Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bản đồ hướng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án
Tại phiên họp Quốc hội ngày 15/2, Bộ GTVT thay mặt Chính phủ tiếp thu ý kiến đại biểu, bỏ chính sách 19 về miễn trừ trách nhiệm ra khỏi các chính sách đặc thù, đặc biệt thực hiện Dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng. Lý giải về việc Bộ GTVT bỏ chính sách này, ông Nguyễn Danh Huy, Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết:
Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng có quy mô lớn, công nghệ kỹ thuật mới, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam, nếu thực hiện theo điều kiện hiện hành sẽ không đáp ứng được tiến độ yêu cầu. Để đáp ứng tiến độ khởi công dự án vào cuối năm 2025 như chỉ đạo của Chính phủ, Bộ GTVT xác định đây là nhiệm vụ nhiều thách thức, áp lực.
Vì vậy, Bộ GTVT đã tham mưu các chính sách đặc thù, đặc biệt, bảo đảm khả thi và đẩy nhanh tiến độ thực hiện; huy động nguồn lực đầu tư; phân cấp, phân quyền đầu tư; phát triển công nghiệp và đào tạo nguồn nhân lực.
Thời gian chuẩn bị đầu tư dự án rất ngắn, trong khi thực hiện thủ tục để ban hành được các chính sách theo đúng trình tự quy định của pháp luật cần tối thiểu từ 12-18 tháng, nên việc đề xuất, xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách cho dự án rất cần sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Tuy nhiên, việc triển khai các chính sách mới cũng đi đôi với những nguy cơ không đạt được mục tiêu đề ra.
Vì vậy, Bộ GTVT đề xuất chính sách cho phép người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện Dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí. "Đây là việc thể chế hoá Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung", ông Huy cho biết.
Đối với ý kiến cho rằng "Bộ GTVT né tránh trách nhiệm", Thứ trưởng Bộ GTVT khẳng định: "Khi trình chính sách này, ban soạn thảo hướng tới đối tượng xây dựng ban hành chính sách, không áp dụng với những người tổ chức thực hiện dự án. Khi triển khai, nếu sai phạm, lợi dụng chính sách, trục lợi chính sách, thì phải xử lý nghiêm theo quy định pháp luật".
Tuy nhiên, khi trình ra Quốc hội, qua tham vấn, trao đổi với các chuyên gia, qua tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ GTVT nhận thấy có nhiều dự án cũng cần ban hành cơ chế, chính sách mới, nếu chỉ đưa vào 1 dự án thì không phù hợp. Cùng đó, Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật đang lấy ý kiến rộng rãi, cũng đã có đề xuất cơ chế bảo vệ những người ban hành chính sách, những người dám nghĩ, dám làm.
Hơn nữa, Kết luận 14-KL/TW ngày 22/9/2021 của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã nêu: "Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung".
"Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm".
Do vậy, Bộ GTVT đã tiếp thu, báo cáo Chính phủ, không đưa chính sách này vào cơ chế, chính sách thực hiện cho 1 dự án cụ thể, mà sẽ tiếp tục nghiên cứu để đề xuất chung cho các dự án quan trọng quốc gia có đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù đặc biệt thực hiện dự án.
Riêng đối với Dự án đường sắt Hà Nội - Lào Cai - Hải Phòng, Thứ trưởng Nguyễn Danh Huy khẳng định: Về phía Bộ GTVT, với tinh thần quyết tâm, "chỉ bàn làm, không bàn lùi", Bộ GTVT sẽ nỗ lực thực hiện các giải pháp để đẩy nhanh trình tự, thủ tục dự án; cùng đó chuẩn bị về tổ chức bộ máy quản lý, nhân lực. Phân công nhiệm vụ rõ việc, rõ trách nhiệm và rõ thời gian thực hiện.
Tuy nhiên, tiến độ dự án còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như: Thời gian đàm phán hiệp định vay vốn; tiến độ giải phóng mặt bằng; các điều kiện địa chất, thời tiết…Vì vậy, cần sự vào cuộc quyết liệt của các Bộ, ngành, địa phương để triển khai dự án đảm bảo tiến độ, hiệu quả.
Ngày 15/2, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng.Tại tờ trình nội dung này, Chính phủ đề xuất 19 cơ chế đặc thù, đặc biệt để thực hiện thành công và sớm hoàn thành dự án theo tiến độ yêu cầu (lập báo cáo nghiên cứu khả thi từ năm 2025, phấn đấu cơ bản hoàn thành Dự án năm 2030).
Trong đó, chính sách thứ 19, theo Ủy ban Kinh tế (cơ quan thẩm tra) là chưa có tiền lệ. Chính sách này quy định người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy tiến độ thực hiện dự án được xem xét loại trừ, miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm, nếu trong quá trình thực hiện dự án xảy ra các hành vi, tác động tiêu cực, lợi ích nhóm, lãng phí.
Ủy ban Kinh tế cho rằng, đây là chính sách chưa có tiền lệ, do vậy, trường hợp cần thiết, Chính phủ cần báo cáo xin ý kiến cấp có thẩm quyền trước khi trình Quốc hội xem xét, quyết định.
Thảo luận tại hội trường, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhận xét, chính sách thứ 19 rất dễ gây hiểu nhầm là khi những người đứng đầu cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức tham gia xây dựng, ban hành các cơ chế, chính sách để thúc đẩy nhanh dự án này mà sau này xảy ra những chuyện như tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm thì sẽ được miễn trừ trách nhiệm.
"Chỗ này, nếu không cẩn thận thì người ta lại nghĩ mình ra nghị quyết miễn trừ trách nhiệm cho tiêu cực và tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình triển khai dự án này. Do vậy, nên cân nhắc sửa lại để làm sao thấy rõ trách nhiệm của khâu tiêu cực xảy ra trong quá trình thực hiện thì khâu thực hiện phải chịu trách nhiệm, chứ không phải khâu ban hành chính sách", ông Cường góp ý.
Phan Trang