Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
TS.BS Vũ Quốc Đạt thăm khám cho bệnh nhân mắc cúm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội - Ảnh: VGP/HM
Tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, trong những tháng đầu năm 2025 ghi nhận số ca mắc cúm mùa tăng nhanh. Trung bình mỗi tuần, phòng khám khoa Bệnh Nhiệt đới và can thiệp giảm hại của Bệnh viện này tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mắc cúm A (được khẳng định bằng xét nghiệm) tới khám. Số lượng bệnh nhân mắc cúm trong tháng 1/2025 cao gấp 6 lần so với tháng 12/2024.
Phóng viên Báo Chính phủ đã có trao đổi với TS.BS Vũ Quốc Đạt, Phó Trưởng khoa Bệnh nhiệt đới và can thiệp giảm hại, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội xung quanh nội dung này.
Thưa ông, như ông cho biết, số ca mắc cúm nhập viện tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội gia tăng mạnh trong thời gian đây. Được biết, virus cúm hiện nay ở nước ta không có thay đổi về độc lực, vậy xin ông cho biết nguyên nhân nào khiến số lượng bệnh nhân mắc bệnh cúm gia tăng như vậy?
TS.BS Vũ Quốc Đạt: Sự thay đổi về virus cúm thông thường là rất ít vì không có sự biến đổi nhiều về độc lực cũng như khả năng gây bệnh của virus. Tuy nhiên, sự thay đổi về miễn dịch của quần thể cũng như của cá thể, có thể khiến chúng ta dễ mắc cúm theo thời gian, cũng như nguy cơ mắc cúm có khả năng tiến triển nặng, do cúm là một bệnh lưu hành quanh năm và hầu như ai trong đời cũng từng mắc bệnh cúm.
Ở những thời điểm khác nhau trong cuộc đời, nguy cơ mắc cúm cũng thay đổi. Đặc biệt là khả năng cúm tiến triển nặng ở những trường hợp như người già, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, đặc biệt là mang thai trong vòng 3 tháng cuối, những trường hợp mắc các bệnh lý nền bao gồm các bệnh lý về tim phổi mãn tính, bệnh lý tiểu đường, các bệnh lý về gan mãn tính cũng như các bệnh lý về ung thư và những bệnh nhân điều trị hóa chất hoặc ức chế miễn dịch…
Chính sự thay đổi về cơ thể của chúng ta cũng khiến chúng ta dễ mắc bệnh cúm hơn, nhưng đôi khi bản thân lại quên rằng, chính cơ thể chúng ta đã thay đổi và nghĩ cúm "vô hại" đối với mình.
Thực tế, trong những năm gần đây, virus cúm không thay đổi nhiều về độc lực. Chúng ta vẫn đang chứng kiến sự lưu hành của chủng virus cúm H1N1 – đây cũng là chủng virus đã gây đại dịch vào năm 2009. Tuy nhiên, sự gia tăng số ca nặng, số trường hợp cần phải nhập viện trong thời gian gần đây, đã chứng tỏ rằng, trong cộng đồng sự lây lan của virus cúm đang diễn biến mạnh.
Tôi nghĩ điều này có khả năng liên quan tới việc chúng ta di chuyển nhiều cũng như thay đổi điều kiện sinh hoạt trong giai đoạn Tết vừa qua.
Mọi người từ khắp nơi trên đất nước cùng quay trở về nhà, cùng tụ họp, cùng sống trong một môi trường kín, nên có khả năng lây lan cúm giữa các thành viên trong gia đình. Sau dịp Tết, khi quay trở lại công việc, mọi người di tản tới các địa điểm khác nhau tại nhiều địa phương và dịch cúm có "cơ hội" lây truyền ở môi trường làm việc và gia tăng số ca mắc trong cộng đồng.
Sự chủ quan của người dân đối với bệnh cúm do sự hiểu nhầm, hiểu sai về bản chất của bệnh cúm mùa - Ảnh: VGP/HM
Phân biệt bệnh cúm và cảm cúm
Số ca mắc cúm nặng hiện nay đa số do người bệnh chủ quan cho rằng bệnh cúm thường nhẹ, thậm chí khi có chỉ định của bác sĩ phải nhập viện nhưng có bệnh nhân vẫn nhất quyết từ chối vì tự cho rằng bệnh cúm tự khỏi, ông có khuyến cáo gì về những trường hợp này?
