Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Quang cảnh hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Anh |
Bà Phạm Thị Thanh Việt, Trưởng phòng Vụ Pháp chế (Bộ LĐTB&XH) nêu ý kiến này tại hội nghị “Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tác động với Việt Nam” do Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội phối hợp với Dự án quản trị Nhà nước nhằm tăng trưởng toàn diện của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID GIG) tổ chức ngày 16-18/6 tại TP. Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu)
Theo bà Phạm Thị Thanh Việt, cải cách thể chế theo TPP phải thông qua việc cải cách về pháp luật lao động, gồm: Bộ luật Lao động, Luật Công đoàn, đồng thời, cải cách bộ máy tổ chức về lao động và nâng cao năng lực thực thi pháp luật lao động (cải cách bộ máy thanh tra lao động, chế tài bảo đảm việc thực thi…), bởi nếu thực thi không đầy đủ có thể dẫn đến việc tạm dừng được hưởng các ưu đãi trong thương mại.
Về vấn đề sở hữu trí tuệ (SHTT), ông Lê Ngọc Lâm, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH&CN) cho biết, với việc tham gia TPP cũng như các hiệp định thương mại tự do khác, Việt Nam tiếp tục hướng tới các chuẩn mực tiên tiến về bảo hộ của khu vực và thế giới, nhằm mục tiêu tạo ra một môi trường kinh doanh lành mạnh để thu hút sự đầu tư ổn định lâu dài của các DN.
Tuy nhiên, những cam kết về SHTT trong TPP đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt, đặc biệt là phải cải cách hệ thống pháp luật trong nước.
Chẳng hạn, riêng các cam kết về SHTT đã dẫn đến việc cần sửa đổi: Luật SHTT, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Hải quan, Luật Dược, Luật Công nghệ thông tin và nhiều văn bản dưới luật khác.
Ngoài ra, Việt Nam không chỉ đơn thuần phải sửa đổi các quy định pháp luật, mà còn phải thay đổi cơ cấu hệ thống pháp luật, cụ thể là phải chuyển dịch cơ chế phạt hành chính sang phạt hình sự đối với hàng loạt hành vi xâm phạm quyền SHTT.
Với khối lượng lớn các quy định cần điều chỉnh như vậy, việc sửa đổi đồng thời tất cả các bộ luật có liên quan đến quyền SHTT sẽ khó thực hiện được trong một thời gian ngắn. Vì thế, phương án ban hành một bộ luật sửa đổi các quy định có liên quan đến SHTT phù hợp với các cam kết của Việt Nam trong TPP có khả năng là lựa chọn khả thi hơn, được nhiều đại biểu đồng tình.
Bên cạnh đó, để hệ thống SHTT thật sự có hiệu quả theo các yêu cầu của TPP, các đại biểu cho rằng cần tiếp tục tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý Nhà nước cũng như các cơ quan thực thi quyền SHTT, thực hiện các chính sách kinh tế-xã hội nhằm ứng phó với tác động tiêu cực của chế độ bảo hộ SHTT ở mức cao, nâng cao nhận thức xã hội nói chung và nhận thức của DN nói riêng để có được môi trường kinh doanh lành mạnh, tôn trọng quyền SHTT để phát triển bền vững.
Lê Anh