Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần nói rõ với cán bộ y tế về những phản ứng sau lần tiêm chủng trước - Ảnh: VGP/Thuý Hà |
Ông Huỳnh Anh Tuấn (huynhanhtuanpt@...): Con tôi được 3 tháng 10 ngày và đã tiêm vắc xin 5 trong 1 mũi thứ 2. Sau khi tiêm về nhà khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ thì cháu hơi quấy khóc có thể do đau, sưng ở vết tiêm. Tôi đã dùng lòng trắng trứng gà bôi lên chỗ tiêm và cháu hết khóc. Vậy xin hỏi, việc bôi lòng trắng trứng gà có làm giảm tác dụng thuốc không?
Bộ Y tế lời: Sau khi tiêm vắc xin trẻ có thể có các phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ. Các dấu hiệu này sẽ khỏi trong vòng 1 đến 2 ngày mà không cần phải xử trí gì, không nên bôi bất cứ thứ gì lên vị trí tiêm. Việc bôi như vậy không ảnh hưởng đến tác dụng của thuốc nhưng có thể gây nhiễm trùng vết tiêm.
Ông Phạm Duy Khôi (duykhoipham@...): Khi con tôi tiêm vắc xin viêm gan B dịch vụ (vắc xin do Cuba sản xuất) có hiện tượng mẩn đỏ hơi sưng ở chỗ bị tiêm. Nhưng về nhà thì sau khoảng 4 tiếng hiện tượng trên đã hết. Hiện tượng này không xảy ra khi cháu tiêm vắc xin 5 trong 1 ở Trạm y tế sau đó. Tôi xin hỏi, đây có phải là hiện tượng dị ứng với vắc xin không? Khi tiêm đợt vắc xin tiếp theo như mũi vắc xin sởi đơn thì hiện tượng trên có còn xảy ra nữa không và cần phải lưu ý vấn đề gì không?
Bộ Y tế trả lời: Sau khi tiêm vắc xin có thể có các phản ứng thông thường như sưng, đau tại chỗ tiêm hoặc sốt nhẹ. Các dấu hiệu này sẽ khỏi trong vòng 1 đến 2 ngày mà không cần phải xử trí gì.
Một số trường hợp phản ứng có thể kéo dài hơn bình thường hoặc có những phản ứng mạnh hơn như sốt cao, tím tái, khóc thét, khóc dai dẳng..., các trường hợp này cần được chống chỉ định không tiêm chủng liều tiếp theo đối với vắc xin cùng loại vì phản ứng của các lần tiêm chủng sau sẽ mạnh hơn lần trước.
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, ông Khôi cần mang theo sổ/phiếu tiêm chủng của trẻ và nói rõ với cán bộ y tế về những phản ứng sau lần tiêm chủng trước để cán bộ y tế có có chỉ định phù hợp.
Việc tiêm vắc xin phòng bệnh đối với người trưởng thành
Bà Mai Quỳnh Anh (quynhmaidn@...): Tôi xin hỏi, phụ nữ mang thai cần tiêm phòng những vắc xin gì? Nếu tiêm vắc xin rubella khi vừa mang thai mà không biết, hoặc tiêm chưa qua 1 tháng đã mang thai thì có nguy hiểm cho thai nhi không?
Bộ Y tế trả lời: Phụ nữ có thai và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ ở vùng nguy cơ cao sẽ được tiêm vắc xin phòng bệnh uốn ván, đây là vắc xin được miễn phí trong tiêm chủng mở rộng. Ngoài ra một số vắc xin phòng bệnh khác chị em cũng cần tiêm chủng trước khi mang thai để phòng bệnh cho mẹ và con như vắc xin rubella, cúm….
Vắc xin phòng bệnh sởi – rubella (MR) là vắc xin phối hợp phòng 2 bệnh sởi và bệnh rubella. Đây là vắc xin sống, giảm độc lực nên được khuyến cáo không tiêm cho phụ nữ có thai. Tuy nhiên, theo Tổ chức y tế thế giới (WHO) hiện nay chưa có bằng chứng cũng như chưa ghi nhận trường hợp nào mà mẹ tiêm vắc xin rubella gây ảnh hưởng lên thai nhi. Nếu lỡ tiêm vắc xin sởi - rubella khi mang thai thì trường hợp này cần được các bác sĩ sản khoa theo dõi và kiểm tra định kỳ.
Bà Trần Thị Thanh Nga (tttnga87@...): Con gái tôi năm nay 15 tuổi, đã được tiêm 4 mũi DPT vào lúc 2, 3, 4 và 18 tháng tuổi. Hiện nay, nhà trường có chương trình tiêm chủng cho học sinh, vậy con tôi có phải tiêm 2 mũi uốn ván cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ không? Khi xây dựng gia đình, có thai thì con tôi có phải tiêm phòng uốn ván nữa không?
Bộ Y tế trả lời: Theo lịch tiêm chủng vắc xin uốn ván thì khoảng cách tối thiểu giữa các mũi được quy định cụ thể như sau: mũi 2 cách mũi 1 một tháng, mũi 3 cách mũi 2 là 6 tháng, các mũi sau cần có khoảng cách tối thiều là 1 năm. Nếu không bảo đảm khoảng cách tối thiểu thì các mũi tiêm sẽ không đạt được miễn dịch hiệu quả phòng bệnh, nên mặc dù đã tiêm 4 mũi vắc xin DPT có thành phần uốn ván nhưng sẽ chỉ có giá trị tương đương với tiêm 3 mũi vắc xin uốn ván. Nếu hiện tại khoảng cách giữa lần tiêm trước đã trên 1 năm, con của bà Nga vẫn cần tiêm 1 mũi vắc xin uốn ván với điều kiện bà phải chắc chắn về tiền sử đã tiêm chủng.