TS.BS Vũ Quốc Đạt: Sự chủ quan của người dân đối với bệnh cúm có thể xuất phát do một số nguyên nhân.
Thứ nhất do sự hiểu nhầm cũng như là hiểu sai về bản chất của bệnh cúm mùa. Trong y học có bệnh cúm và cảm cúm.
Thông thường, sự hiểu nhầm giữa hai khái niệm cũng như hai bệnh này có thể khiến người dân chủ quan. Bệnh cảm cúm thông thường là một bệnh phổ biến, người bệnh có các triệu chứng nhẹ và hầu hết những bệnh nhân bị cảm cúm thông thường sẽ hồi phục một cách hoàn toàn và không để lại bất kỳ di chứng hay biến chứng đáng kể nào.
Tuy nhiên, đối với bệnh cúm là một bệnh do virus cúm gây ra, bệnh có khả năng diễn biến nặng và có khả năng gây tử vong, đặc biệt, bệnh có thể tiến triển rất nhanh, dẫn tới tình trạng suy hô hấp.
Chính vì vậy, sự nhầm lẫn giữa hai bệnh lý này có thể khiến người bệnh chủ quan. Có thể trong quá khứ, người bệnh đã mắc bệnh cảm cúm thông thường và khỏi hoàn toàn nhưng khi mắc bệnh cúm thì không có nghĩa chắc chắn họ sẽ khỏi bệnh mà có thể tiến triển nặng, cần phải nhập viện điều trị.
Thứ hai, sự chủ quan đối với bệnh cúm của người dân cũng có thể vì lý do bệnh cúm xảy ra ở những có tình trạng sức khỏe tốt, không có bệnh lý nền, nên khi mắc bệnh, họ có sức đề kháng tốt, có thể phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên, khi tuổi tác tăng cao, khi mắc các bệnh lý nền thì cúm không còn đơn giản cũng như không dễ dàng hồi phục như trước đó. Vì vậy, lúc này người bệnh quên rằng, cơ thể của họ đang thay đổi, họ đang có những bệnh lý làm miễn dịch của họ không tốt và có nguy cơ mắc cúm nặng, có thể tiến triển nặng dẫn tới tử vong.
Xin ông chia sẻ với người dân cách phòng bệnh cúm cũng như các biện pháp tránh bệnh diễn tiến nặng?
TS.BS Vũ Quốc Đạt: Ở nước ta, thông thường có 2 đỉnh dịch cúm, đó là đỉnh dịch vào khoảng tháng 1, 2 và đỉnh dịch thứ hai vào tháng 6, 7 hằng năm.
Để phòng bệnh cúm, các biện pháp tương đối đơn giản, trong đó biện pháp quan trọng nhất chính là tiêm phòng vaccine.
Tất cả những người có nguy cơ tiến triển cúm nặng đều được ưu tiên để tiêm vaccine bao gồm: người già trên 60 tuổi, phụ nữ mang thai, đặc biệt là những người có kế hoạch mang thai thì nên tiêm phòng sớm để bảo vệ bản thân trong thời kỳ mang thai, những bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý như tim, phổi mãn tính, tiểu đường, xơ gan, bệnh nhân ung thư, bệnh nhân đang điều trị hóa chất…
Các biện pháp phòng ngừa cũng rất hiệu quả như: hạn chế tiếp xúc với những người có các triệu chứng hô hấp. Nếu bản thân có triệu chứng hô hấp thì nên chủ động đeo khẩu trang, tránh việc lây lan cho mọi người, tăng cường vệ sinh bàn tay, giáo dục cho trẻ nhỏ nên vệ sinh bàn tay thường xuyên, đặc biệt là trong môi trường trường học, nhà trẻ…
Nếu trong nhà có người thân bị cúm, nên chủ động cách ly người bệnh và đeo khẩu trang.
Nếu người bệnh phải nhập viện thì nên hạn chế việc thăm nom người bệnh một cách không cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh, đặc biệt không nên đưa trẻ em đến những khu vực có những người có các triệu chứng hô hấp, để tránh lây nhiễm bệnh.
Trân trọng cảm ơn ông!
Hiền Minh (thực hiện)