Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Đó là ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương thực hiện Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 1/11/2012 của Chính phủ về chính sách an sinh xã hội, tại Thông báo 461/TB-VPCP.
Theo đánh giá tổng quát của Ban Chỉ đạo, dù điều kiện kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn song trong giai đoạn 2012-2013, Chính phủ vẫn dành nguồn lực ưu tiên cho đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) như: Chính sách ưu đãi người có công; tạo việc làm, giảm nghèo, bảo trợ xã hội, phát triển giáo dục đào tạo, chăm sóc y tế…
Cụ thể, hiện khoảng 1,6 triệu đối tượng người có công được trợ cấp hằng tháng với mức chuẩn 1.220.000 đồng; 1,9 triệu người được trợ cấp 1 lần; xây dựng kế hoạch hỗ trợ nhà ở cho 71.000 hộ gia đình người có công. Bên cạnh đó, có 2,1 triệu người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được hưởng trợ cấp xã hội thường xuyên (tăng khoảng 1 triệu người so với năm 2012).
Bình quân hằng năm ngân sách Trung ương chi từ 500-1.000 tỷ đồng và 40.000-60.000 tấn gạo để hỗ trợ người dân, hộ gia đình bị thiệt hại do thiên tai, đói giáp hạt… Nhiều bộ, ngành địa phương đa dạng hình thức, cách làm sáng tạo trong hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng khó khăn, đối tượng bị thiệt hại do thiên tai, hỏa hoạn, cháy nổ…
Trong năm 2013, đã tạo được 1,54 triệu việc làm mới, số lao động đi làm việc ở nước ngoài là 85.000 người. Tuy nhiên vẫn còn nhiều hạn chế như tạo việc làm chưa đạt kế hoạch đề ra; nhiều người còn thiếu việc làm, tỷ lệ hộ tái nghèo và cận nghèo còn cao; đời sống của một bộ phận người có công, người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khó khăn, chưa bảo đảm được đầy đủ mức tối thiểu các dịch vụ cơ bản...
Để bảo đảm thuận lợi cho việc triển khai các nhiệm vụ, kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết 70/NQ-CP về chính sách an sinh xã hội trong năm 2014, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần chú trọng lồng ghép các chính sách xã hội trong quá trình thực hiện bảo đảm thiết thực, hiệu quả; khi thiết kế, xây dựng chính sách cần phân loại đối tượng theo nhóm ưu tiên, có lộ trình cụ thể; giảm dần các chính sách hỗ trợ trực tiếp "cho không".
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội cần nghiên cứu bổ sung nhiệm vụ tổng rà soát các chính sách xã hội nhằm xác định chính sách mới cần ban hành, chính sách trùng chéo cần ghép lại hoặc bãi bỏ; thống kê, tập hợp các chính sách xã hội để tạo điều kiện thuận lợi cho cấp cơ sở triển khai thực hiện.
Phan Hiển