• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Bộ NNPTNT phản hồi kiến nghị về Nghị định đối với cá tra

(Chinhphu.vn) - Công ty TNHH Chế biến thực phẩm-Thương mại Ngọc Hà (Tiền Giang) đề nghị cơ quan chức năng xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP của Chính phủ về nuôi, chế biến và xuất khẩu sản phẩm cá tra để tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này.

09/08/2014 08:02
Ảnh minh họa

Theo phản ánh của Công ty, tất cả sản phẩm cá tra của Công ty đều xuất khẩu, nên chỉ mạ băng sản phẩm theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu. Còn, quy định về hàm lượng nước tối đa không vượt quá 83% so với khối lượng tịnh thì Công ty sẽ gặp nhiều khó khăn, bởi sản phẩm phải theo quy định của từng thị trường nhập khẩu.

Đặc biệt, về điều kiện xuất khẩu sản phẩm cá tra, Nghị định quy định tổ chức, cá nhân xuất khẩu phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu với Hiệp hội cá tra Việt Nam. Công ty không đồng tình với quy định này, bởi theo Công ty, giá cả, hợp đồng mua bán của từng nhà máy là thông tin bảo mật, không thể báo cáo cho bất kỳ cá nhân, tổ chức nào.

Đồng thời, Công ty cũng phản ánh việc giá thức ăn chăn nuôi ngày càng cao khiến chi phí nuôi cá tra tăng, làm giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế cũng như gây khó khăn cho doanh nghiệp. Công ty đề nghị cơ quan chức năng có biện pháp hỗ trợ về giá thức ăn chăn nuôi cho doanh nghiệp

Về các vấn đề Công ty phản ánh, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có ý kiến như sau:

Trước tiên, Bộ hoan nghênh Công ty trong việc có ý thức sử dụng hóa chất, thuốc thú y, chế phẩm sinh học, thức ăn đúng theo quy định; sử dụng con giống có chất lượng tốt trong nuôi cá tra thương phẩm; chấp hành tốt các quy định về bảo đảm chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản, chống gian lận thương mại, kinh tế trong xuất khẩu thủy sản. Việc làm này nếu làm tốt chính là hành động thiết thức góp phần làm lành mạnh điều kiện sản xuất và thị trường xuất khẩu sản phẩm cá tra.

Chế tài để hạn chế gian lận về chất lượng sản phẩm

Mục đích công nghệ của việc mạ băng là để bảo vệ sản phẩm nhằm giảm thiểu khả năng mất nước, cháy lạnh gây suy giảm chất lượng sản phẩm trong quá trình bảo quản đông lạnh. Tỷ lệ mạ băng thường được cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu hoặc nhà nhập khẩu yêu cầu.

Trong thực tế, đối với trường hợp nước nhập khẩu không có quy định, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã nhận được nhiều phản ánh về việc doanh nghiệp chế biến và nhà nhập khẩu có thể tự thỏa thuận, quyết định tỷ lệ mạ băng, lợi dụng mục đích công nghệ để có những gian dối về chất lượng đối với người tiêu dùng. Hậu quả của việc làm này gây khó khăn cho công tác quản lý; tạo cạnh tranh không lành mạnh giữa các doanh nghiệp làm ăn gian dối và ảnh hưởng tiêu cực đến doanh nghiệp làm ăn nghiêm túc thông qua việc hạ giá thành sản xuất, giá bán sản phẩm dẫn đến nguy cơ bị cáo buộc và áp thuế chống bán phá giá; sản phẩm thủy sản bị bôi nhọ tại các thị trường nhập khẩu (như sự việc đã từng xảy ra ở thị trường Hoa Kỳ, Ucraina, Liên bang Nga và các nước thuộc Liên minh Châu Âu: Anh, Pháp, Đức, Italia,...) gây mất uy tín chất lượng, an toàn thực phẩm thủy sản Việt Nam nói chung và sản phẩm cá tra nói riêng.

Theo quy định tại Nghị định số 36/2014/NĐ-CP, "tỷ lệ mạ băng (tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng) đối với sản phẩm cá tra xuất khẩu phải phù hợp với quy định của thị trường nhập khẩu. Các trường hợp khác, tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10%".

