Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Cổng TTĐT Chính phủ, ông Hiếu đề nghị Bộ Giao thông vận tải có chỉ đạo để đẩy nhanh tiến độ thi công đoạn đường, tạo thuận lợi cho người dân cũng như giảm bớt tai nạn giao thông.
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Đoạn đường Hồ Chí Minh đi qua tỉnh Gia Lai và tỉnh Đắk Lắk, đang được Bộ Giao thông vận tải triển khai thực hiện đầu tư xây dựng với 3 dự án thành phần thuộc Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên, bao gồm: 1 dự án đoạn Km1667 570-Km1738 148 đầu tư bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ; 2 dự án đoạn Pleiku-Cầu 110 (Km1610-Km1667 570) và đoạn Km1738 148 - Km1763 610 đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng của khu vực Tây Nguyên, Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo tiến độ các dự án phải cơ bản hoàn thành vào tháng 6/2015, vượt tiến độ so với yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ khoảng 18 tháng.
Trong quá trình thực hiện, Bộ Giao thông vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án theo dõi, kiểm soát chặt chẽ về tiến độ, chất lượng thi công của các dự án; thường xuyên kiểm tra để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh xử lý đối với các nhà thầu chậm trễ; đồng thời giám sát quá trình thực hiện trong một, hai tháng tiếp theo nếu không có tiến triển sẽ cắt chuyển khối lượng hoặc thay thế nhà thầu. Để đảm bảo tiến độ dự án, trong thời gian qua, Bộ Giao thông vận tải đã kiên quyết xử lý đối với những nhà thầu thi công không đủ năng lực.
Từ khi khởi công (tháng 9/2013 đến tháng 4/2014), các dự án cơ bản đã thi công xong phần nền đường, các công trình thoát nước, tại một số đoạn đã thi công xong móng đường và triển khai thảm bê tông nhựa lớp 1. Để đảm bảo chất lượng công trình, các hạng mục thi công nền mặt đường không được triển khai trong các tháng mùa mưa năm 2014, do đó các nhà thầu tập trung cho công tác tập kết vật liệu, thi công cấu kiện bê tông đúc sẵn, cầu, cống thoát nước và đảm bảo giao thông.
Từ cuối tháng 10/2014, sau khi mùa mưa kết thúc, các nhà thầu đã đồng loạt triển khai thi công móng, mặt đường trên toàn tuyến; tiến độ thi công đáp ứng so với yêu cầu theo kế hoạch. Hiện nay, dự án đã thi công được hơn 80% khối lượng thảm bê tông nhựa lớp 1 và hơn 30% khối lượng thảm bê tông nhựa lớp 2; phấn đấu cơ bản hoàn thành dự án trước ngày 30/6/2015.
Dự án xây dựng đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên là công trình nâng cấp cải tạo, vừa khai thác vừa thi công nên công tác đảm bảo giao thông gặp nhiều khó khăn. Để khắc phục khó khăn này, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để đảm bảo an toàn giao thông trong quá trình thi công với sự tham gia của nhiều lực lượng như: Trung ương Đoàn, các cơ quan báo chí, truyền thông, Thanh tra giao thông, lực lượng Cảnh sát giao thông và các cấp chính quyền cơ sở; đơn vị quản lý đường bộ kịp thời sửa chữa các hư hỏng mặt đường; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát của Chủ đầu tư, Ban Quản lý dự án, tư vấn giám sát đối với việc tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông của Nhà thầu thi công; đồng thời tuyên truyền, vận động người dân vùng dự án đi qua hiểu đúng pháp luật, đồng tình ủng hộ và cùng tham gia công tác đảm bảo an toàn giao thông. Do vậy, hầu như không có tình trạng ách tắc giao thông kéo dài, không xảy ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng do ảnh hưởng của việc thi công dự án.
Bộ Giao thông vận tải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các Chủ đầu tư, Ban Quản lý Dự án chỉ đạo tư vấn giám sát, nhà thầu nghiêm túc thực hiện công tác đảm bảo vệ sinh môi trường (thường xuyên có xe tưới nước, thu dọn vật liệu rơi vãi, ...) trong quá trình thi công, đặc biệt đối với các đoạn tuyến đông dân cư.
Tiếp thu ý kiến của phản ánh của ông Lê Công Hiếu, Bộ Giao thông vận tải chân thành cảm ơn và sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
Chinhphu.vn