Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Việc phối hợp giữa các Bộ, ngành, địa phương phải đảm bảo chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện thuận lợi cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú tại Việt Nam theo quy định của pháp luật; bảo đảm chỉ đạo, điều hành tập trung, thống nhất, không chồng chéo, theo nguyên tắc Bộ Công an chủ trì quản lý nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; các Bộ, cơ quan ngang Bộ căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy có trách nhiệm phối hợp; UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có trách nhiệm tổ chức thực hiện thống nhất ở địa phương theo quy định của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam và hướng dẫn của Bộ Công an.
Trách nhiệm phối hợp
Nghị định quy định rõ trách nhiệm phối hợp của các Bộ, ngành trong: Xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức thực hiện pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; việc cấp giấy tờ cho người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú; công tác kiểm soát nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh của người nước ngoài; công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo trong công tác quản lý nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; xử lý vi phạm pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; việc ban hành và sử dụng các mẫu giấy tờ về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; việc thống kê nhà nước về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; phổ biến, giáo dục pháp luật về nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Trong đó, Bộ Ngoại giao có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan có thẩm quyền cấp thị thực của Việt Nam ở nước ngoài.
Bộ Quốc phòng chỉ đạo đơn vị kiểm soát xuất nhập cảnh thuộc Bộ Quốc phòng trong quá trình giải quyết cấp thị thực, nếu phát hiện có vấn đề phức tạp liên quan đến an ninh, quốc phòng hoặc có dấu hiệu giả mạo giấy tờ thì chưa cấp thị thực và trao đổi thống nhất với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh về việc cấp thị thực.
Trong công tác quản lý cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, UBND cấp tỉnh phối hợp với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh trong việc trao đổi thông tin cấp thị thực, giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, giấy phép lao động, giấy phép hành nghề; chỉ đạo cơ quan, tổ chức mời, bảo lãnh người nước ngoài phối hợp với cơ sở lưu trú thực hiện việc khai báo tạm trú của người nước ngoài theo quy định tại Điều 33 và Điều 34 của Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; phối hợp với cơ quan chức năng giải quyết các vấn đề phát sinh.
Bộ Ngoại giao chỉ đạo cơ quan chức năng chuyển thông tin khai báo tạm trú người nước ngoài thuộc diện đăng ký tại Bộ Ngoại giao cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong thời hạn 12 giờ kể từ khi người nước ngoài đăng ký tạm trú.
UBND cấp tỉnh chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện việc quản lý cư trú của người nước ngoài ở địa phương...
Phương Nhi