Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Ảnh minh họa |
Từ đầu năm 2013, chỉ tính riêng trên Báo Điện tử Chính phủ, lãnh đạo Tổng cục Thống kê - từ khi TS. Đỗ Thức còn làm Tổng Cục trưởng cho tới Quyền Tổng Cục trưởng Nguyễn Bích Lâm hiện nay – đã ít nhất 5 lần lên tiếng phát ngôn, vừa chỉ ra và thừa nhận những bất cập trong công tác thống kê, vừa giải thích nguyên nhân, đồng thời lưu ý rằng mức độ chênh lệch của các chỉ tiêu không đến mức "một trời, một vực" như một số phát biểu.
Trên diễn đàn Quốc hội, tại kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2013), một số thành viên Chính phủ cũng đã trình bày rõ thêm về một số số liệu thống kê còn có sự khác biệt giữa các bộ, ngành hoặc chưa được dư luận đồng tình.
Việc dư luận lên tiếng về số liệu thống kê cũng không có gì khó hiểu và cơ quan chức năng có nghĩa vụ phải kiên trì giải thích. Nhưng cũng phải nhìn lại, ngay trong cách sử dụng số liệu thống kê của một số ý kiến phản biện cũng có những điểm chưa thật sòng phẳng.
Một ví dụ gần như “kinh điển” được dùng để chứng minh cho những bất cập trong số liệu thống kê là chênh lệch trong số liệu tăng trưởng GDP cả nước và số liệu của các địa phương.
Như trên đã nói, Tổng cục Thống kê không phủ nhận thực tế này và theo chính số liệu của Tổng cục, trong 2 năm 2010-2011, tốc độ tăng GDP của 63 tỉnh thành đều trên 2 con số trong khi của cả nước chỉ ở mức 6,42% và 6,24%. Không chỉ thừa nhận, ngành Thống kê đã liên tục đưa ra những giải pháp nhằm khắc phục, mà Đề án “Khắc phục chênh lệch số liệu GDP giữa Trung ương và địa phương” đã đạt nhiều kết quả cụ thể. Rõ ràng đây là cách nhìn nhận và ứng xử thẳng thắn, cầu thị.
Nhưng không chỉ có vậy. Như những ý kiến phản biện chỉ ra, chênh lệch số liệu trên đã chứng tỏ có những địa phương mắc “bệnh thành tích” một cách trầm kha. Nhưng ở chiều ngược lại nó cũng chứng tỏ rằng các số liệu thống kê về GDP ở cấp Trung ương không chạy theo thành tích. Nguyên tắc và phương pháp thống kê không cho phép cơ quan thống kê làm như vậy. Cần phê phán bệnh thành tích, nhưng cũng không nên quên đi cách làm việc nghiêm túc. Nói một cách hình tượng, khi màu đen đặt bên cạnh màu trắng, thì không chỉ có màu đen là nổi bật, nhưng dường như vẫn có những góc nhìn không thấy màu trắng.
Một mâu thuẫn khác chính trong nhiều trường hợp sử dụng số liệu thống kê, đó là tình trạng những số liệu phản ánh yếu kém thì thường rất được tin tưởng (nếu không tin hoàn toàn thì cũng thừa nhận số liệu phản ánh phần nào thực tế) trong khi những số liệu cho thấy điểm tích cực thì lại không được may mắn như vậy.
Có thể kể ra ngay không ít những số liệu ở trường hợp thứ nhất, trong quãng thời gian kinh tế gặp khó khăn vừa qua, như số doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản. Số liệu về lạm phát hình như sẽ luôn là khách quan trong thời kỳ lạm phát tăng vọt, nhưng đã không ít lần bị đặt dấu hỏi khi lạm phát được kiềm chế. Gần đây nhất, chưa thấy ý kiến nào đặt dấu hỏi về thông tin Bộ Tài chính thừa nhận nguy cơ hụt thu ngân sách năm 2013. Thông tin đó ngay lập tức được coi là khách quan.
Những hạn chế về năng lực thống kê đã được ngành Thống kê nhìn nhận và đang ra sức khắc phục, nhưng sự “chế biến” con số do áp lực thành tích không phải là phổ biến, và đó là điều không được chấp nhận ở cơ quan thống kê quốc gia. Dù cơ quan thống kê chưa trả được món nợ “đau đáu” kinh niên của mình, thì số liệu thống kê cũng xứng đáng được chúng ta đối xử công bằng và sòng phẳng hơn.
Kim Tuấn
Tin bài liên quan:
Đau đáu “món nợ” của người làm thống kê
Loại bỏ bệnh “thành tích” khi thống kê
Tổng cục trưởng Thống kê nói về con số GDP
Khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu thống kê tại địa phương
Nhiều chỉ tiêu thống kê quan trọng đạt chuẩn mực quốc tế
Số liệu thống kê có hệ thống và tin cậy được