Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Chủ động triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị
Ngày 2/4/2022, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 13-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Nghị quyết số 13-NQ/TW thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước đối với vùng ĐBSCL, đáp ứng nguyện vọng của Đảng bộ, chính quyền nhân dân trong vùng trong bối cảnh phát triển mới.
Liên quan đến vùng ĐBSCL, Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định phê duyệt Quy hoạch vùng ĐBSCL thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quyết định 287/QĐ-TTg). Đây cũng là Quy hoạch vùng đầu tiên được phê duyệt trong cả nước.
Theo Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ, Bến Tre vừa thuộc phạm vi quy hoạch vùng đất (gồm toàn bộ 12 tỉnh ĐBSCL), vừa thuộc quy hoạch vùng biển ven bờ (gồm các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang). Đây là lợi thế cho tỉnh lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội.
Có thể thấy rõ Nghị quyết số 13 của Bộ Chính trị và Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ là cơ sở chính trị quan trọng cho sự ra đời của các cơ chế, chính sách mới nhằm khai thác và phát huy ở mức cao nhất tiềm năng, lợi thế cho sự phát triển nhanh, bền vững toàn vùng và của các địa phương ĐBSCL, trong đó có Bến Tre, thời gian tới.
Tại vùng ĐBSCL, Bến Tre là một trong những địa phương rất chủ động khi đề ra chương trình thực hiện Nghị quyết 13 của Bộ Chính trị và Quyết định số 287 của Thủ tướng Chính phủ nhằm đưa chính sách của Đảng, Nhà nước vào công cuộc phát triển kinh tế-xã hội.
Triển khai chương trình công tác, trong các ngày 12, 13, 14/8 vừa qua, Tỉnh ủy Bến Tre đã tổ chức đoàn công tác đi thực tế, trao đổi kinh nghiệm về phát triển kinh tế biển tại Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, là 3 trong số các địa phương mà Bến Tre có thể liên kết hợp tác về triển khai thực hiện các dự án lấn biển, học tập kinh nghiệm về quy hoạch, phát triển vùng nuôi tôm công nghệ cao, quản lý tàu cá… Cùng với đó, các bên đã bàn giải pháp liên kết phát triển giữa 4 tỉnh và với toàn vùng ĐBSCL.
Kinh nghiệm quý có thể áp dụng ở Bến Tre
Về nội dung liên quan chuyến công tác tại Kiên Giang, Cà Mau, Sóc Trăng, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ khẳng định các bên đã chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay, từ đó có nhiều điển hình tốt để cùng học tập rồi nhân rộng nhằm thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương. Các cuộc làm việc sẽ góp phần thúc đẩy mối liên kết giữa Bến Tre và các tỉnh phát triển tốt hơn.
Theo ông Lê Đức Thọ, có những điển hình rất hay mà Bến Tre cần nghiên cứu để vận dụng triển khai. Chẳng hạn việc xây dựng quy hoạch phát triển của tỉnh Kiên Giang một cách đồng bộ, cơ cấu kinh tế toàn diện đã tạo điều kiện để tỉnh phát triển rất tốt.
Về phát triển kinh tế biển, những dự án lấn biển, quản lý tàu cá… của Kiên Giang, Cà Mau đã cho thấy kinh nghiệm tốt trong việc khai thác phát triển kinh tế-xã hội phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và khu vực.
Ví dụ, mô hình lấn biển là một trong những mô hình cụ thể hóa trong phát triển kinh tế biển của Kiên Giang. Thành công bước đầu của mô hình này đã cho những kinh nghiệm quý để phát triển ĐBSCL nói chung, trực tiếp là cho Bến Tre, khi Bến Tre đang có chiến lược phát triển mạnh về hướng Đông nhằm mở ra không gian phát triển mới cho tỉnh và cho khu vực, khai thác tốt tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Bên cạnh đó, tỉnh Cà Mau có những kinh nghiệm tạo ra nhiều giá trị mới, tích cực. Trong đó, Bến Tre có thể nghiên cứu, học tập mô hình nuôi tôm - lúa thông qua sự liên kết như tổ hợp tác, hợp tác xã và mối liên kết giữa các nông hộ với doanh nghiệp chế biến; mở rộng thị trường xuất khẩu; kinh nghiệm trong phát triển công nghiệp chế biến nông thủy sản…
Nỗ lực tạo sự đổi mới thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Lê Đức Thọ, trong chuyến công tác này, Bến Tre và các tỉnh trong khu vực đã chia sẻ được nhiều kinh nghiệm hay, nhiều điển hình tốt để cùng học tập nhân rộng thúc đẩy sự phát triển của từng địa phương.
Trên cơ sở trao đổi, chia sẻ kinh nghiệp với các tỉnh bạn, nhất là với tỉnh Kiên Giang về phát triển khu vực kinh tế biển, kinh nghiệm triển khai thực hiện các dự án lấn biển, Bến Tre sẽ tiếp tục nghiên cứu, phối hợp với các nhà khoa học, nhà đầu tư để đảm bảo quy hoạch khả thi; nghiên cứu thủ tục pháp lý liên quan đến xây dựng các khu đô thị lấn biển, thủ tục khai thác các nguồn khoáng sản để san lấp, vấn đề nuôi trồng thủy sản ven biển…
Về nhiệm vụ trước mắt, ông Lê Đức Thọ chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương cần nỗ lực tối đa để thực hiện tốt tất cả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Tỉnh ủy đã đặt ra trong năm 2022. Trên cơ sở đó, tiếp tục thực hiện tốt những mục tiêu, nhiệm vụ cho cả nhiệm kỳ và thời gian sau này.
Cần nỗ lực hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể tỉnh Bến Tre thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với quy hoạch tổng thể của vùng ĐBSCL. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre, Quy hoạch phát triển tổng thể tỉnh Bến Tre là nguồn lực đặc biệt quan trọng để thực hiện được mục tiêu, khát vọng của tỉnh trong thời gian tới. Việc thực hiện quy hoạch phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch tổng thể khu vực ĐBSCL và cần được thực hiện nghiêm túc, hiệu quả.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh nhằm thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước. Cán bộ, công chức, viên chức, người lao động… cần đổi mới tác phong, lề lối làm việc nhằm tạo ra động lực mới.
Tiếp tục nghiên cứu, tổng kết về thực tiễn đối với các cơ chế, chính sách của tỉnh; chủ động tạo ra sự đổi mới thúc đẩy phát triển.
Đối với các cơ chế chính sách thuộc thẩm quyền của Trung ương, tỉnh sẽ chủ động cùng với các tỉnh, thành phố trong khu vực đề xuất Trung ương tiếp tục có những đổi mới, hoàn thiện hơn để tạo nguồn lực thúc đẩy phát triển cả vùng ĐBSCL.
Nguyễn Phương