Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Công ty TNHH Quan trắc tự động hóa và Phát triển sinh học Tiền Giang đã nghiên cứu, hoàn chỉnh được các dự án xử lý nước thải và rác thải cho đô thị, nông thôn tiên tiến dựa trên nền tảng phân loại, xử lý tại nguồn để mang lại sự đột phá to lớn, tiết kiệm ngân sách, xây dựng nông thôn mới và hạ tầng đô thị; hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội và môi trường, đồng thời đạt được các mục tiêu: Phát triển nguồn nhân lực - khoa học công nghệ - Quốc gia khởi nghiệp.
Qua Hệ thống Tiếp nhận, trả lời kiến nghị của doanh nghiệp, Công ty đề xuất nguyện vọng được làm việc với các viện, cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp công – tư có điều kiện về các dự án nêu trên.
Về vấn đề này, Bộ Tài nguyên và Môi trường có ý kiến như sau:
Bộ Tài nguyên và Môi trường hoan nghênh sáng kiến của Công ty trong việc kiến nghị xây dựng mô hình quản lý chất thải mới, góp phần thúc đẩy công tác phân loại tại nguồn nhằm mục đích tăng cường tái sử dụng, tái chế, đồng xử lý và thu hồi năng lượng từ chất thải, phù hợp với nguyên tắc chung về quản lý chất thải quy định tại Nghị định số 38/2015/NĐ-CP ngày 24/4/2015 của Chính phủ về quản lý chất thải và phế liệu.
Trường hợp Công ty mong muốn đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn để triển khai mô hình quản lý chất thải như đề xuất, đề nghị Công ty:
- Lập báo cáo đánh giá tác động môi trường (đối với dự án xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải thông thường công suất 10 tấn/ngày trở lên hoặc dự án xây dựng cơ sở tái chế, xử lý chất thải nguy hại) hoặc Kế hoạch bảo vệ môi trường trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của Nghị định số 18/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định về quy hoạch bảo vệ môi trường, đánh giá môi trường chiến lược, đánh giá tác động môi trường và kế hoạch bảo vệ môi trường.
- Liên hệ với các Bộ, UBND cấp tỉnh có liên quan để được hướng dẫn cụ thể các nội dung như sau:
Bộ Xây dựng hướng dẫn đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo quy hoạch được phê duyệt;
Bộ Khoa học và Công nghệ thẩm định công nghệ xử lý chất thải rắn sinh hoạt mới được nghiên cứu và lần đầu tiên áp dụng tại Việt Nam;
UBND cấp tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ để khuyến khích việc thu gom, vận chuyển và đầu tư cơ sở xử lý chất thải rắn sinh hoạt phù hợp với quy hoạch và điều kiện phát triền kinh tế - xã hội của địa phương.
Ngoài ra, việc xây dựng “Mô hình quản lý chất thải mới - giải pháp thúc đẩy đầu tư phát triển nhanh chóng - hài hòa nông thôn và thành thị” là những dự án được hỗ trợ về đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng; ưu đãi về tiền thuê đất, hỗ trợ về giải phóng mặt bằng và bồi thường; ưu đãi về huy động vốn đầu tư; ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp theo các quy định tại Điều 39, Điều 40, Điều 42, Điều 43 Nghị định số 19/2015/NĐ-CP ngày 14/2/2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Bảo vệ môi trường.