Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo phản ánh của ông Lê Hồng Bảo (Sóc Trăng), trạm BOT Sóc Trăng quy định, xe loại 4 là xe có tải trọng từ 10 tấn đến dưới 18 tấn, xe chở hàng bằng container 20 fit. Xe loại 5 là xe có tải trọng từ 18 tấn trở lên, xe chở hàng bằng container 40 fit.
Ông Bảo hỏi, vậy xe đầu kéo kéo theo sơ mi rơ moóc (chở xe) thì sẽ căn cứ vào thông tin nào trong sổ đăng kiểm để thu phí? Có phải tính cả đầu kéo và sơ mi rơ moóc cộng lại không, hay chỉ căn cứ vào sổ đăng kiểm của chỉ sơ mi rơ moóc là chính?
Sơ mi rơ moóc tải (chở xe hoặc chở bồn, chở tex…) có phải được hiểu là xe chuyên dụng không? Nếu là xe chuyên dụng thì sẽ được thu phí theo thông tin nào từ sổ đăng kiểm?
Về vấn đề này, Bộ Giao thông vận tải trả lời như sau:
Theo quy định tại Điểm b Phụ lục I Biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt ban hành kèm theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT ngày 15/11/2016 của Bộ Giao thông vận tải: Mức thu đối với xe chở hàng bằng container (bao gồm cả đầu kéo moóc chuyên dùng) áp dụng mức thu theo trọng lượng toàn bộ của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng.
Theo Tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 6211:2003 về Phương tiện giao thông đường bộ - Kiểu – Thuật ngữ và định nghĩa đã định nghĩa: Rơ moóc và sơ mi rơ moóc là loại phương tiện giao thông đường bộ không có động cơ, có kết cấu và trang bị dùng để chở người hoặc hàng hóa và được kéo bởi một ô tô; Tổ hợp ô tô – rơ moóc là sự kết hợp của một ô tô với một hoặc nhiều rơ moóc độc lập, được nối với nhau bằng thanh kéo. Đối với mỗi rơ moóc được kéo theo có giấy chứng nhận đăng ký, giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường riêng và có ghi tải trọng của từng phương tiện.
Theo quy định tại Khoản 18 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ về phương tiện giao thông cơ giới đường bộ: “Phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (sau đây gọi là xe cơ giới) gồm xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; xe mô tô hai bánh; xe mô tô ba bánh; xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự”.
Theo quy định tại Khoản 20 Điều 3 Luật Giao thông đường bộ: “Xe máy chuyên dùng gồm xe máy thi công, xe máy nông nghiệp, lâm nghiệp và các loại xe đặc chủng khác sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh có tham gia giao thông đường bộ”.
Như vậy, sơ mi rơ moóc không được hiểu là xe máy chuyên dụng. Sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo là phương tiện giao thông cơ giới đường bộ.
Sơ mi rơ moóc được kéo bởi đầu kéo được tính phí theo quy định tại Điểm b Phụ lục I Biểu giá tối đa cho dịch vụ sử dụng đường bộ theo lượt ban hành kèm theo Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT: Mức thu đối với xe chở hàng bằng container (bao gồm cả đầu kéo moóc chuyên dùng) áp dụng mức thu theo trọng lượng toàn bộ của xe, không phân biệt có chở hàng hay không chở hàng.
Sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô khi đi qua trạm thu phí thì cả ô tô và rơ moóc kéo theo đều thuộc đối tượng chịu phải thanh toán tiền dịch vụ sử dụng đường bộ và mức thu căn cứ theo tải trọng của từng phương tiện theo quy định.