Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Hùng tham khảo, Điều 4 Thông tư số 226/2016/TT-BTC về mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực quy định mức thu phí như sau: "2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Trang là căn cứ để thu phí được tính theo trang của bản chính". Quy định này áp dụng với tổ chức thu phí là UBND cấp xã và Phòng tư pháp thuộc UBND cấp huyện (Điều 3 Thông tư số 226/2016/TT-BTC).
Về phí chứng thực bản sao từ bản chính, tại Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên quy định: "2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản". Quy định này áp dụng với tổ chức thu phí là phòng công chứng và văn phòng công chứng (Khoản 1, Khoản 2 Điều 3 Thông tư số 257/2016/TT-BTC).
Về trang để căn cứ thu phí, Khoản 7 Điều 4 Thông tư số 257/2016/TT-BTC chưa quy định rõ trang để căn cứ thu phí là trang của bản chính như quy định tại Điều 4 Thông tư số 226/2016/TT-BTC.
Vậy, khi tính phí chứng thực bản sao từ bản chính do phòng công chứng và văn phòng công chứng thực hiện thì phí chứng thực được tính căn cứ theo trang của bản chính hay trang của bản sao? Trường hợp người yêu cầu chứng thực bản sao từ bản chính chỉ yêu cầu chứng thực một phần của bản chính thì yêu cầu này có được chấp nhận không? Nếu được chấp nhận thì phí chứng thực được tính như thế nào?
Ví dụ: Bằng tốt nghiệp đại học bản chính có 2 trang; người yêu cầu chứng thực chỉ yêu cầu chứng thực một trang có nội dung, còn trang bìa thì không yêu cầu chứng thực. Trong trường hợp này, yêu cầu chứng thực có được chấp nhận không? Và nếu được chấp nhận thì phí chứng thực được tính là 2.000 đồng/bản (tức là chỉ tính 1 trang có yêu cầu chứng thực, còn trang bìa không yêu cầu chứng thực thì không tính) hay là 4.000 đồng/bản (tức là tính phí cả 2 trang, mặc dù chỉ yêu cầu chứng thực 1 trang có nội dung, còn trang bìa thì không yêu cầu chứng thực).
Cục Quản lý, giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí, Bộ Tài chính trả lời vấn đề này như sau:
Tại Danh mục phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí quy định phí chứng thực thuộc thẩm quyền quy định của Bộ Tài chính.
Tại Điều 20 Luật Phí và lệ phí quy định trách nhiệm của các bộ:
"1. Chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện Luật Phí và lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý.
4. …; kiến nghị với Chính phủ hoặc Bộ Tài chính về mức thu, nộp, miễn, giảm, quản lý và sử dụng đối với từng khoản phí, lệ phí thuộc ngành, lĩnh vực quản lý".
Căn cứ quy định nêu trên, trên cơ sở đề xuất của Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính đã ban hành 2 Thông tư:
- Thông tư số 226/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực, trong đó:
Tại Khoản 1 Điều 1 quy định: "1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí chứng thực ở cơ quan có thẩm quyền tại Việt Nam".
Tại Điều 4 quy định: "Phí chứng thực bản sao từ bản chính: 2.000 đồng/trang. Từ trang thứ ba trở lên thu 1.000 đồng/trang, nhưng mức thu tối đa không quá 200.000 đồng/bản. Trang là căn cứ để thu phí được tính theo trang của bản chính".
- Thông tư số 257/2016/TT-BTC ngày 11/11/2016 của Bộ trưởng Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên, trong đó:
Tại Khoản 1 Điều 1 quy định: "1. Thông tư này quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng phí công chứng; phí chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký trong giấy tờ, văn bản; phí thẩm định tiêu chuẩn, điều kiện hành nghề công chứng; phí thẩm định điều kiện hoạt động Văn phòng công chứng; lệ phí cấp thẻ công chứng viên".
Tại Khoản 7 Điều 4 quy định: "7. Phí chứng thực bản sao từ bản chính: 02 nghìn đồng/trang đối với trang thứ nhất, trang thứ hai; từ trang thứ ba trở lên thu 01 nghìn đồng/trang nhưng mức thu tối đa không quá 200 nghìn đồng/bản".
Như vậy, Thông tư số 226/2016/TT-BTC và Thông tư số 257/2016/TT-BTC quy định mức thu phí chứng thực bản sao từ bản chính và tính theo trang.
Các quy định về cơ sở (trang) để chứng thực bản sao từ bản chính được hướng dẫn cụ thể tại Nghị định số 23/2015/NĐ-CP ngày 16/2/2015 của Chính phủ quy định cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký và chứng thực hợp đồng giao dịch và Thông tư số 01/2020/TT-BTP ngày 3/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 23/2015/NĐ-CP.
Theo đó, vướng mắc về chứng thực bản sao từ bản chính đề nghị ông liên hệ Bộ Tư pháp được hướng dẫn cụ thể.
Chinhphu.vn