Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Khôi, biển hạn chế tốc độ trước trạm thu phí hướng về Hà Nội chỉ bố trí một biển bên phải tuyến, kích thước nhỏ rất khó quan sát (đường kính 70cm trong khi quy định trên cao tốc biển phải có đường kính 1,8m). Với đường 2 làn trở lên phải được đặt trên giá long môn hoặc bổ sung cả bên dải phân cách nữa cho rõ ràng. Ông Khôi cho rằng, cần có biển giảm dần tốc độ vì các phương tiện không thể đang chạy tốc độ 90km/h về kịp tốc độ 60km/h.
Bên cạnh đó, điểm lún đầu cống cách cầu vượt Đình Trám 100m hướng về Bắc Giang nhiều năm nay chưa được khắc phục, tốc độ khai thác 100km/h khiến các phương tiện không quen đường rất dễ gặp nguy hiểm, nguy cơ mất lái rất cao. Ngoài ra lún võng mặt đường trước cầu Xương Giang 500m hướng về Bắc Giang (hai điểm lún rất sâu) cũng nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông.
Km136-Km137 tại nút giao hướng đi Phả Lại, bên dải phân cách làn tốc độ cao, công ty quản lý BOT chưa quan tâm đến các cửa thu nước mặt đường nên khi trời mưa, nước đọng ở làn tốc độ cao rất nguy hiểm.
Ngoài ra, hoạt động vận tải trên tuyến, nhất là các gầm cầu vượt, các nút giao phía Bắc Ninh, các phương tiện xe chở khách dừng đỗ trả khách đột ngột, rất lộn xộn, nguy cơ tai nạn cao.
Ông Khôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét và sớm có chỉ đạo để khắc phục các điểm bất cập, hư hỏng trên tuyến để các phương tiện đi lại được an toàn.
Về vấn đề này, Cục Đường bộ Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Dự án đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 1 đoạn Hà Nội – Bắc Giang theo hình thức hợp đồng BOT hoàn thành đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác sử dụng từ năm 2016 (văn bản thông báo kết quả nghiệm thu số 4312/BGTVT-CQLXD ngày 20/4/2016 của Bộ Giao thông vận tải). Từ khi đưa dự án vào khai thác, Bộ Giao thông vận tải, Cục Đường bộ Việt Nam đã thường xuyên chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT tổ chức thực hiện công tác quản lý, bảo trì công trình dự án nên tuyến đường được khai thác cơ bản ổn định.
Theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công thì các tài sản của công trình dự án do Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT trực tiếp quản lý. Do đó, ngay sau khi nhận được kiến nghị, Cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản gửi Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT để rà soát và báo cáo cụ thể các nội dung kiến nghị. Sau khi Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT có báo cáo chi tiết, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ cung cấp thông tin trả lời đầy đủ.
Tuy nhiên phương hướng xử lý đối với các ý kiến phản ánh dự kiến như sau:
(1) Đối với nội dung biển hạn chế tốc độ cắm trước trạm thu phí: Trường hợp biển báo hạn chế tốc độ trước trạm thu phí bố trí chưa đúng với quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ QCVN 41:2019/BGTVT, hoặc đã đúng Quy chuẩn nhưng còn nhỏ, người tham gia giao thông khó nhận biết, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ có ý kiến đề nghị Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT điều chỉnh cho phù hợp.
(2) Đối với nội dung một số vị trí đường đầu cầu, đầu cống bị lún; mặt đường bị đọng nước tại Km136 – Km137: Các nội dung bất cập này đã được Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT đưa vào kế hoạch sửa chữa định kỳ công trình dự án, dự kiến triển khai vào đầu năm 2024. Mặt khác Cục Đường bộ Việt Nam sẽ đề nghị Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT rà soát, trường hợp có thể khắc phục được với kinh phí nhỏ trong hoạt động duy tu, bảo dưỡng thì Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT sẽ tổ chức khắc phục ngay để đảm bảo an toàn giao thông.
(3) Đối với nội dung "các phương tiện dừng đón trả khách đột ngột, lộn xộn khu vực gầm cầu vượt các nút giao trên tuyến": Nội dung này Cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp Nhà đầu tư/Doanh nghiệp dự án BOT và cơ quan công an, chính quyền địa phương tổ chức rà soát và nghiên cứu phương án khắc phục. Tuy nhiên thẩm quyền xử lý vi phạm dừng, đón trả khách cũng như công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên tuyến còn do lực lượng chức năng của địa phương và ngành Công an thực hiện.
Chinhphu.vn