Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Khôi đề nghị cơ quan chức năng xem xét để thống nhất về vấn đề này.
Vấn đề ông Khôi phản ánh, Bộ Giao thông vận tải có ý kiến như sau:
Trên cơ sở các biển báo quy định trong tiêu chuẩn 22 TCN 237-01, Ban soạn thảo QCVN 41:2012/BGTVT đã đối chiếu với biển báo quy định trong Công ước quốc tế 1968 về biển báo - tín hiệu đường bộ. Những biển báo Công ước có quy định thì chỉnh sửa theo đúng quy định của Công ước. Những biển báo Công ước không quy định thì giữ nguyên như trong 22 TCN 237-01 nếu không có bất cập.
Ngoài ra, trong QCVN 41:2012/BGTVT có bổ sung một số biển báo được quy định lần đầu tiên tại Việt Nam, xuất phát từ yêu cầu cung cấp thông tin trên đường (biển 431 - Trạm dừng nghỉ, biển 434b - Bến xe tải...).
Theo Công ước quốc tế 1968 về biển báo - tín hiệu đường bộ, ký hiệu đơn vị đo ki lô mét sử dụng đồng thời cả ký hiệu Km và km; đơn vị đo mét sử dụng ký hiệu m; đơn vị đo tấn sử dụng ký hiệu T. Dấu thập phân là dấu chấm. Giữa trị số và ký hiệu đơn vị đo có khoảng cách, viết liền nhau.
Theo QCVN 41:2012/BGTVT, ký hiệu đơn vị đo ki lô mét sử dụng đồng thời cả ký hiệu Km và ký hiệu KM; đơn vị đo mét sử dụng đồng thời ký hiệu m và M. Đơn vị đo tấn sử dụng ký hiệu T. Dấu thập phân là dấu phẩy. Giữa trị số và ký hiệu đơn vị đo có khoảng cách, viết liền nhau.
Theo Luật Đo lường có hiệu lực từ tháng 7/2012 và Nghị định số 86/2012/NĐ-CP ngày 19/10/2012 của Chính phủ hướng dẫn thực hiện Luật Đo lường (2 văn bản này ban hành sau QCVN 41:2012/BGTVT), đơn vị đo độ dài là mét, ký hiệu là m; ki lô mét ký hiệu là km. Đơn vị đo khối lượng là ki lô gam, ký hiệu kg; hoặc tấn, ký hiệu là t. Giữa trị số và ký hiệu đơn vị đo phải có khoảng cách.
Như vậy, ký hiệu, cách viết đơn vị đo trên biển báo quy định trong Công ước quốc tế cũng không thống nhất và không giống với Hệ đơn vị đo quốc tế (SI). Ký hiệu, cách viết đơn vị đo trên biển báo theo QCVN 41:2012/BGTVT cũng chưa thống nhất và chưa hoàn toàn thống nhất với Luật Đo lường. Tuy nhiên, hình vẽ, chữ, số trên biển báo và hệ thống báo hiệu đường bộ phải giúp lái xe dễ đọc, dễ nhận biết thông tin từ xa. Việc ghi đơn vị đo lường trên biển báo theo đúng quy định của Luật Đo lường có bảo đảm người lái xe dễ đọc, dễ nhận biết hay không nên được làm rõ thêm về mặt khoa học.
Đồng thời, sự không thống nhất trong cách ghi đơn vị đo lường tại Quy chuẩn này có nguyên nhân từ sự khác biệt giữa các quy định hiện hành chứ không phải sự tùy tiện như ông Khôi phản ánh.
Theo Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, "Quy chuẩn kỹ thuật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ban hành dưới dạng văn bản để bắt buộc áp dụng", còn tiêu chuẩn (TCVN, TCCS, tiêu chuẩn quốc tế...) là dạng văn bản để tự nguyện áp dụng. Về mặt pháp lý, hiệu lực của quy chuẩn cao hơn tiêu chuẩn. Biển báo hiệu đường bộ bắt buộc phải tuân thủ Quy chuẩn QCVN 41:2012/BGTVT, không nhất thiết phải phù hợp với tiêu chuẩn quốc gia hay tiêu chuẩn quốc tế.
Sẽ thay thế dần biển báo không phù hợp
Hệ thống biển báo đường bộ của nước ta được hình thành qua nhiều thời kỳ với các quy định khác nhau. Do vậy, có rất nhiều biển báo trên đường hiện chưa phù hợp với QCVN 41:2012/BGTVT, chưa phù hợp với Luật Đo lường đúng như phản ánh của ông Phan Văn Khôi.
Trong quá trình xây dựng và ban hành QCVN 41:2012/BGTVT, Bộ Giao thông vận tải đã xây dựng lộ trình điều chỉnh, thay thế dần những biển không phù hợp trong vòng 5 năm kể từ ngày 1/1/2013 để tránh lãng phí. Hiện tại, Tổng cục Đường bộ Việt Nam vẫn đang tiếp tục rà soát, điều chỉnh, thay thế dần những biển báo hiệu đường bộ không phù hợp theo đúng lộ trình.
Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản số 13312/BGTVT-KHCN ngày 21/10/2014 giao Tổng cục Đường bộ Việt Nam rà soát, điều chỉnh bổ sung QCVN 41:2012/BGTVT.
Trong quá trình sửa đổi, bổ sung, Bộ Giao thông vận tải xin tiếp thu các ý kiến góp ý của ông Khôi để hoàn thiện nội dung Quy chuẩn nhằm bảo đảm phù hợp với các quy định tại các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành đồng thời cũng bảo đảm phù hợp hơn với các địa phương trên cả nước khi triển khai. Thuận tiện cho người tham giao giao thông khi nhận biết từ xa nhằm tạo thuận lợi cho người tham gia giao thông và góp phần tăng cường công tác bảo đảm an toàn giao thông đường bộ.
Chinhphu.vn