Quy định này là cần thiết để chấn chỉnh tình trạng mạ băng vượt quá mức cho phép thời gian qua, ảnh hưởng tới uy tín và hình ảnh sản phẩm cá tra Việt Nam tại một số thị trường nhập khẩu.

Việc Công ty chỉ mạ băng theo quy định của Việt Nam và nước nhập khẩu là đúng với quy định tại điểm b, khoản 3, Điều 6 Nghị định số 36/2014/NĐ-CP.

Đối với quy định về hàm lượng nước tối đa, Nghị định 36/2014/NĐ-CP nêu rõ "hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh (khối lượng cá tra phi lê sau khi loại bỏ lớp mạ băng) của sản phẩm".

Công ty phản ánh, nếu áp dụng quy định nêu trên, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn, song Công ty chưa nêu ra được những khó khăn cụ thể là gì. Trong khi đó, tại Nghị định 36/2014/NĐ-CP, đây là quy định được đưa ra có đủ căn cứ khoa học và cơ sở thực tiễn trong quản lý để thực hiện các biện pháp kiểm soát việc tuân thủ các quy định về chất lượng của thị trường nhập khẩu, hạn chế tình trạng gian lận về mặt chất lượng sản phẩm, bảo vệ uy tín sản phẩm cá tra Việt Nam.

Quy định này nhằm chấn chỉnh tình trạng lạm dụng quá mức hóa chất ngậm nước trong sản phẩm cá tra phi lê đông lạnh thời gian qua của một số doanh nghiệp.

Tại Hội nghị Triển khai thi hành Nghị định 36/2014/NĐ-CP tổ chức tại TP. Cần Thơ ngày 9/6/2014, cũng có ý kiến của một số doanh nghiệp băn khoăn về quy định này. Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã giao Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản tiếp thu, xem xét, tham mưu, đề xuất. Trước mắt đề nghị các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm cá tra nghiêm túc thực hiện theo đúng quy định của Nghị định.

Lo ngại lộ thông tin hợp đồng xuất khẩu là không có căn cứ

Về quy định đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra, việc Doanh nghiệp lo ngại lộ bí mật thông tin trong hợp đồng xuất khẩu khi đăng ký hợp đồng xuất khẩu sản phẩm cá tra với Hiệp hội cá tra là không có căn cứ. Nghị định chỉ quy định thủ tục đăng ký hợp đồng xuất khẩu theo thủ tục, trình tự như nêu tại Điều 8. Theo đó, thương nhân không phải xuất trình hợp đồng xuất khẩu do đó không thể lộ bí mật về giá xuất khẩu.

Hiệp hội cá tra Việt Nam là tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao kiểm soát giá mua nguyên liệu xem có phù hợp với quy định về giá sàn nguyên liệu cá tra hay không.

Những tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ, cũng như thương nhân trong kinh doanh, có trách nhiệm và nghĩa vụ tuân thủ các quy định của pháp luật, bất cứ ai vi phạm cũng sẽ chịu xử lý theo quy định.

Sẽ sửa đổi quy định về quản lý thức ăn chăn nuôi

Đối với phản ánh về giá thức ăn chăn nuôi, việc giá thức ăn tăng tác động lớn đến giá thành nuôi cá tra, do vậy Chính phủ luôn quan tâm vấn đề này. Nghị định số 08/2010/NĐ-CP ngày 5/2/2010 của Chính phủ về quản lý thức ăn chăn nuôi và Thông tư số 66/2011/TT-BNNPTNT ngày 10/11/2011 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 08/2010/NĐ-CP đã có những quy định rất chi tiết về sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu, nhập khẩu, quản lý, thanh tra, kiểm tra... sản phẩm thức ăn chăn nuôi, trong đó thức ăn cho nuôi cá tra cũng là sản phẩm chịu sự điều chỉnh của các văn bản này.

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã và đang tiến hành rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung hai văn bản nêu trên để phù hợp với thực tiễn áp dụng thời gian qua.

Chinhphu.vn