• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần khôi phục lại phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc “thiện chí, trung thực”

(Chinhphu.vn) - “Thiện chí, trung thực” là nguyên tắc được ghi nhận trong nhiều hệ thống pháp luật trên thế giới (có nhiều hệ thống pháp luật không tách trung thực ra khỏi thiện chí mà coi “thiện chí” bao hàm cả “trung thực”). PGS.TS. Đỗ Văn Đại, Trưởng Khoa Luật dân sự-ĐH Luật TPHCM góp ý về vấn đề này đối với Dự thảo Bộ luật Dân sự đang được lấy ý kiến nhân dân.

12/01/2015 09:14
Ở Việt Nam, Bộ luật Dân sự (BLDS) năm 1995 đã chính thức được ghi nhận nguyên tắc “thiện chí, trung thực” tại Điều 9, theo đó “trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực, không chỉ quan tâm, chăm lo đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình mà còn phải tôn trọng, quan tâm đến lợi ích của Nhà nước, lợi ích công cộng, quyền, lợi ích hợp pháp của người khác, giúp đỡ, tạo điều kiện cho nhau thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào; nếu một bên cho rằng bên kia không trung thực thì phải có chứng cứ”.

Nguyên tắc này tiếp tục được duy trì trong BLDS năm 2005 với nội hàm thay đổi so với BLDS năm 1995 tại Điều 6. Dự thảo sửa đổi BLDS đang lấy ý kiến toàn dân có nội dung thay đổi Điều 6 BLDS năm 2005 nhưng xét từ góc độ thực tiễn cũng như góc độ so sánh cần quan niệm nguyên tắc trên thuyết phục hơn.

Sự thay đổi trong Dự thảo sửa đổi BLDS

So với BLDS năm 1995, BLDS năm 2005 đã nâng vị trí của nguyên tắc thiện chí, trung thực. Trước đây nguyên tắc này chỉ ở vị trí của Điều 9, tức đứng thứ 9 trong các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự. Đến BLDS năm 2005, các nguyên tắc cơ bản được quy định tại Điều 4 đến Điều 13 và thiện chí, trung thực là nguyên tắc được quy định tại Điều 6. Điều đó có nghĩa là, nguyên tắc thiện chí, trung thực đứng tầm quan trọng thứ ba trong các nguyên tắc cơ bản chỉ sau “Nguyên tắc tự do, tự nguyện cam kết, thoả thuận” tại Điều 4 và “Nguyên tắc bình đẳng” tại Điều 5. Trong Dự thảo sửa đổi, thiện chí, trung thực tiếp tục đứng sau hai nguyên tắc này.

Nguyên tắc thiện chí, trung thực trong BLDS năm 2005 đã được rút gọn so với BLDS năm 1995. Điều 6 quy định “trong quan hệ dân sự, các bên phải thiện chí, trung thực trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, không bên nào được lừa dối bên nào”. Nếu ở BLDS năm 1995, chúng ta chưa thấy khẳng định rõ nét phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc thiện chí, trung thực thì ở BLDS năm 2005, phạm vi điều chỉnh của nguyên tắc này được thể hiện rõ nét hơn. Đó là các bên phải thiện chí, trung thực “trong việc xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự”. Điều đó có nghĩa là nguyên tắc này không chỉ áp dụng trong việc “thực hiện” mà còn cả trong việc “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự.

Về phạm vi áp dụng, nguyên tắc trên đã có sự thay đổi trong Dự thảo BLDS và Điều 5 của Dự thảo về nguyên tắc thiện chí, trung thực theo hướng “khi tham gia quan hệ dân sự, cá nhân, pháp nhân phải thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình một cách thiện chí, trung thực. Không ai được giành lợi thế cho mình từ hành vi trái pháp luật hoặc từ việc ứng xử không thiện chí, không trung thực”.

Nguyên tắc này trong Dự thảo đã có nhiều thay đổi so với BLDS năm 2005 và ở đây chúng tôi chỉ quan tâm tới phạm vi áp dụng.

