Trubek and Alvaro Santos (ed), The World Bank’s uses of the “rule of law” promise in economic development (2006), 253-300.
[12] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 167.
[13] Hồ Chí Minh: Bàn về Nhà nước và pháp luật, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 72.
[14] PGS.TS. Phạm Hồng Tung: Văn hóa chính trị và lịch sử dưới góc nhìn văn hóa chính trị, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2008, tr 383.
[15] TS. Phạm Ngọc Dũng: Hồ Chí Minh vận dụng sáng tạo và phát triển Chủ nghĩa Mác-Lênin về xây dựng nhà nước pháp quyền, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2009, tr 127.
[16] Bộ Tư pháp: Xây dựng hệ thống pháp luật và nền tư pháp nhân dân dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà Xuất bản Tư pháp, 2005, tr. 214.
[17] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nhà Xuất bản Chính trị - quốc gia, 2006, tr. 126.
[18] Nguyễn Đăng Dung: Chính phủ trong Nhà nước pháp quyền, Nhà Xuất bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2008, tr. 11.
[19] Nguyễn Đăng Dung (chủ biên), Bùi Ngọc Sơn và Nguyễn Mạnh Tường: Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước pháp quyền, Nhà Xuât bản Đại học quốc gia Hà Nội, 2007, tr. 94.
[20] Nguyễn Đăng Dung: Chế ước quyền lực nhà nước, Nhà Xuất bản Đà Nẵng, 2008, tr. 121.
[21] TS. Đặng Đình Tân (chủ biên): Thể chế Đảng cầm quyền - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2006, tr. 51-55.
[22] Nguyễn Bá Chiến: Về thuật ngữ “Pháp quyền” trong Nhà nước pháp quyền, HKLP số 8 (68), tháng 2 năm 2006.
[23] GS.TS. Phạm Xuân Nam (chủ biên): Triết lý phát triển ở Việt Nam - Mấy vấn đề cốt yếu, Nhà Xuất bản Khoa học xã hội, 2008, tr. 395.
[24] TS. Ngô Huy Cương: Dân chủ và pháp luật về dân chủ, Nhà Xuất bản Tư pháp, 2006, tr 48.
[25] Viện Chính trị học: Chính trị học-Những vấn đề lý luận và thực tiễn, Nhà Xuất bản Chính trị - Hành chính, 2009, tr. 184.
[26] GS.TSKH. Đào Trí Úc: Xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2005, tr. 86-129.
[27] Nguyễn Văn Thạo - Nguyễn Viết Thông (đồng chủ biên): Tìm hiểu một số thuật ngữ trong văn kiện đại hội XI của Đảng, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia, năm 2011.
[28] GS.TS. Vũ Đình Bách (chủ biên): Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia, 2008, tr. 416.
[29] PGS.TS. Hoàng Kim Quế: Nhận diện Nhà nước pháp quyền, Tạp chí Lập pháp số 5, tháng 5 năm 2004.