Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo báo cáo của Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định, từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng đã xử phạt vi phạm hành chính trên lĩnh vực thủy sản đối với 46 trường hợp, tổng số tiền phạt hơn 709 triệu đồng. Trong đó, xử phạt đối với hành vi mất kết nối thiết bị giám sát hành trình trong quá trình hoạt động trên biển là 19 trường hợp với số tiền 470 triệu đồng.
Toàn tỉnh hiện có 5.952 tàu cá được đăng ký, trong đó có 3.736/4.082 tàu cá còn hạn đăng kiểm (92%) được cập nhật trên hệ thống Vnfishbase; 5.183/5.952 tàu có giấy phép khai thác thủy sản (87%). Số tàu cá có chiều dài từ 15 m trở lên đang hoạt động lắp đặt thiết bị giám sát hành trình đạt 100%.
Việc triển khai Nghị quyết số 04/2024/NQ-HĐTP ngày 12/6/2024 của Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao về Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản đang được tập trung thực hiện tại tỉnh.
Sở Tư pháp phối hợp với Sở NN&PTNT đã biên soạn Sổ tay pháp luật về xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản; in 6.100 cuốn, cấp phát cho Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh 4.600 cuốn và Chi cục thủy sản 1.500 cuốn để phát trực tiếp cho chủ tàu, thuyền trưởng tại các cảng cá và trạm kiểm soát biên phòng.
Cùng với đó, Chi cục Thủy sản đã biên soạn và đang in 5.000 tờ rơi về xử lý đối với hành vi vi phạm liên quan đến khai thác, mua bán, vận chuyển trái phép thủy sản, giao cho UBND các xã, phường, thị trấn ven biển và các tổ chống khai thác IUU tại các cảng cá Quy Nhơn, Tam Quan và Đề Gi để phát cho ngư dân.
Giám sát chặt chẽ nhóm tàu cá "3 không"
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định Nguyễn Tuấn Thanh đã yêu cầu Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Thủy sản tiếp tục rà soát chặt chẽ nhóm tàu cá "3 không" (không đăng ký, đăng kiểm, không có giấy phép khai thác thủy sản), kiểm tra và hướng dẫn thực hiện đăng ký theo quy định.
Trường hợp chủ tàu không thực hiện đăng ký, chính quyền các cấp lập danh sách các chủ tàu, đưa tàu cá này vào danh sách tàu xả bản (tức là phá tàu lấy phế liệu) đối với chủ tàu không thực hiện đăng ký.
Đồng thời, chỉ đạo đối với nhóm tàu cá có nguy cơ cao vi phạm vùng biển nước ngoài (khoảng 215 tàu cá có chiều dài từ 12 đến dưới 15 m) làm nghề câu mực, thường xuyên hoạt động ở phía nam, hàng năm không về địa phương, Chi cục Thủy sản phải làm việc với các chủ tàu cá để yêu cầu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Trường hợp chủ tàu không đồng ý thì tạm thời thu hồi giấy phép khai thác thủy sản nhằm ngăn chặn khai thác IUU; đồng thời tạm dừng việc cấp giấy phép khai thác thủy sản đối với nhóm tàu cá này, chỉ thực hiện cấp và cấp lại giấy phép khai thác thủy sản khi chủ tàu thực việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình.
Cùng với đó, chính quyền các cấp liên quan yêu cầu chủ tàu cá cam kết đảm bảo thiết bị giám sát hành trình tàu cá hoạt động 24/24 giờ từ khi tàu rời cảng đến khi cập cảng để lực lượng chức năng theo dõi và quản lý.
Đồng thời, Bình Định có văn bản đề các cơ quan, đơn vị sở tại các tỉnh phía nam phối hợp kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ nhóm tàu cá này, không làm thủ tục xuất bến do giấy phép khai thác thủy sản đã bị thu hồi.
Minh Trang