Nếu trong BLDS hiện hành, nguyên tắc thiện chí, trung thực được áp dụng không chỉ cho “thực hiện” mà còn cho cả “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự thì Dự thảo BLDS thu hẹp lại phạm vi điều chỉnh vì nguyên tắc này, theo đó, chỉ còn áp dụng cho giai đoạn “thực hiện” quyền, nghĩa vụ dân sự.

Lý do cần khôi phục lại nguyên tắc “thiện chí, trung thực”

a/Từ góc độ thực tiễn

Trong thực tiễn xét xử, không hiếm trường hợp Tòa án phải khai thác nguyên tắc thiện chí, trung thực để giải quyết những vẫn đề liên quan đến giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự. Điều đó có nghĩa là so với nhu cầu của thực tiễn, việc Dự thảo bỏ nguyên tắc thiện chí, trung thực ra khỏi giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự là chưa thuyết phục. Để hiểu rõ hơn, chúng ta cùng xem xét một tình huống đã được Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao giải quyết ở cấp Giám đốc thẩm (về vụ việc này (xem thêm Đỗ Văn Đại, Luật Hợp đồng Việt Nam – Bản án và bình luận bản án, NXB Chính trị quốc gia 2013, tái bản lần thứ tư, Bản án số 12-14).

Vụ việc: “Ông Thạnh đến nhà bà Hương xem giấy tờ nhà phô-tô và đồng ý mua căn nhà 150A Lạc Long Quân với giá 380 lượng vàng SJC và đặt cọc 20.000 USD. Hai bên đã ký “Giấy thỏa thuận mua bán nhà” viết tay trong đó có nội dung: “Nếu nhà bị giải tỏa và quy hoạch thì bên bán trả lại tiền cọc cho bên mua. Nếu vì lý do nào đó bên bán không bán nữa sẽ trả lại 40.000 USD, bên mua không mua nữa sẽ mất cọc”. Sau đó, ông Thạnh đến xem giấy tờ gốc của nhà 150A Lạc Long Quân và hai bên đã ký lại vào “Giấy thỏa thuận mua bán nhà” đánh vi tính, do bà Hương thảo lại trên cơ sở nội dung của “Giấy thỏa thuận mua bán nhà” viết tay ký hôm trước. Khi ông Thạnh đi hỏi các cơ quan có thẩm quyền mới biết nhà bà Hương bị giải tỏa 1/3 nhà nên hai bên phát sinh tranh chấp”.

Áp dụng nguyên tắc thiện chí: Theo Tòa án nhân dân tối cao, “mặc dù đã trao đổi miệng, bà Hương nói nhà không bị giải tỏa, nhưng ông Thạnh thừa nhận có xem xét giấy tờ nhà phô-tô xong mới đặt cọc, mà tại giấy tờ nhà có tài liệu “Họa đồ đính kèm ngày 13/10/1989” và “Giấy phép mua bán nhà ngày 1/11/1989” đều ghi: “Phần diện tích 31,98m2 chiếm lộ giới không cho mua bán, chủ nhà tự tháo dỡ khi có quy hoạch chung của Nhà nước”.

Như vậy giấy tờ nhà đã thể hiện có một phần diện tích nằm trong lộ giới sẽ bị giải tỏa, nhưng ông Thạnh không xem kỹ giấy tờ đã đặt cọc mua bán toàn bộ nhà là có lỗi trong việc ông xin hủy hợp đồng. Về phía bà Hương thì chỉ đưa giấy tờ nhà cho ông Thạnh xem mà không nói rõ nhà sẽ bị giải tỏa một phần là chưa thiện chí. Từ đó, Tòa án kết luận, “bà Hương có lỗi một phần trong việc ông Thạnh xin hủy hợp đồng”. Như vậy, ứng xử của bà Hương (bên bán) đã được Tòa án xác định là “chưa thiện chí” và việc này tồn tại ở thời điểm xác lập hợp đồng (tức xác lập quyền, nghĩa vụ giữa các bên). Do đó, nếu chúng ta bỏ nguyên tắc thiện chí như Dự thảo hiện nay, chúng ta không có cơ sở vững chắc để Tòa án xử lý những trường hợp như của bà Hương nêu trên.

