Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Các sản phẩm của DN Bến Tre đạt chứng nhận Halal tập trung ở nhiều mặt hàng, như các sản phẩm từ dừa (dầu dừa, kẹo dừa, nước cốt dừa, cơm dừa sấy khô, sữa dừa...), thủy sản (cá tra, nghêu), hàng nông sản (trái cây tươi, trái cây đông lạnh, bắp non, củ sắn, ớt, xoài cát chu, chanh dây, chuối, chôm chôm, mãng cầu xiêm...) và nông sản chế biến (kẹo mãng cầu, cơm dừa nạo sấy, nước mía, khoai mì...).
So với 150 DN đang tham gia xuất khẩu tại tỉnh, thì con số 14 này là quá ít, tuy nhiên, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm: "Con số này không có nghĩa là các DN còn lại không đáp ứng tiêu chuẩn Halal, mà có thể do chưa có nhiều thông tin để mạnh dạn tham gia được cấp giấy chứng nhận cho sản phẩm của mình".
Có nhiều nguyên nhân khiến các DN chưa tiếp cận được nhiều thông tin thị trường, nhất là văn hóa tiêu dùng, kinh doanh và các quy định đối với sản phẩm Halal, như: DN chưa quan tâm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để phù hợp với văn hóa Hồi giáo; chưa có bộ tiêu chuẩn Halal thống nhất áp dụng với tất cả các nước trên toàn cầu; nhiều tổ chức được phép cấp chứng nhận Halal, nhưng quy trình thủ tục cấp chứng nhận của các tổ chức không thống nhất.
Đặc biệt, việc đầu tư dây chuyền sản xuất, trang thiết bị riêng biệt trong các khâu từ đóng gói, bảo quản, vận chuyển… theo tiêu chuẩn Halal có thể tốn nhiều chi phí của DN. Đây là vấn đề quan ngại nhất, vì phần lớn DN tỉnh nhỏ và vừa, năng lực và khả năng còn nhiều hạn chế.
Với mong muốn kết nối hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo, tỉnh đã kiến nghị Bộ Ngoại giao và các bộ, ngành Trung ương hỗ trợ trong việc quảng bá tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre. Đồng thời, hỗ trợ chính quyền và DN tỉnh tiếp xúc với các đối tác, tập đoàn, DN uy tín của các quốc gia Hồi giáo, nhằm thúc đẩy giao thương, du lịch, tìm kiếm cơ hội hợp tác đầu tư. Mặt khác, giúp tháo gỡ vướng mắc trong kinh doanh quốc tế tại các địa bàn này.
Hôm nay (19/10), tại Hà Nội sẽ diễn ra Hội nghị "Xúc tiến hàng nông, thủy sản của tỉnh Bến Tre vào thị trường các quốc gia Hồi giáo" do Bộ Ngoại giao và UBND tỉnh Bến Tre đồng chủ trì. Hội nghị nhằm tạo điều kiện cho DN địa phương có cơ hội hợp tác, chia sẻ những sản phẩm tốt đến người dân các quốc gia Hồi giáo.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Nguyễn Văn Niệm bày tỏ, với nền tảng hiện có của các DN tại tỉnh, việc điều chỉnh để đạt tiêu chuẩn Halal là hoàn toàn có thể thực hiện được. Sau khi nhìn thấy lợi thế và cơ hội phân tích tại hội nghị, các DN sẽ quan tâm hơn đến thị trường các quốc gia Hồi giáo và tự tin để chinh phục thị trường đầy tiềm năng này.
Tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2021 đạt 6,53 tỷ USD và tăng trưởng đều hàng năm.
Cơ cấu xuất khẩu có sự chuyển biến theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng hàng công nghiệp chế biến tinh, chế biến sâu, có hàm lượng công nghệ cao; giảm tỷ trọng hàng thô và gia công. Chủ thể xuất khẩu không ngừng tăng lên, đặc biệt là khu vực kinh tế tư nhân và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, tỉnh có khoảng 150 DN tham gia xuất khẩu. Thị trường ngày càng được mở rộng. Hiện tại, các sản phẩm từ Bến Tre đã xuất khẩu sang hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Đến nay, Bến Tre đã hình thành được một số vùng chuyên canh sản xuất hàng xuất khẩu. Các chương trình, dự án xây dựng vùng nguyên liệu cung ứng cho sản xuất hàng xuất khẩu được triển khai thực hiện đồng bộ.
Quy mô sản xuất của các DN xuất khẩu được đầu tư mở rộng. Một số nhà máy đã đáp ứng được tiêu chuẩn thâm nhập vào thị trường khó tính như Mỹ, EU, Nhật Bản…