Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Về thị trường chứng khoán, trong tháng 2, diễn biến thị trường chứng khoán có các phiên tăng, giảm đan xen, nhưng vẫn theo xu hướng tăng.
Tính đến ngày 27/2, VN-Index đạt 1.237,46 điểm, tăng 6,3% so với cuối tháng trước và tăng 9,5% so với cuối năm 2023; quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 6.360 nghìn tỷ đồng, tăng 7,1% so với cuối năm 2023, tương đương 62,2% GDP ước tính năm 2023.
Hiện có 739 cổ phiếu và chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 Sở giao dịch chứng khoán, 868 cổ phiếu đăng ký giao dịch trên sàn UPCoM và gần 7,4 triệu tài khoản đầu tư chứng khoán; giá trị giao dịch bình quân tháng 2 là 22,4 nghìn tỷ đồng/phiên, tăng 19,6% so với tháng trước; bình quân 2 tháng đầu năm là 20 nghìn tỷ đồng, tăng 14% so với bình quân năm 2023.
Trong tháng 2/2024, Bộ Tài chính đã phối hợp với Văn phòng Chính phủ tổ chức thành công Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024.
Để nâng hạng thị trường chứng khoán, Bộ Tài chính đã tích cực làm việc với các tổ chức xếp hạng thị trường như FTSE Russell và MSCI nhằm tìm hiểu các tiêu chí phân loại thị trường của các tổ chức này và trao đổi thông tin về các nỗ lực từ phía các cơ quan quản lý của Việt Nam.
Bộ Tài chính đang tiếp tục hoàn thiện các đề án lớn về chiến lược phát triển thị trường chứng khoán, cơ cấu lại thị trường chứng khoán, thành lập sàn giao dịch vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính tiếp tục tăng cường công tác quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra các công ty đại chúng và tổ chức kinh doanh chứng khoán nhằm đảm bảo sự phát triển lành mạnh của thị trường; đã ban hành 102 quyết định xử phạt, với tổng số tiền xử phạt 19 tỷ đồng.
Về thị trường trái phiếu (TPDN), có 465 mã niêm yết; quy mô giao dịch bình quân tháng 2 đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước; bình quân 2 tháng đạt 9,2 nghìn tỷ đồng, tăng 40,9% so với năm 2023.
Đến ngày 23/2/2024, có 11 doanh nghiệp phát hành với khối lượng 7,25 nghìn tỷ đồng (gấp 8,2 lần so với cùng kỳ năm 2023), trong đó, doanh nghiệp bất động sản chiếm 52% (3,75 nghìn tỷ đồng) và xây dựng chiếm 24% (1,7 nghìn tỷ đồng); lãi suất phát hành bình quân 10,26%/năm và kỳ hạn phát hành bình quân 5,5 năm; 52,4% trái phiếu phát hành có tài sản bảo đảm.
Khối lượng mua lại trước hạn là 9,1 nghìn tỷ đồng (giảm 41,2% so với cùng kỳ năm 2023). Cơ cấu nhà đầu tư mua TPDN chủ yếu là tổ chức (trong nước chiếm 80,6%; nước ngoài chiếm 6,2%); nhà đầu tư cá nhân mua 13%.
Số mã trái phiếu đăng ký giao dịch trên hệ thống đã công bố trên Chuyên trang thông tin về TPDN của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 936 mã trái phiếu của 266 doanh nghiệp với giá trị đăng ký giao dịch đạt 652,9 nghìn tỷ đồng.
Trong đó, đã có phát sinh giao dịch của 264 mã trái phiếu thuộc 110 tổ chức phát hành; tổng giá trị giao dịch toàn thị trường đạt 333,3 nghìn tỷ đồng, giá trị giao dịch bình quân đạt 2,2 nghìn tỷ đồng/phiên.
Về thị trường bảo hiểm, tổng doanh thu phí bảo hiểm 2 tháng đầu năm 2024 ước đạt 33,9 nghìn tỷ đồng, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm trước. Đến hết tháng 2/2024, tổng tài sản ước đạt 934,8 nghìn tỷ đồng, tăng 11%; đầu tư trở lại nền kinh tế ước đạt 780,7 nghìn tỷ đồng, tăng 12,7%.
Anh Minh