Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo ông Tống Ngọc Hào tham khảo Điểm a Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư, nội dung thẩm định để nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm:
"a) Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt (nếu có)...".
Theo Điểm c Khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021, việc thẩm định sự phù hợp của dự án đầu tư với các quy hoạch được thực hiện như sau:
"c) Đối với quy hoạch đô thị, nội dung thẩm định phải có đánh giá về sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chi tiết (nếu có), quy hoạch phân khu (nếu có); trường hợp quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch chung".
Như vậy, theo Luật Đầu tư và Nghị định số 31/2021/NĐ-CP không có việc đánh giá để chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy hoạch xây dựng nông thôn.
Tuy nhiên, trong trường hợp đề xuất dự án thuộc khu vực nông thôn (ngoài quy hoạch đô thị) khi quy hoạch chung xây dựng xã chưa có định hướng quy hoạch đối với các khu đất đề xuất các dự án có quy mô lớn như dự án khu, cụm công nghiệp, nhà máy sản xuất,… nếu chấp thuận chủ trương đầu tư theo quy định pháp luật về đầu tư.
Theo đó có ý kiến cho rằng sẽ dẫn tới sự không đồng bộ với các đồ án quy hoạch chung xây dựng xã, không đủ điều kiện để lập quy hoạch chi tiết (đối với các dự án có quy mô sử dụng đất trên 5 ha). Vậy sẽ không khả thi trong quá trình triển khai sau này nên không chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ông Hào hỏi, quy định như vậy có phù hợp hay không?
Đối với quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2011-2020, đến nay đã hết thời kỳ quy hoạch, nhưng cơ quan Nhà nước chưa cập nhật, điều chỉnh quy hoạch cho giai đoạn 2021-2030 (để điều chỉnh quy hoạch năm 2011-2020). Vậy, quy hoạch chung xây dựng xã giai đoạn 2011-2020 còn hiệu lực tại thời điểm này hay không?
Đối với trường hợp chấm dứt hoạt động đầu tư, dự án đầu tư khi hết thời hạn hoạt động dự án theo quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 48 Luật Đầu tư, nhà đầu tư phải có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt theo quy định.
Tuy nhiên, có một số dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước đã hết thời gian hoạt động, nhưng nhà đầu tư không tự chủ động thực hiện thủ tục chấm dứt dự án. Đối chiếu quy định tại Khoản 4 Điều 57 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP, việc thực hiện thủ tục chấm dứt dự án được thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư.
Nhưng tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư không quy định cơ quan nhà nước quyết định chấm dứt hoạt động dự án trong trường hợp dự án đầu tư hết thời hạn hoạt động dự án và nhà đầu tư không tự chấm dứt. Trường hợp thực hiện theo một trong các trình tự tại Khoản 2 Điều 48 Luật Đầu tư sẽ dẫn đến vướng mắc trong việc kéo dài thực hiện thủ tục hành chính và quá trình thực hiện tương đối phức tạp.
Ông Hào đề nghị cơ quan chức năng hướng dẫn đối với trường hợp cơ quan quản lý nhà nước chấm dứt dự án đầu tư do dự án hết thời hạn hoạt động nhưng nhà đầu tư không tự thực hiện chấm dứt dự án.
Ngoài ra, có hướng dẫn đối với trường hợp chấm dứt hoạt động dự án do nhà đầu tư là tổ chức nhưng đã giải thể hoặc phá sản theo pháp luật về doanh nghiệp.
Hướng dẫn về trình tự, thủ tục thực hiện cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (dự án thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai), được lựa chọn nhà đầu tư theo quy định tại Khoản 4 Điều 29 Luật Đầu tư.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời vấn đề này như sau:
Theo quy định tại Điểm a Khoản 3 Điều 33 Luật Đầu tư: "Nội dung thẩm định đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư bao gồm: Đánh giá sự phù hợp của dự án đầu tư với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh, quy hoạch đô thị và quy hoạch đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (nếu có);".
Theo quy định tại Khoản 8 Điều 3 Luật Quy hoạch, quy hoạch tỉnh là quy hoạch cụ thể hóa quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng ở cấp tỉnh về không gian các hoạt động kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, hệ thống đô thị và phân bố dân cư nông thôn, kết cấu hạ tầng, phân bố đất đai, sử dụng tài nguyên và bảo vệ môi trường trên cơ sở kết nối quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn.
Theo quy định của Luật Xây dựng (văn bản hợp nhất số 02/VBHN-VPQH ngày 15/7/2020), quy hoạch nông thôn gồm: Quy hoạch chung xây dựng được lập cho toàn bộ ranh giới hành chính của xã và quy hoạch chi tiết xây dựng được lập cho điểm dân cư nông thôn.
Theo quy định tại Khoản 4 Điều 6 Luật Quy hoạch, quy hoạch nông thôn phải phải phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội thì quy hoạch nông thôn được phép lập đồng thời với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh; trường hợp có nội dung mâu thuẫn thì quy hoạch nông thôn phải điều chỉnh theo quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Như vậy, nội dung quy hoạch tỉnh đã bao gồm nội dung về quy hoạch nông thôn. Trường hợp dự án đầu tư năm ngoài quy hoạch đô thị mà phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh nhưng không có trong quy hoạch chung xây dựng xã thì phải điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng xã bảo đảm phù hợp với quy hoạch cấp cao hơn.
Về thời kỳ quy hoạch, đề nghị nghiên cứu thực hiện theo quy định chuyển tiếp nêu tại Khoản 7 Điều 31 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP và Điểm a Khoản 1 Điều 2 Nghị quyết số 61/2022/QH15 ngày 16/6/2022 của Quốc hội.
Căn cứ Khoản 4 Điều 57 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, trường hợp nhà đầu tư không thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều này, cơ quan đăng ký đầu tư thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư theo quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều này.
Theo đó, cơ quan đăng ký đầu tư quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư, đồng thời thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư. Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư chấm dứt hiệu lực kể từ ngày quyết định chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư có hiệu lực.
Việc chấm dứt hoạt động của dự án đầu tư được quy định tại Điều 48 Luật Đầu tư và Điều 57 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.
Ngoài ra, việc thanh lý tài sản bao gồm cả dự án đầu tư thực hiện theo quy định tại các Điều 208, Điều 209 Luật Doanh nghiệp. Đề nghị doanh nghiệp nghiên cứu từng trường hợp chấm dứt hoạt động của dự án theo các quy định nêu trên để có cơ sở thực hiện cho phù hợp.
Đối với trình tự, thủ tục thực hiện cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư (dự án thu hồi đất theo Điều 62 Luật Đất đai) đề nghị nhà đầu tư trao đổi, liên hệ với Bộ Tài nguyên và Môi trường để được hướng dẫn theo thẩm quyền.
Chinhphu.vn