• An Giang
  • Bình Dương
  • Bình Phước
  • Bình Thuận
  • Bình Định
  • Bạc Liêu
  • Bắc Giang
  • Bắc Kạn
  • Bắc Ninh
  • Bến Tre
  • Cao Bằng
  • Cà Mau
  • Cần Thơ
  • Điện Biên
  • Đà Nẵng
  • Đà Lạt
  • Đắk Lắk
  • Đắk Nông
  • Đồng Nai
  • Đồng Tháp
  • Gia Lai
  • Hà Nội
  • Hồ Chí Minh
  • Hà Giang
  • Hà Nam
  • Hà Tây
  • Hà Tĩnh
  • Hòa Bình
  • Hưng Yên
  • Hải Dương
  • Hải Phòng
  • Hậu Giang
  • Khánh Hòa
  • Kiên Giang
  • Kon Tum
  • Lai Châu
  • Long An
  • Lào Cai
  • Lâm Đồng
  • Lạng Sơn
  • Nam Định
  • Nghệ An
  • Ninh Bình
  • Ninh Thuận
  • Phú Thọ
  • Phú Yên
  • Quảng Bình
  • Quảng Nam
  • Quảng Ngãi
  • Quảng Ninh
  • Quảng Trị
  • Sóc Trăng
  • Sơn La
  • Thanh Hóa
  • Thái Bình
  • Thái Nguyên
  • Thừa Thiên Huế
  • Tiền Giang
  • Trà Vinh
  • Tuyên Quang
  • Tây Ninh
  • Vĩnh Long
  • Vĩnh Phúc
  • Vũng Tàu
  • Yên Bái

Cần làm rõ tội “Xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”

(Chinhphu.vn) – So với quy định hiện hành, Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) chỉ điều chỉnh về hình phạt đối với tội xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp, còn dấu hiệu pháp lý vẫn giữ nguyên. Nếu quy định như vậy thì việc áp dụng thực tế để giải quyết các vụ án sẽ gặp một số khó khăn.

03/08/2015 14:16

Quyền sở hữu công nghiệp (SHCN) là quyền của tổ chức, cá nhân đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền SHCN là một trong những quyền quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ. Để bảo vệ quyền SHCN, Điều 224 của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã quy định như sau:

“1. Người nào cố ý xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý đang được bảo hộ tại Việt Nam với quy mô thương mại, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 1.000.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 05 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Có tổ chức;

b) Phạm tội từ 02 lần trở lên.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm”.

So với quy định hiện hành thì Dự thảo chỉ sửa đổi về hình phạt được áp dụng, còn về dấu hiệu pháp lý vẫn giữ nguyên. Với quy định này thì thực tế áp dụng để giải quyết các vụ án đã, đang và sẽ gặp một số khó khăn.

Cần bổ sung đối tượng áp dụng biện pháp hình sự

Dự thảo chỉ quy định hành vi xâm phạm quyền SHCN đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Tuy nhiên, theo khái niệm tại khoản 4, Điều 4 của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 thì nội hàm của quyền SHCN còn bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, tên thương mại và bí mật kinh doanh.

Sáng chế, bí mật kinh doanh là những đối tượng rất quan trọng của quyền SHCN, bởi vì các hành vi xâm hại cũng có thể gây ra những hậu quả rất lớn đối với chủ thể quyền sáng chế hoặc bí mật kinh doanh, nhưng vẫn chưa được Bộ luật Hình sự bảo vệ.

Để khắc phục những hạn chế đối với quy định về tội xâm phạm quyền SHCN, cần bổ sung Điều 224 của Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đối tượng của quyền SHCN là sáng chế và bí mật kinh doanh.

Như vậy, đối tượng quyền SHCN của tội phạm này sẽ gồm có nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế và bí mật kinh doanh.

Quy định này nhằm mục đích bảo hộ đầy đủ và phù hợp hơn đối với các đối tượng thuộc quyền SHCN trước các hành vi xâm phạm bị coi là tội phạm.

