Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Lãnh đạo bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức chúc mừng bệnh nhân ra viện. Ảnh; VGP/Thúy Hà |
Trước đó, ngày 12/8, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức công bố đã thực hiện 15 ca ghép tạng trong 6 ngày, trong đó có ca ghép phổi thứ hai tại bệnh viện. Ca ghép này hoàn toàn do các thầy thuốc của bệnh viện thực hiện.
Bệnh nhân nhận phổi là anh Nguyễn Văn Khương, 38 tuổi, mắc bệnh giãn toàn bộ phế quản giai đoạn cuối. Nếu không được ghép phổi, bệnh nhân sẽ phải thường xuyên dùng máy thở hỗ trợ và có tiên lượng rất xấu.
“Gia đình đã rơi vào tuyệt vọng khi bác sĩ nói chỉ còn cách ghép phổi cho anh Khương. Tuy nhiên, khi có thông tin có người chết não hiến phổi, cả gia đình cảm nhận như được đón người thoát khỏi "cõi chết" trở về”. Gia đình ngay lập tức đã huy động sự hỗ trợ của nhiều người thân khoảng 1,5 tỷ đồng để thực hiện ghép phổi cho anh Khương. Sau 3 tuần được ghép phổi, gia đình mới được gặp anh. Gặp lại gia đình sau khi được tái sinh, anh Khương xúc động vô cùng, chỉ biết nói “mừng quá”, chị Nguyễn Thị Hạnh, vợ anh Khương chia sẻ.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước, Giám đốc Trung tâm Tim mạch lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, diễn biến sau mổ của các bệnh nhân ghép tạng, tuy rất phức tạp, song khá thuận lợi.
Đặc biệt là ghép phổi chăm sóc khó khăn nhất vì có rất nhiều vấn đề cần quan tâm như kiểm soát nhiễm trùng phổi, chăm sóc đường hô hấp, thuốc chống thải ghép, vật lý trị liệu và nâng cao thể trạng. Sau hơn 1,5 tháng được chăm sóc tích cực, bệnh nhân ghép phổi đã hoàn toàn ổn định và có thể xuất viện.
Đến nay, sau 7 tuần điều trị tích cực, hai lá phổi đã thích nghi trong cơ thể bệnh nhân Khương, giúp anh trở lại cuộc sống bình thường như ăn uống, sinh hoạt và hơi thở không còn khó khăn như trước.
“Nếu không có người hiến tặng và không có các bác sĩ tận tâm, có lẽ chồng tôi không thở quá được mấy ngày. Gia đình tôi thật sự chia buồn với gia đình người đã hiến tạng và cảm ơn gia đình đã có nghĩa cử cao đẹp giúp chồng tôi được hồi sinh”, chị Hạnh chia sẻ.
Trước đó, ca ghép hai phổi từ người cho chết não đầu tiên - do các bác sĩ của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thực hiện vào ngày 12/12/2018, cho một bệnh nhân 17 tuổi, mắc bệnh mô bào phổi (thể đặc biệt của ung thư) giai đoạn cuối và suy đa tạng rất nặng. Hiện bệnh nhân vẫn còn sống sau mổ gần 10 tháng và vẫn đang được chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện.
Cùng ngày 4/10/2019, GS.TS Trần Bình Giang, Giám đốc bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã trao quyết định thành lập Trung tâm Tim mạch lồng ngực, từ Khoa phẫu thuật tim mạch và lồng ngực. Trong 60 năm qua, hàng nghìn ca mổ tim phức tạp, đặc biệt 26 ca ghép tim và 2 ca ghép phổi đã được thực hiện thành công tại đây.