Áp dụng nguyên tắc trung thực: Vẫn trong vụ việc trên, theo Tòa dân sự Tòa án nhân dân tối cao, “bà Hương cho rằng, giấy thỏa thuận mua bán nhà đánh vi tính đã ghi: Nếu nhà bị quy hoạch giải tỏa trắng thì bà mới trả tiền cọc. Xét thấy khi thỏa thuận ngày 20/3/2002 giấy viết tay chỉ ghi nếu nhà bị “giải tỏa và quy hoạch” thì bên bán sẽ trả lại tiền cọc. Điều đó chứng tỏ ý thức người mua là nếu nhà cứ bị giải tỏa là sẽ không mua. Nhưng trong giấy thỏa thuận đánh vi tính do bà Hương thảo lại ghi: Nhà bị “quy hoạch giải tỏa trắng” thì bên bán sẽ trả lại tiền cọc cho bên mua, nghĩa là giải tỏa toàn bộ thì người mua mới được trả lại tiền cọc.

Đây là nội dung thay đổi cơ bản bất lợi cho bên mua, nhưng lại không được đưa ra thỏa thuận lại một cách nghiêm túc trước khi ký mà ý thức của bà Hương là cứ viết vào văn bản, nếu ông Thạnh phát hiện ra thì không ký, nếu ông Thạnh không phát hiện ra cứ ký thì bà Hương có lợi. Điều đó chứng tỏ ý thức của bà Hương khi thiết lập lại hợp đồng là không trung thực, nên có lỗi một phần trong việc ông Thạnh không tiếp tục thực hiện hợp đồng.

Như vậy, nguyên tắc trung thực cũng đã được Tòa án khai thác để giải quyết vấn đề liên quan đến xác lập hợp đồng (tức xác lập quyền, nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng). Do đó, việc Dự thảo bỏ nguyên tắc trung thực trong giai đoạn “xác lập” quyền, nghĩa vụ dân sự là chưa thuyết phục từ góc độ thực tiễn.

b/Từ góc độ so sánh

Nghiên cứu pháp luật quốc gia của các nước theo hệ thống pháp luật thành văn như chúng ta cho thấy hướng bỏ việc áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thực ở giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự là chưa thuyết phục.

Ví dụ, ở Pháp, Bộ luật Dân sự năm 1804 (vẫn được gọi là Bộ luật Dân sự Napoléon) quy định các giao dịch được giao kết hợp pháp “phải được thực hiện một cách thiện chí” (Điều 1134). Quy định này chỉ đề cập tới “thiện chí” (theo nghĩa bao gồm cả trung thực) ở giai đoạn “thực hiện” mà không nói đến “thiện chí” trong giai đoạn “xác lập” giao dịch. Tuy nhiên, trước sự phức tạp của quan hệ dân sự, án lệ đã bổ sung theo hướng việc giao kết (xác lập) giao dịch cũng phải được tiến hành “một cách thiện chí”. Pháp đang tiến hành sửa đổi pháp luật hợp đồng và, trong Dự thảo sửa đổi năm 2012, Điều 1134 trên được sửa đổi theo hướng “hợp đồng phải được giao kết và thực hiện một cách thiện chí”. Như vậy, so với BLDS năm 1804, Dự thảo sửa đổi BLDS Pháp đã kế thừa án lệ và bổ sung việc áp dụng thiện chí cho cả giai đoạn hình thành hợp đồng (bên cạnh việc áp dụng truyền thống cho giai đoạn thực hiện). Điều đó cho thấy Pháp đang chưa có quy định minh thị cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí (bao hàm cả trung thực) vào giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự và án lệ cũng như các nhà lập pháp đã và đang cố gắng bổ sung thiện chí cho cả giải đoạn này. Ngược lại, chúng ta đang có quy định minh thị cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thực cho cả giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự nhưng Dự thảo đã bỏ quy định này.

