Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Thời gian qua, KTNN Campuchia, Lào, Việt Nam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa về hợp tác đa phương, trong đó đặc biệt phải kể đến việc KTNN ba nước đã tham gia tích cực mọi hoạt động trong khuôn khổ của Tổ chức Quốc tế các cơ quan Kiểm toán tối cao (INTOSAI), Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao châu Á (ASOSAI), Tổ chức các cơ quan Kiểm toán tối cao Đông Nam Á (ASEANSAI).
Bà Som Kim Suor - Tổng Kiểm toán nhà nước Campuchia nhận định: Hội nghị ba bên lần thứ 10 là minh chứng cho lập trường và thiện chí của lãnh đạo, đồng nghiệp của ba cơ quan kiểm toán hàng đầu của ba nước trong việc tiếp tục hợp tác, trao đổi kinh nghiệm làm việc.
"Tôi cho rằng mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị, hợp tác giữa ba quốc gia, ba dân tộc Campuchia, Lào, Việt Nam trên mọi lĩnh vực, mọi cấp bậc có tính chiến lược. Trong đó ba cơ quan kiểm toán hàng đầu luôn trao đổi kinh nghiệm, hoàn thiện lẫn nhau góp phần nâng cao năng lực chuyên môn kiểm toán để hỗ trợ quản lý tài chính công của Chính phủ ba nước một cách minh bạch, có trách nhiệm và hiệu quả", bà Som Kim Suor nói.
Chủ tịch KTNN Lào Viengthavisone Thephachanh đánh giá rất cao vai trò hợp tác ba bên của kiểm toán ba nước. KTNN Lào mong muốn các bên trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm để nâng cao chất lượng và hiệu quả trong việc thực hiện kiến nghị kiểm toán. Đây cũng là nội dung quan trọng thể hiện hiệu quả và chất lượng hoạt động kiểm toán, góp phần xây dựng đất nước cũng như giúp Chính phủ quản lý việc sử dụng tài chính, tài sản công.
Người đứng đầu ngành kiểm toán Lào đánh giá rất cao sự trưởng thành, lớn mạnh của KTNN Việt Nam trong 30 năm qua. KTNN Việt Nam đã luôn luôn đồng hành và giúp đỡ KTNN Lào từ khi thành lập cho đến nay, giúp KTNN Lào từng bước trưởng thành và vững mạnh hơn.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận về các vấn đề như: Cơ sở pháp lý cũng như thông lệ quốc tế liên quan đến công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; thực tiễn và những bài học kinh nghiệm của mỗi nước trong công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán; các thách thức đối với các cơ quan kiểm toán tối cao và giải pháp để nâng cao chất lượng công tác theo dõi thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Kết quả Hội nghị là căn cứ quan trọng để các cơ quan KTNN Campuchia - Lào - Việt Nam nghiên cứu, vận dụng vào thực tiễn hoạt động kiểm toán mỗi nước nhằm nâng cao chất lượng cuộc kiểm toán, nâng cao vị thế của các cơ quan kiểm toán tối cao vì một nền tài chính minh bạch, vững bền.
Tại Hội nghị, các bên cũng sẽ thống nhất về chủ trương hợp tác trong thời gian từ nay đến Hội nghị lần thứ 11 và thống nhất chủ đề cho Hội nghị ba bên lần thứ 11 được tổ chức tại Campuchia năm 2025.
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Tổng Kiểm toán nhà nước Việt Nam Ngô Văn Tuấn khẳng định: Kỳ vọng của nhân dân, Chính phủ, Quốc hội đối với việc nâng cao công tác quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công của quốc gia đặt ra gánh nặng, kỳ vọng rất lớn đối với các cơ quan kiểm toán tối cao.
Trong bối cảnh như vậy, ngoài việc cố gắng nâng cao trình độ, kiện toàn khuôn khổ pháp lý thì việc hợp tác, chia sẻ những bài học hay, những kinh nghiệm quý sẽ giúp ba cơ quan kiểm toán khẳng định vai trò, đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, từng bước bắt kịp với trình độ và chuẩn mực của các cơ quan kiểm toán tối cao trên thế giới.
"Chúng ta đều thống nhất với nhau về tầm quan trọng của việc theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kiến nghị kiểm toán. Đó chính là thước đo tính hiệu lực, hiệu quả công tác, hoạt động của cơ quan kiểm toán tối cao 3 quốc gia", Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn nói.
Người đứng đầu ngành kiểm toán Việt Nam cho rằng, điểm cốt yếu nhất để các kiến nghị được thực hiện tốt, đạt tỉ lệ cao xuất phát từ chất lượng của các kết luận, kiến nghị.
Hiện nay, khoảng 80% kiến nghị, kết luận kiểm toán được thực hiện, 20% còn lại chưa được thực hiện do nhiều nguyên nhân. KTNN Việt Nam thống kê, có khoảng 3% nguyên nhân kết luận kiểm toán không thực hiện được là do kết luận kiểm toán chưa phù hợp.
Bên cạnh đó, trong thời đại công nghiệp 4.0 phải ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số và CNTT trong hoạt động kiểm toán nói chung và trong thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán nói riêng. Đây là một trong những điểm sáng trong hoạt động của KTNN Việt Nam.
"Tất cả báo cáo kiểm toán sau khi phát hành cần được công bố công khai trên trang web của KTNN Việt Nam để phục vụ việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị kiểm toán. Có như vậy thì không chỉ đơn vị được kiểm toán, các cơ quan cấp trên có liên quan mà toàn thể nhân dân có thể vào đó để theo dõi, giám sát kết quả kiểm toán có xác thực, phù hợp, xác đáng không, giám sát đơn vị được kiểm toán có thực hiện kiến nghị kiểm toán đầy đủ, kịp thời không và giám sát chỉ đạo, lãnh đạo của cơ quan cấp trên, của Chính phủ, Quốc hội đối với các đơn vị có trách nhiệm không. Đây là những kinh nghiệm KTNN Việt Nam đã đặt ra", Tổng KTNN Ngô Văn Tuấn chia sẻ.
Trong khuôn khổ Hội nghị, Hội thảo chuyên đề về chủ đề "Thực hiện kiểm toán trong điều kiện bình thường mới" cũng đã được tổ chức ngày 29/8 tại Đà Nẵng. Tại Hội thảo, các bên cùng nhau trao đổi về "trạng thái bình thường mới" đã, đang và sẽ tạo ra cả cơ hội và thách thức đan xen, đòi hỏi mỗi cơ quan KTNN phải có những cách tiếp cận mới, những cách thức và biện pháp mới trong lập kế hoạch và thực hiện kế hoạch kiểm toán. Do đó, mỗi cơ quan KTNN cần xây dựng phương pháp tiếp cận đa chiều, phối hợp nhiều phương pháp, cách thức, tận dụng những phát triển của công nghệ tiên tiến hiện đại để nâng cao chất lượng và hiệu quả của hoạt động kiểm toán trong môi trường kết nối toàn cầu.
Huy Thắng