Xác định rõ hành vi xâm phạm quyền SHCN

Quy định về biện pháp hình sự đối với hành vi xâm phạm quyền SHCN trong Dự thảo hoàn toàn giống với Điều 171 của Bộ luật Hình sự hiện hành, nhưng khi áp dụng để giải quyết thì gặp nhiều khó khăn trong việc xác định hành vi đó là “xâm phạm quyền” hay “giả mạo” nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Hiện nay, Thông tư  01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP ngày 29/2/2008 hướng dẫn việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với các hành vi “xâm phạm quyền” SHCN là văn bản duy nhất hướng dẫn vấn đề này và chỉ hướng dẫn áp dụng biện pháp hình sự đối với hàng hoá giả nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Theo quy định của điều luật trong dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), liệu xâm phạm quyền SHCN ở đây chỉ bao gồm hàng hóa giả mạo nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý hay cả hàng hóa xâm phạm quyền nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý. Bởi theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi năm 2009 thì “giả mạo” nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý chỉ là một trường hợp của “xâm phạm quyền” đối với nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Như vậy, sau khi Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có hiệu lực, phải có văn bản hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi “xâm phạm quyền” nhãn hiệu hoặc chỉ dẫn địa lý.

Nên quy định thống nhất cách hiểu thuật ngữ “Quy mô thương mại”  

Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 có quy định đối với hành vi cố ý, vì mục đích kinh doanh mà sản xuất, buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu ở mức độ từ nghiêm trọng trở lên hoặc đã bị xử lý hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xoá án tích thì sẽ bị áp dụng biện pháp hình sự.

Đến năm 2009, Quốc hội đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, trong đó, tội xâm phạm quyền SHCN được sửa lại, cụm từ “vì mục đích kinh doanh” được thay bằng “với quy mô thương mại” và bỏ điều kiện là hành vi đó ở tình trạng “gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này”, trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) cũng giữ nguyên quy định này.

Hiện nay, thuật ngữ “quy mô thương mại” được hiểu theo nhiều cách khác nhau. Có quan điểm cho rằng “quy mô thương mại” đã được cụ thể hóa tại Thông tư liên tịch số 01/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP, đó là đánh giá bằng tiêu chí mức độ từ nghiêm trọng đến đặc biệt nghiêm trọng thể hiện bằng tiêu chí lợi nhuận, giá trị gây thiệt hại và giá trị hàng hóa.

Nhưng vấn đề đặt ra là Thông tư liên tịch hướng dẫn Điều 171 của Bộ luật Hình sự năm 1999 trong điều kiện chưa sử dụng khái niệm “quy mô thương mại”, nên việc áp dụng để giải quyết sẽ không hợp lý.

Mặt khác, “quy mô thương mại” chính là căn cứ để xác định ranh giới giữa xử lý hình sự hoặc xử lý vi phạm hành chính, do đó cần phải có cách hiểu thống nhất tránh trường hợp xử lý tùy tiện, không khách quan.

Sau khi Bộ luật Hình sự được sửa đổi cần phải có văn bản pháp luật hướng dẫn giải thích cụm từ “quy mô thương mại” để các cơ quan thực thi có đầy đủ cơ sở, tiêu chí đánh giá hành vi xâm phạm quyền SHCN và tạo ra một ranh giới rõ ràng giữa biện pháp hành chính và hình sự.

Quyền SHCN là một trong những quyền rất quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ, tuy nhiên, như đã phân tích, quy định về tội phạm này hiện tại còn nhiều hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn đấu tranh ngăn ngừa và chống lại các hành vi xâm phạm.

Do đó, dựa trên sự phân tích có tính hợp lý, khoa học, chúng tôi đề xuất một số giải pháp như nêu trên với mong muốn góp phần hoàn thiện quy định về loại tội phạm này, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội đất nước, qua đó, nâng cao hiệu quả việc đấu tranh ngăn ngừa và chống tội phạm, bảo vệ tốt quyền và lợi ích hợp pháp cho chủ thể quyền SHCN.

Ths. Trần Văn Hải

(Đại học Luật - Đại học Huế)