Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Hàm Rồng - Núi Ngọc, điểm di tích lịch sử và thắng cảnh của khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng |
Diện tích quy hoạch chi tiết di tích tỷ lệ 1/500 (nằm trong quy hoạch phân khu) rộng 211,83 ha. Bao gồm diện tích các điểm di tích, khu di chỉ khảo cổ, khu vực di tích và danh thắng núi Hàm Rồng, núi Ngọc, núi Cánh Tiên (đồi Quyết Thắng).
Về bố cục không gian, gồm 2 trung tâm là trung tâm hành lễ và trung tâm dịch vụ du lịch. Tuyến đường chính của khu vực quy hoạch chạy từ đường cao tốc Bắc Nam qua khu đô thị Đông Cương, nối trung tâm lễ hội với trung tâm hành lễ ra đường 1A.
Về chức năng, khu vực I là khu vực bảo tồn di tích tương ứng với khu vực bảo vệ I của các di tích. Việc bảo tồn, tôn tạo có phương án cho từng di tích dựa trên các tài liệu lịch sử, kết quả của báo cáo khảo cổ và quá trình điền dã.
Trong đó, đối với các di chỉ khảo cổ học, xây dựng khu công viên khảo cổ nằm dọc bờ sông Mã, với các công trình như bảo tàng Đông Sơn, các hố khai quật khảo cổ được trưng bày bằng các phương pháp hiện đại nhằm bảo tồn một cách hiệu quả nhất di chỉ khảo cổ học tại chỗ, phục vụ cho công tác nghiêm cứu khoa học, tham quan.
Còn đối với các di tích cách mạng, tiến hành bảo tồn địa điểm và các dấu tích lịch sử, lựa chọn trận địa pháo đồi C4 để tái hiện hình ảnh vật thể và phi vật thể của di tích.
Khu vực II là khu vực bảo vệ cảnh quan di tích tương ứng với khu vực bảo vệ II của các di tích. Đây là vùng đệm để bảo vệ cảnh quan di tích trước hoạt động xây dựng của khu vực dân cư xung quanh. Trong khu vực này có thể xây dựng một số công trình có quy mô nhỏ như biển di tích, chỉ dẫn đường đi, giới thiệu về di tích một cách đồng bộ.
Làng truyền thống Đông Sơn được cải tạo, chỉnh trang với hệ thống đường dạng xương cá, lát gạch chỉ xếp nghiêng, nhà được cải tạo theo kiến trúc truyền thống, xây cổng làng với cây đa, rặng tre... Cải tạo cánh đồng làng với quán nghỉ, cây đa... trên nguyên tắc tái hiện giá trị gốc của nền văn minh lúa nước nhằm tạo ra không gian làng gắn với đồng ruộng truyền thống.
Ngoài các khu chức năng chủ yếu trên còn có khu vực hỗ trợ phát huy giá trị di tích như Khu thiền viện Trúc Lâm - Hàm Rồng, Khu công viên sinh thái Cánh Tiên, Khu công viên Chiến thắng Hàm Rồng, Khu du lịch động Tiên Sơn, Khu du lịch - văn hóa Hàm Rồng...
Việc Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, tỉnh Thanh Hóa nhằm bảo tồn, tôn tạo các di tích hiện hữu; tránh tình trạng lấn chiếm, xuống cấp của di tích; phục hồi di tích đã mất trên cơ sở khoa học và tạo các sản phẩm đang dạng, phong phú phục vụ du lịch (du lịch văn hóa, du lịch nghiên cứu, du lịch tâm linh...) trên nguyên tắc bảo tồn di tích gắn với phát triển du lịch bền vững và gắn với phát triển kinh tế xã hội. Nâng cấp hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội và cải thiện môi trường dân sinh; phát triển thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị loại I vào năm 2015.
Hoàng Diên