Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Qua Hệ thống tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề nghị cơ quan có thẩm quyền giải đáp về vấn đề này.
Về vấn đề này, Bộ Nội vụ trả lời như sau:
Thời gian qua, một số địa phương đã chủ động thành lập hoặc trình cấp có thẩm quyền quyết định thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện để thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, tổ chức theo quy mô hình tập trung, trên cơ sở quy chế thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Từ thực tiễn đó, Bộ Nội vụ đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương xem xét, đánh giá về sự cần thiết, cơ sở pháp lý và tính phù hợp, hiệu quả hoạt động của các Trung tâm hành chính công. Đến nay, các Trung tâm hành chính công hoạt động, cụ thể như sau:
Về số lượng địa phương đã thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh: Đến nay có 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai thực hiện mô hình Trung tâm hành chính công hoặc Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung cấp tỉnh, bao gồm: Quảng Ninh, Thái Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Đà Nẵng, Bắc Giang, Đồng Tháp, Đắk Nông, Cà Mau, Long An, Hà Giang, An Giang, Bình Phước, Quảng Nam, Bắc Ninh và Vĩnh Phúc.
Về mô hình tổ chức và vị trí của Trung tâm hành chính công được các địa phương thực hiện theo các mô hình khác nhau, cụ thể:
- Trung tâm hành chính công trực thuộc UBND tỉnh:
Trung tâm hành chính công tỉnh Quảng Ninh: Được thành lập theo Quyết định số 1831/QĐ-TTg ngày 28/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ cho phép Quảng Ninh thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh trong thời hạn 3 năm.
Trung tâm hành chính công và xúc tiến đầu tư tỉnh Quảng Nam: Thủ tướng Chính phủ đã cho phép tỉnh Quảng Nam thí điểm thành lập Trung tâm hành chính công (theo Thông báo số 354/TB-VPCP ngày 1/11/2016 của Văn phòng chính phủ). Trung tâm đã đi vào hoạt động từ tháng 3/2017.
Trung tâm hành chính công tỉnh Bắc Ninh: Được Thủ tướng Chính phủ cho thí điểm thành lập theo Quyết định số 506/QĐ-TTg ngày 17/4/2017.
- Trung tâm hành chính công trực thuộc Văn phòng UBND cấp tỉnh có: Thái Bình, Đắk Nông, Đồng Tháp, Cà Mau, Hà Giang, Bình Phước, Vĩnh Phúc.
- Trung tâm hành chính công trực thuộc Sở Nội vụ có: Bắc Giang, Long An, Bình Dương.
- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả tập trung thuộc Văn phòng UBND tỉnh, thành phố có: Đà Nẵng, Bà Rịa - Vũng Tàu, An Giang.
Đã thống nhất đề xuất thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc
Ngày 10/4/2017, UBND tỉnh Vĩnh Phúc có Tờ trình số 84/TTr-UBND kèm theo Đề án thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc gửi Bộ Nội vụ. Trong đó, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã đề xuất thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Trung tâm hành chính công cấp huyện là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng HĐND và UBND cấp huyện.
Căn cứ đề nghị của UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Bộ Nội vụ đã có Công văn số 2173/BNV-TCBC ngày 21/4/2017 trả lời về việc thành lập Trung tâm hành chính công cấp tỉnh, cấp huyện của tỉnh Vĩnh Phúc.
Theo đó, Bộ Nội vụ thống nhất với tỉnh Vĩnh Phúc về sự cần thiết thành lập Trung tâm hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc, đồng thời thống nhất với đề xuất Trung tâm hành chính công tỉnh Vĩnh Phúc là đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Văn phòng UBND tỉnh, là đầu mối tập trung để thực hiện hướng dẫn, tiếp nhận, thẩm định, giải quyết và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của các sở, ban, ngành trực thuộc UBND cấp tỉnh và các cơ quan ngành dọc của Trung ương đóng trên địa bàn.
Việc lựa chọn loại hình tổ chức, phương thức hoạt động và quyết định thành lập Trung tâm hành chính công cấp huyện do UBND cấp huyện trình HĐND cùng cấp quyết định phù hợp với tình hình thực tế địa phương, bảo đảm không tăng thêm biên chế công chức và số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.
Trên cơ sở ý kiến của Bộ Nội vụ, tỉnh Vĩnh Phúc triển khai thành lập Trung tâm hành chính công của tỉnh theo Đề án và dự kiến đưa vào hoạt động trong tháng 5/2017.
Chinhphu.vn