Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Cử tri đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bộ ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi các quy định về thủ tục, hồ sơ công nhận người có công với cách mạng không còn hồ sơ gốc theo Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng; xem xét bỏ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 và Điểm a, Khoản 2, Điều 7; đồng thời, nghiên cứu ban hành thông tư hướng dẫn giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không còn lưu giữ được giấy tờ gốc, nhân chứng không còn.
Các Bộ, ngành cần có giải pháp giải quyết đối với những người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày, không còn giấy tờ gốc, chỉ có giấy xác nhận của thủ trưởng và đồng đội cùng đơn vị công tác trong thời gian kháng chiến, nhất là những trường hợp bị bắt bị giam ở Phú Quốc. Đồng thời, cần giảm bớt thủ tục khi làm hồ sơ cho người có công với cách mạng.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời cử tri như sau:
Đối với kiến nghị sửa đổi Thông tư 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, trên cơ sở kết quả tổng rà soát, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Văn bản số 5046/LĐTBXH-NCC ngày 9/12/2015 đề nghị Bộ Quốc phòng phối hợp sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP, các nội dung kiến nghị cụ thể sẽ được 2 Bộ trao đổi, thống nhất trong quá trình xây dựng Thông tư.
Về đề nghị Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Bộ Quốc phòng bỏ quy định tại Điểm a, Khoản 2, Điều 4 và Điểm a, Khoản 2, Điều 7 vì đại diện Hội cựu Chiến binh và Hội Người cao tuổi là thành viên của Hội đồng xác nhận người có công cấp xã nên không cần thiết phải có xác nhận bằng văn bản của 2 tổ chức này khi làm thủ tục xác nhận đối với người hy sinh thuộc lực lượng quân đội, công an, người bị thương thuộc lực lượng quân đội đã phục viên, xuất ngũ, chính sách ưu đãi người có công với cách mạng hiện hành được xây dựng theo nguyên tắc cải cách thủ tục hành chính nhưng cũng không thể thiếu cơ sở pháp lý, tránh việc lợi dụng chính sách để khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh.
Về kiến nghị ban hành Thông tư hướng dẫn giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh cho các đối tượng tham gia kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ không còn lưu giữ được giấy tờ gốc, nhân chứng không còn. Quá trình triển khai thực hiện việc giải quyết chế độ ưu đãi đối với các trường hợp không còn giấy tờ gốc đã được thực hiện từ nhiều năm qua. Vì vậy, về cơ bản, những người có công với cách mạng nói chung đã được hưởng chế độ.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện cho thấy, số hồ sơ khai man để hưởng chế độ là rất lớn, khiến những người thực sự có công và dư luận nhân dân bất bình (rất nhiều cử tri, đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp đã phản ánh, chất vấn ngành Lao động – Thương binh và Xã hội về vấn đề này). Kèm theo đó là số đơn, thư kiến nghị, tố cáo ngày càng tăng, làm mất nhiều thời gian, công sức của các cơ quan chức năng để kiểm tra, giải quyết và xử lý, kể cả xử lý về hình sự.
Vì vậy, sau khi Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng được ban hành, việc xác lập hồ sơ cần có đủ căn cứ pháp lý, đủ độ tin cậy.
Theo quy định hiện hành, hồ sơ người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc có một trong những giấy tờ chứng minh đã được khen tặng Huân chương Kháng chiến hoặc Huân chương Chiến thắng, Huy chương Kháng chiến hoặc Huy chương Chiến thắng. Những trường hợp bị thất lạc giấy tờ thì chưa đủ căn cứ để xem xét, xác lập hồ sơ.
Việc xác nhận người hoạt động kháng chiến bị tù, đày không còn giấy tờ gốc
Về kiến nghị đối với người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày hồ sơ không còn giấy tờ gốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 hướng dẫn một số nội dung về xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo đó, ngoài quy định tại Khoản 2, Điều 33 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013, thì tại Khoản 1, Điều 9 đã quy định bổ sung một trong những giấy tờ xác định nơi bị tù, thời gian tù:
- Bản sao một trong các giấy tờ: Lý lịch quân nhân, Lý lịch công an nhân dân (lập từ ngày 1/1/1995 trở về trước); hồ sơ khen thưởng tổng kết thành tích tham gia kháng chiến; hồ sơ hưởng chế độ BHXH;
- Bản sao giấy tờ, tài liệu khác có giá trị pháp lý lập từ ngày 1/1/1995 trở về trước;
- Xác nhận của cơ quan chức năng thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an về thời gian tù và nơi bị tù.
Như vậy, người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến nếu có các giấy tờ khác chứng minh thời gian tù, địa điểm tù vẫn được xem xét xác nhận và giải quyết chế độ theo quy định.
Trường hợp không còn một giấy tờ gốc nào (thất lạc toàn bộ hồ sơ) chứng minh đã từng tham gia hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày thì chưa đủ cơ sở pháp lý để xem xét giải quyết chế độ ưu đãi.
Hiện nay, việc xác nhận đối tượng người có công không có quy định căn cứ vào người làm chứng để bảo đảm sự chặt chẽ, khách quan khi xác lập hồ sơ xác nhận và giải quyết chính sách.
Đối với những trường hợp bị bắt, bị giam ở Phú Quốc, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin tiếp thu ý kiến của cử tri. Việc công nhận các địa danh được coi là nhà tù qua các giai đoạn cách mạng thuộc thẩm quyền của Ban Tuyên giáo tỉnh, thành phố.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội tổng hợp danh mục nhà tù để hướng dẫn xác định nơi bị tù làm căn cứ xác nhận người hoạt động cách mạng hoặc hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày.
Hiện nay, để đảm bảo quyền lợi của người có công, trong khi chờ sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã hướng dẫn vận dụng xem xét xác nhận và giải quyết chế độ đối với diện đối tượng này.
Đơn giản hóa thủ tục vẫn phải dựa trên cơ sở pháp lý
Về kiến nghị giảm bớt thủ tục khi làm hồ sơ cho người có công, triển khai Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH hướng dẫn về thủ tục lập hồ sơ, quản lý hồ sơ, thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng và thân nhân và Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH hướng dẫn một số nội dung xác nhận và thực hiện chế độ ưu đãi người có công với cách mạng.
Theo quy định, đối tượng chỉ làm thủ tục kê khai gửi UBND cấp xã, hoặc cơ quan có thẩm quyền.
Quy trình tiếp nhận và xử lý, xét duyệt hồ sơ của từng cơ quan đã được quy định cụ thể trong Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH.
Hiện nay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang tích cực rà soát, đơn giản hóa thủ tục hành chính nhằm giải quyết kịp thời các chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Tuy nhiên, quá trình xác lập hồ sơ cũng không thể quá giản đơn, dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý, yêu cầu bảo đảm chặt chẽ, ngăn ngừa tình trạng khai man hồ sơ, xác nhận sai sự thật để hưởng chế độ trợ cấp và danh hiệu Nhà nước tôn vinh.