Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Nguyễn Văn Buội, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bến Tre, tính đến năm 2022, tỉnh khai thác được diện tích nuôi thủy sản khoảng 47.590 ha. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ chiếm khoảng 36.300 ha. Trong vài năm gần đây, việc đầu tư cho nghề nuôi tôm nước lợ của người dân ngày càng được nâng cao. Đặc biệt nhất là mô hình nuôi tôm theo hướng công nghệ cao mang lại hiệu quả cao.
Mô hình nuôi tôm công nghệ cao được xem là một trong những cách thức nuôi tôm đem lại hiệu quả kinh tế cao, vì đây là mô hình nuôi quản lý tốt dịch bệnh trên tôm, tôm nuôi được nhiều vụ trong năm, đạt trọng lượng như mong muốn, tỉ lệ nuôi thành công cao, góp phần tăng lợi nhuận cho công ty và hộ dân đầu tư mô hình.
Tuy nhiên, hiện việc phát triển diện tích nuôi tôm công nghệ cao gặp nhiều khó khăn do nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân hạ tầng thủy lợi nhiều nơi chưa hoàn thiện, hệ thống kênh cấp, thoát nước chưa đảm bảo, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất và kiểm soát dịch bệnh.
Bên cạnh đó, người dân còn e ngại chưa dám mạnh dạn đầu tư theo mô hình nuôi 2 giai đoạn, bởi đây là mô hình nuôi tôm kỹ thuật cao, với chi phí đầu tư ban đầu lớn, nhưng chưa được quan tâm từ các ngân hàng.
Tại hội nghị, các đại biểu, người nuôi tôm huyện Bình Đại được thông tin về thực trạng và giải pháp phát triển vùng nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao; phân tích nhu cầu thị trường đối với ngành tôm và định hướng phối hợp phát triển vùng sản xuất tập trung công nghệ cao tại Bình Đại; một số quy trình kỹ thuật nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao đạt hiệu quả…
Đại diện một số doanh nghiệp cũng chia sẻ về giải pháp phát triển vùng tập trung nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, cũng như việc phối hợp với địa phương để triển khai xây dựng khu nuôi tôm công nghệ cao với giá thành thấp, bền vững, giúp người nuôi tôm làm giàu trên chính mảnh đất của mình.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ đề nghị Ban Cán sự đảng UBND tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phát triển nuôi thủy sản theo hướng ứng dụng công nghệ cao. Trong đó, Sở NN&PTNT tập trung tham mưu thực hiện phát triển 4.000 ha nuôi tôm nước lợ ứng dụng công nghệ cao; đồng thời thực hiện tốt Nghị quyết số 07-NQ/TU của Tỉnh ủy về xây dựng vùng sản xuất tập trung, gắn phát triển chuỗi giá trị nhóm sản phẩm nông nghiệp chủ lực tỉnh giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030, trong đó có tôm nước lợ.
Vũ Phong