Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Quách Đình Toản (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương), ông Toản là chủ dãy trọ 15 phòng với 25 người thuê.
Từ đầu mùa dịch đến nay, tỉnh Bình Dương có những gói hỗ trợ ban đầu cho người dân là 300.000 đồng và 500.000 đồng theo Công văn 4685/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 6/8/2021 và Công văn 4736/SLĐTBXH-CSLĐ ngày 14/8/2021; gói hỗ trợ 50.000 đồng/người/ngày và 500.000 đồng trong 10 ngày, tổng tiền hỗ trợ thực phẩm là 1.250.000 đồng tiền, hỗ trợ người lao động ở trọ công nhân là 800.000 đồng, nhưng đến nay khu trọ của ông Toản chưa ai được nhận một khoản hỗ trợ nào, mặc dù ông đã 6 lần nộp danh sách.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương công bố đã giải ngân xong các gói hỗ trợ
mà phường của ông gần 3 tháng nay vẫn chưa giải quyết xong.
Về lương thực, thực phẩm trong mùa dịch, cả dãy trọ của ông với 25 người nhưng chỉ được nhận 27kg gạo và một ít rau, thịt. Ngoài ra, được hỗ trợ mì tôm, dầu ăn, nước mắm, thịt hộp, đường, muối... thay cho gói hỗ trợ 500.000 đồng/người...
Ông Toản hỏi, tại sao địa phương không phát tiền mặt cho người dân mà quy đổi thành lương thực, thực phẩm?
Về vấn đề này, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Dương trả lời như sau:
Theo kết quả xác minh của Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội TP Thuận An, hiện tại UBND phường An Phú đã lập danh sách bổ sung đối với các trường hợp đúng đối tượng mà chưa được hỗ trợ theo Nghị quyết số 04/2021/NQ-HĐND và Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND, trong đó có ông Quách Đình Toản. Danh sách đã được UBND TP Thuận An phê duyệt và sẽ chi hỗ trợ cho người dân.
Về hỗ trợ trong thời gian “khóa chặt, đông cứng”: Do thời gian này người dân không thể ra ngoài mua lương thực, thực phẩm nên UBND TP Thuận An thống nhất phương án hỗ trợ bằng lương thực, thực phẩm cho người dân (không hỗ trợ tiền mặt) và chia làm nhiều đợt hỗ trợ, do nhiều nhà cung cấp theo các gói hàng hóa thiết yếu.
Việc cung ứng lương thực, thực phẩm cho người dân trên địa bàn với số lượng lớn, phải đảm bảo tính kịp thời trong thời gian ngắn nên có lúc địa phương bị động về nhân sự và phương tiện vận chuyển. Bên cạnh đó, để đảm bảo cung ứng hàng hóa nên bắt buộc phải ký kết hợp đồng với nhiều nhà cung cấp hàng hóa khác nhau, mỗi nhà cung cấp lại có thế mạnh riêng nên các gói hàng hóa đa dạng, mỗi gói tuy không đồng nhất nhưng về giá trị quy ra tiền mặt là như nhau.
Chinhphu.vn