Ở châu Âu, hiện nay có một Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng. Trong Bộ nguyên tắc này, thiện chí (theo nghĩa rộng bao gồm cả trung thực) cũng rất được quan tâm. Nguyên tắc này được đưa vào phần chung của Bộ nguyên tắc tại Điều 1:201 theo đó “mỗi bên phải ứng xử phù hợp với các yêu cầu của thiện chí. Các bên không thể loại bỏ cũng như hạn chế nghĩa vụ thiện chí này”. Đây là quy định chung trong phần chung nên áp dụng cho toàn bộ quan hệ hợp đồng, từ giai đoạn xác lập hợp đồng đến giai đoạn thực hiện hợp đồng và các nhà làm luật còn khẳng định các bên không được thỏa thuận hạn chế hay loại trừ nghĩa vụ thiện chí.

Trên cơ sở nguyên cứu so sánh các văn bản quốc tế (cộng đồng châu Âu, Công ước Viên về mua bán hàng hóa quốc tế, Bộ nguyên tắc châu Âu về hợp đồng…) cũng như nhiều hệ thống pháp luật quốc gia (Đức, Hà Lan, Pháp…), một công trình được công bố năm 2008 của một nhóm chuyên gia đã đề xuất một quy định trong phần chung về pháp luật hợp đồng với nội dung như sau: “Mỗi bên phải ứng xử phù hợp với yêu cầu của thiện chí, từ khi thương lượng hợp đồng đến khi thực hiện toàn bộ hệ quả pháp lý của hợp đồng. Các bên không thể loại bỏ hay giới hạn nghĩa vụ thiện chí này” (xem Projet de cadre commun de référence-Principes contractuels communs, Nxb. Société de législation comparée 2008, tr.158). Đề xuất này làm rõ phạm vi áp dụng nguyên tắc thiện chí (theo nghĩa bao hàm cả trung thực) từ khi các bên bắt đầu có ý định xác lập hợp đồng đến khi thực hiện xong các quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng.

Điều đó cho thấy thế giới muốn vận dụng cho giai đoạn xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự cũng giống như văn bản hiện hành của Việt Nam (đang vận dụng cho cả xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự) nhưng Dự thảo sửa đổi BLDS lại bỏ nguyên tắc này cho giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

Quy định trong BLDS hiện hành đang cho phép áp dụng nguyên tắc thiện chí, trung thực không chỉ cho giai đoạn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự mà còn cả cho giai đoạn xác lập chúng. Tuy nhiên, Dự thảo sửa đổi BLDS lại theo hướng bỏ việc vận dụng nguyên tắc này cho giai đoạn xác lập quyền và nghĩa vụ dân sự. Điều này không còn phù hợp với xu hướng đương đại vì nguyên tắc trên rất cần thiết cho giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự.

BLDS năm 2005 đã phát huy tác dụng trong đời sống dân sự và khi muốn bỏ một quy định nào đó (trong đó có quy định về thiện chí, trung thực trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự) thì nhà làm luật cần quan tâm tới hai vấn đề cơ bản sau: Vì sao cần bỏ quy định? Nếu bỏ thì các hoàn cảnh được quy định trước đây điều chỉnh sẽ được điều chỉnh như thế nào? Nếu không trả lời được hai câu hỏi trên một cách thuyết phục thì không nên bỏ quy định.

So với giai đoạn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự, BLDS của chúng ta (và cả pháp luật các nước trên thế giới nói chung) có quá ít quy định trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự. Do đó, cần có một nguyên tắc bao trùm là “thiện chí, trung thực” để điều chỉnh khi thiếu quy định cụ thể cho những hoàn cảnh cụ thể ở giai đoạn xác lập, thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự (như trường hợp của bà Hương nêu trên). Cộng với xu hướng trên thế giới đã được trình bày ở trên, chúng tôi đề nghị khôi phục lại nguyên tắc thiện chí, trung thực trong giai đoạn xác lập quyền, nghĩa vụ dân sự bên cạnh quy định hiện nay trong Dự thảo về giai đoạn thực hiện quyền, nghĩa vụ dân sự đã có trong BLDS hiện hành.

PGS.TS. Đỗ Văn Đại

Trưởng Khoa Luật Dân sự-ĐH Luật TPHCM

(nguyên giảng viên Trường ĐH Paris 13, CH Pháp)