Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ, hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay đã trở thành xu hướng song trùng phát triển tất yếu, tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn, thách thức.
Để phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số đòi hỏi các địa phương cần phải có các giải pháp căn cơ, tính toán lộ trình và các bước thật nhanh nhưng thận trọng, vững vàng trên cả 3 phương diện: kinh tế, xã hội và môi trường, đồng thời cần đảm bảo sự ổn định, từ đó mới tạo đà cho sự phát triển của địa phương, vùng hay quốc gia.
Với Tây Ninh, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng, hơn nửa nhiệm kỳ 2020-2025, kinh tế của tỉnh vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng dương, riêng năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, cho thấy đây là điểm sáng quan trọng trong bối cảnh khó khăn chung của thế giới và Việt Nam.
Bên cạnh tốc độ tăng trưởng, cơ cấu kinh tế của tỉnh đang chuyển dịch đúng hướng, tăng tỉ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và ngành dịch vụ trong GRDP. Công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm 36% trong GRDP, tiếp tục đóng vai trò chủ lực dẫn dắt tăng trưởng kinh tế của Tây Ninh.
Du lịch tăng trưởng và phát triển nhanh, tạo ấn tượng mạnh mẽ, đặc biệt là khu du lịch quốc gia núi Bà Đen được đầu tư, tạo sản phẩm du lịch tâm linh đặc sắc, trở thành trung tâm dẫn dắt, lan tỏa kết nối chuỗi giá trị du lịch địa phương và đang trở thành điểm đến du lịch hấp dẫn, đẳng cấp mang tầm quốc gia.
Một điểm đáng ghi nhận nữa của tỉnh Tây Ninh trong nửa nhiệm kỳ qua là thu hút đầu tư với 167 dự án mới và 114 dự án điều chỉnh vốn. Tổng vốn thu hút đầu tư đạt gần 38.000 tỷ đồng và hơn 2 tỷ USD.
Dự án cao tốc TPHCM - Mộc Bài cùng với vị trí địa kinh tế, chính trị, an ninh và quốc phòng quan trọng đang tạo ra cho Tây Ninh cơ hội trong phát triển một cách nhanh, bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay.
Chuyên gia Nguyễn Thanh Lợi đến từ Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương TPHCM đánh giá Tây Ninh có thế mạnh về du lịch tâm linh với hai điểm tham quan quan trọng là núi Bà Đen và Tòa thánh Tây Ninh. Cùng với đó là rất nhiều di sản khác cũng liên quan đến tín ngưỡng, tôn giáo như như chùa Phước Lưu, nhà thờ Tha La, đình Gia Lộc, đền thờ Đặng Văn Trước, các chùa Khmer, nhà cổ… gần như chưa được khai thác.
Ngoài ra, những di sản phi vật thể như các lễ hội Cao Đài, múa trống Chhay dăm, hát bóng rỗi, lễ hội Khmer, nghề làm bánh tráng… cũng cần đầu tư khai thác, vừa bảo tồn di sản, vừa phát huy giá trị kinh tế trong du lịch.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Lợi cũng đề cập vấn đề phát triển du lịch cần tôn trọng văn hóa bản địa, đặc biệt những vấn đề đã ăn sâu vào tâm thức địa phương. Hay như di sản vật thể thường được quan tâm khai thác hơn di sản phi vật thể trong hoạt động du lịch, và điều này này cần được thay đổi.
Cùng góc nhìn về du lịch, TS. Nguyễn Danh Nam, Trường Đại học Công nghệ Đông Á cho rằng, mặc du Tây Ninh có nhiều lợi thế về du lịch, nhất là du lịch tâm linh nhưng hiện mới chỉ có một vài điểm như núi Bà Đen, Căn cứ Trung ương Cục miền Nam và Toà thánh Tây Ninh thu hút được du khách. Do đó, du lịch thực tế ảo chính là giải pháp tốt cho Tây Ninh quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch hiệu quả trong bối cảnh chuyển đổi số.
Theo TS. Nguyễn Danh Nam, du lịch thực tế ảo là một trong những yếu tố quan trọng tạo nên du lịch 4.0, mở ra một hướng đi mới cho ngành du lịch Việt Nam nói chung và ngành du lịch Tây Ninh nói riêng trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số mạnh mẽ hiện nay.
Du lịch thực tế ảo không chỉ góp phần tạo nên sự kết nối linh hoạt với khách hàng, tăng cường truyền thông, xúc tiến quảng bá và có hiệu ứng lan toả tốt trong giáo dục thế hệ trẻ khắc ghi các giá trị văn hoá, lịch sử của quê hương Tây Ninh mà còn phù hợp với xu hướng phát triển của thế giới hiện nay.
Tuy nhiên, để loại hình này phát triển trong tương lai, đòi hỏi sự đầu tư lớn cả về thời gian, nhân lực và vật lực của tỉnh Tây Ninh nhưng hứa hẹn sẽ tạo ra "cú huých" mạnh mẽ để du lịch Tây Ninh phát triển bền vững trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
PGS.TS Vũ Tuấn Hưng cho rằng Tây Ninh sớm xác định mục tiêu đến năm 2030 trở thành tỉnh giàu đẹp, văn minh và là địa điểm có môi trường sống tốt bậc nhất khu vực. Nỗ lực đánh thức mọi tiềm năng phát triển nhưng cần có các giải pháp toàn diện để phát triển bền vững, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế và chuyển đổi số hiện nay cần có phương thức, cách làm mới, sáng tạo để vượt qua các thách thức và rào cản.
Theo đó, phải đi vào các vấn đề thực chất và tính toán các chính sách, cơ chế có tầm vĩ mô nhưng phải rất cụ thể, khả thi để giải quyết các điểm nghẽn mà Tây Ninh đang gặp phải. Đặc biệt, chính sách cần hài hòa, tạo ra sự lan tỏa, thúc đẩy hành động của bộ máy chính quyền, doanh nghiêp và người dân.
Cần có kế hoạch phát triển kinh tế biên mậu gắn với các cửa khẩu lớn kết nối với Campuchia, Thái Lan, Lào và các nước Đông Nam Á. Thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng kết nối, với tuyến cao tốc TPHCM - Mộc Bài, con đường xuyên Á, tạo thành trung tâm biên mậu lớn gắn với cực tăng trưởng vùng Nam Bộ là TPHCM, thúc đẩy, kích hoạt nguồn lực và tạo sự lan tỏa cho vùng Đông Nam Bộ, đưa Tây Ninh thành trung tâm của kinh tế biên mậu của vùng Đông Nam Bộ cũng như vùng trọng điểm kinh tế phía Nam.
Ngoài ra, cùng với hoàn thiện chỉnh thể cơ sở hạ tầng giao thông, hạ tầng kết nối liên kết vùng, cần đặc biệt quan tâm hạ tầng số, giải pháp đột phá thúc đẩy sự phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số hiệu quả.
"Hội nhập quốc tế, chuyển đổi số đang trở thành một bối cảnh lớn, có tác động đến nhiều mặt của đời sống kinh tế, xã hội của các địa phương. Bối cảnh trên tạo ra các cơ hội nhưng cũng nhiều nguy cơ, thách thức đòi hỏi Tây Ninh cần minh định và chủ động trong quá trình phát triển để đảm bảo mục tiêu phát triển nhanh, bền vững", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nhấn mạnh.
Mạnh Hùng