Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Khoản 4 Điều 35 dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) đã đưa ra phương án “Khi tuyên hình phạt tiền là hình phạt chính, Tòa án tuyên nếu trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật, người bị kết án không chấp hành, thì hình phạt tiền được chuyển đổi thành hình phạt tù”.
Quy định mang tính lựa chọn này cho phép người phạm tội cơ hội chọn một trong hai phương án chấp hành phạt tiền hay phạt tù và họ sẽ được cân nhắc phương án nào có lợi hơn cho mình. Tuy nhiên, tính chất "có lợi" đó sẽ dẫn đến việc trong một số trường hợp thì hệ quả giữa hành vi phạm tội và hình phạt bị phá vỡ. Điều này được thể hiện ở chỗ, có những trường hợp người phạm tội chấp nhận ở tù vài năm thay vì mất đi một khoản tiền lớn mà nếu nộp phạt chưa chắc sau này họ có thể kiếm lại được và khoản tiền này có thể có được từ hành vi phạm tội.
Như vậy, một điều đáng lo ngại là sẽ có trường hợp có người đánh cược bằng việc kiếm tiền phi pháp và chấp nhận ở tù vài năm.
Đồng thời, những người có điều kiện về kinh tế lớn mà điều kiện này lại có được là do hành vi phạm tội thì họ sẽ không tiếc gì khi chấp nhận mất đi một khoản tiền để đổi lại việc không bị ở tù. Trong khi nước ta đang gặp phải một khó khăn là khó xác định được nguồn gốc tài sản của từng cá nhân, nên việc dùng tiền do phạm tội mà có để chuộc tội là điều có thể xảy ra.
Một hệ lụy khác là sự “khinh nhờn” pháp luật, nguy cơ tái phạm sẽ xảy ra bởi "cơ hội" lựa chọn hình phạt mà pháp luật đã trao cho họ.
Như vậy, việc chuyển hình phạt tiền sang tù trong một số trường hợp sẽ không mang lại hiệu quả trong việc ngăn ngừa, răn đe tội phạm, không bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật cũng như giữ gìn trật tự xã hội. Vì thế, cần phải cân nhắc đối với quy định này.
Không nên bỏ hình phạt tử hình với một số đối tượng
Nội dung hình phạt tử hình được đề xuất ở Dự thảo cũng có một số điểm cần xem xét như vấn đề không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với người từ 75 tuổi trở lên.
Mặc dù đề xuất này thể hiện chính sách hình sự nhân đạo đối với người đã đến tuổi trung thọ, nhưng vẫn bộc lộ nhiều điểm không hợp lý. Đó là, điều kiện sống ngày càng được nâng cao, vì thế có những người mặc dù trên 75 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh, minh mẫn. Những người ở độ tuổi này vẫn có khả năng thực hiện những tội phạm đặc biệt nghiêm trọng như mua bán ma túy, hiếp dâm trẻ em, giết người...
Nếu không áp dụng hình phạt tử hình và không thi hành án tử hình đối với những người này sẽ không bảo đảm được tính răn đe, nghiêm minh của pháp luật; tạo kẽ hở cho người khác lợi dụng người từ 75 tuổi trở lên thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như mua bán ma túy...
Mặt khác, những người trên 75 tuổi là những người đã sống gần hết đời người, do đó họ phải là những con người gương mẫu để làm gương cho thế hệ sau. Vì vậy, những người cao tuổi nhưng lại thực hiện những hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì càng phải nghiêm trị.
Về vấn đề không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ, Dự thảo đã đề xuất không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản hoặc tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động khắc phục cơ bản hậu quả của tội phạm do mình gây ra, hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.
Người viết không đồng tình với đề xuất trên bởi ở nước ta, việc xác định nguồn gốc tài sản của các cá nhân còn gặp những khó khăn. Do đó, sẽ xuất hiện tình trạng không tránh khỏi là người bị kết án lấy tiền do phạm tội mà có để chuộc mạng sống của mình. Chưa kể đến việc tù chung thân sẽ tiếp tục được giảm án xuống hình phạt tù giam nên sự công bằng sẽ không được bảo đảm.
Mặc dù chúng ta đang kiên quyết với những giải pháp đấu tranh, phòng, chống tham nhũng, nhưng quốc nạn tham nhũng đã không giảm đi mà hành vi, thủ đoạn ngày càng tinh vi và phức tạp hơn, đe dọa đến sự vững mạnh của đất nước. Nếu không thi hành án tử hình đối với những tội phạm này sẽ không bảo đảm được tính nghiêm minh của pháp luật, làm mất niềm tin của người dân đối với cán cân công lý.
Bên cạnh việc phù hợp với xu thế của thế giới, thì cần nhìn nhận rõ bối cảnh cụ thể của đất nước để đưa ra những quy định phù hợp nhằm bảo đảm sự nghiêm minh của pháp luật, và mục đích cao nhất chính là bảo đảm ổn định trật tự xã hội, sự vững mạnh của đất nước.
ThS. Hoàng Thị Huyền Trang
Đại học Luật - Đại học Huế