Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Bộ Y tế đang dự thảo Luật Phòng bệnh
Bộ Y tế cho biết, Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm số 03/2007/QH12 được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 2 thông qua ngày 21/11/2007, có hiệu lực từ 01/7/2008. Trong hơn 17 năm triển khai, đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân. Mặc dù vậy, vẫn còn tồn tại những bất cập về chất lượng sống, gánh nặng bệnh tật, nguyên nhân liên quan đến dinh dưỡng và yếu tố môi trường cũng như khoảng trống chính sách điều chỉnh phòng bệnh không lây nhiễm và sức khỏe tâm thần.
Việc xây dựng Luật mới với phạm vi điều chỉnh bao quát toàn diện các hoạt động phòng bệnh là hết sức cần thiết nhằm khắc phục các tồn tại, bất cập trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đáp ứng yêu cầu thực tiễn trong tình hình mới.
Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân, việc thực hiện vẫn còn những tồn tại, bất cập đó là: chất lượng sống của người dân còn hạn chế do bệnh tật; người Việt Nam có tuổi thọ tương đối cao nếu so với các quốc gia có cùng mức sống, nhưng lại có số năm sống với bệnh tật nhiều hơn. Nguyên nhân là do: chế độ dinh dưỡng chưa hợp lý dẫn đến hạn chế phát triển thể lực, tầm vóc người Việt cũng như gia tăng bệnh không lây nhiễm liên quan đến dinh dưỡng; sự gia tăng nhanh của các bệnh không lây nhiễm và gánh nặng bệnh tật; sự gia tăng các yếu tố nguy cơ về môi trường như ô nhiễm môi trường, ý thức giữ gìn vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường của người dân còn hạn chế, biến đổi khí hậu và các hiện tượng thời tiết cực đoan,.... ảnh hưởng đến sức khỏe của nhiều cộng đồng dân cư, góp phần làm gia tăng các trường hợp nhập viện.
Giải quyết các vướng mắc từ cơ chế chính sách, khoảng trống pháp luật trong hoạt động phòng bệnh. Qua rà soát hệ thống pháp luật Việt Nam cho thấy, mặc dù có tới 63 văn bản cấp độ luật có quy định điều chỉnh các hoạt động liên quan đến lĩnh vực phòng bệnh, nâng cao sức khỏe nhưng trên thực tế thì hệ thống pháp luật hiện hành chủ yếu tập trung vào 03 vấn đề chính là: (1) Điều trị bệnh; (2) Phòng, chống bệnh truyền nhiễm; (3) Quản lý một số hành vi có hại cho sức khỏe (rượu bia, thuốc lá, hủy hoại môi trường, bao lực gia đình,…) mà hoàn toàn chưa có quy định để điều chỉnh các vấn đề liên quan đến dinh dưỡng với sức khỏe, sức khỏe tâm thần, quản lý bệnh không lây nhiễm, quỹ phòng bệnh.
Theo Bộ Y tế, để khắc phục các tồn tại, bất cập nêu trên cũng như thể chế hóa các chủ trương, định hướng của Đảng, nhiệm vụ của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao, việc xây dựng một đạo luật mới với phạm vi điều chỉnh bao gồm các hoạt động về phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm; phòng, chống các rối loạn sức khỏe tâm thần; bảo đảm dinh dưỡng trong phòng bệnh; phòng bệnh trước tác động của các yếu tố nguy cơ khác; các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh nhằm giải quyết các khoảng trống về pháp luật, các hoạt động liên quan đến dự phòng và nâng cao sức khỏe đồng thời thay thế Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm là hoàn toàn phù hợp, không gây chồng chéo trong hệ thống pháp luật và hết sức cần thiết trong giai đoạn hiện nay.
Dự thảo Luật Phòng bệnh đề xuất quy định về thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng bệnh; phòng, chống bệnh truyền nhiễm; phòng, chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ khác; dinh dưỡng trong phòng bệnh và các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh.
Dự thảo Luật Phòng bệnh áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tại Việt Nam.
Bộ Y tế đề xuất dự thảo Luật Phòng bệnh gồm 06 Chương với 46 điều:
- Chương 1: Những quy định chung, gồm các điều từ Điều 1 đến Điều 13;
- Chương 2: Phòng, chống bệnh truyền nhiễm, gồm các điều từ Điều 14 đến Điều 24;
- Chương 3: Phòng, chống bệnh không lây nhiễm, các rối loạn sức khỏe tâm thần và các yếu tố nguy cơ khác, gồm các điều từ Điều 25 đến Điều 31;
- Chương 4: Dinh dưỡng trong phòng bệnh, gồm các điều từ Điều 32 đến Điều 35;
- Chương 5: Các điều kiện bảo đảm để phòng bệnh, gồm các điều từ Điều 36 đến Điều 43;
- Chương 6: Điều khoản thi hành, gồm các điều từ Điều 44 đến Điều 46.
Theo dự thảo, các hành vi sau bị nghiêm cấm trong hoạt động phòng bệnh:
1. Cố ý làm lây lan tác nhân gây bệnh truyền nhiễm.
2. Người mắc bệnh truyền nhiễm, người bị nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm và người mang mầm bệnh truyền nhiễm thực hiện các hành vi dễ lây truyền tác nhân gây bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
3. Che giấu, không khai báo hoặc khai báo không kịp thời các trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm theo quy định của pháp luật.
4. Cố ý khai báo, thông tin sai sự thật về bệnh truyền nhiễm.
5. Phân biệt đối xử, kỳ thị và đưa hình ảnh, thông tin tiêu cực về người mắc bệnh truyền nhiễm.
6. Không triển khai hoặc triển khai không kịp thời các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo quy định của Luật này.
7. Không chấp hành các biện pháp phòng, chống bệnh truyền nhiễm theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.
8. Cố ý làm ô nhiễm các nguồn nước dùng trong sinh hoạt của nhân dân.
9. Tổ chức tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng không đủ điều kiện.
10. Tiếp cận trái phép, trộm cắp, dùng sai hoặc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc cố ý phát tán tác nhân sinh học.
11. Sử dụng hình thức mê tín, dị đoan trong phòng bệnh.
Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây./.