Tải ứng dụng:
BÁO ĐIỆN TỬ CHÍNH PHỦ
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, Thứ trưởng Bộ Xây dựng, nhận thức chưa đúng về tăng trưởng xanh của chính quyền các đô thị, đầu tư chưa đúng mức là nguyên nhân quan trọng dẫn đến việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh thời kỳ 2013-2020 và tầm nhìn đến 2050 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt còn không ít khó khăn.
Việc triển khai thực hiện Chiến lược mới ở mức độ ban đầu
Năm 2012, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1393, phê duyệt Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh cho thời kỳ 2013-2020, tầm nhìn đến 2050.
Theo đó, vào năm 2020, giảm cường độ phát thải khí nhà kính 8-10% so với năm 2010 và 20% nếu có hỗ trợ quốc tế; phát triển các ngành công nghiệp xanh, nông nghiệp xanh; xanh hóa lối sống và khuyến khích tiêu dùng bền vững.... Tuy nhiên, đến nay, việc triển khai thực hiện mới chỉ dừng lại ở nghiên cứu, rà soát và ban hành các văn bản, kế hoạch.
Trên cả nước, trong số 59 đô thị từ loại IV trở lên, mới chỉ có 24 đô thị đã ban hành các văn bản để chỉ đạo, triển khai thực hiện đô thị tăng trưởng xanh. Trong 24 đô thị đó, có 7 đô thị đã xây dựng Nghị quyết chỉ đạo, 15 đô thị đã xây dựng kế hoạch, 6 đô thị đã có chương trình thực hiện.
Hai đô thị Sa Pa, Sóc Trăng đã ban hành Chiến lược về tăng trưởng xanh. Một số các đô thị đang tiến hành nghiên cứu xây dựng chiến lược tăng trưởng xanh và thích ứng biến đổi khí hậu như thành phố Đà Nẵng, Bắc Ninh, Tam Kỳ…
Theo các đại biểu, nguyên nhân dẫn đến việc triển khai thực hiện xây dựng đô thị tăng trưởng xanh ở Việt Nam còn hạn chế là do chưa có khái niệm rõ nét và tiêu chí cụ thể về đô thị tăng trưởng xanh, cũng như chưa có nhiều ví dụ thực tiễn về lĩnh vực này.
Thứ trưởng Phan Thị Mỹ Linh cho biết, một số địa phương chỉ hiểu một cách đơn giản xây dựng đô thị tăng trưởng xanh là trồng nhiều cây xanh, để người dân được hưởng một không khí trong đô thị tốt về hạ tầng cơ sở, cây xanh, môi trường. Nhưng thực ra, trong tăng trưởng xanh, chúng ta phải đưa ra những mục tiêu rất lớn là sử dụng hiệu quả tài nguyên môi trường, giảm khí các bon và quan trọng là xây dựng cơ chế tài chính. Vì vậy phải thống nhất về nhận thức, tiêu chí thì mới thực hiện được tốt chương trình hành động của Chính phủ về tăng trưởng xanh.
Vấn đề thu hút vốn
Hiện Việt Nam cũng thiếu chính sách huy động nguồn tài chính đặc biệt từ các quỹ khí hậu quốc tế, việc huy động các nhà đầu tư trong và ngoài nước còn nhiều khó khăn. Trong khi đó, theo tính toán, để thực hiện chiến lược tăng trưởng xanh, từ nay đến năm 2020, Việt Nam cần khoảng 30 tỷ USD, trong đó kỳ vọng 70% huy động từ nguồn ngoài công lập. Còn để phục hồi từ các thiệt hại do biến đổi khí hậu gây ra, cần ít nhất 2-6% GDP.
Ông Nguyễn Quang, Giám đốc Chương trình định cư con người LHQ cho rằng, Nhà nước cần có chính sách khuyến khích các doanh nghiệp, cộng đồng, các đối tác phát triển tham gia vào lĩnh vực tăng trưởng xanh, đồng thời khơi dậy tính sáng tạo của các địa phương.
Ông Nguyễn Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học và Giáo dục Tài nguyên và Môi trường (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, nếu có sự tham gia của khu vực tư nhân vào phát triển đô thị tăng trưởng xanh thì sẽ hiệu quả hơn, còn đầu tư của Chính phủ và ODA sẽ là xúc tác thu hút và tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân vào ứng phó biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh.
Theo bà Phan Thị Mỹ Linh, để triển khai đi vào thực tế xây dựng đô thị tăng trưởng xanh, Bộ Xây dựng triển khai 12 nhiệm vụ và 6 chương trình, trong đó tập trung vào quy hoạch, xây dựng chương trình tài chính hợp lý nhằm kêu gọi nguồn vốn ngoài công lập, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân… Bên cạnh đó, phải có sự đánh giá so sánh giữa các đô thị để xây dựng chỉ số tăng trưởng xanh và đây là cơ sở hướng dẫn xây dựng tiêu chí, cơ sở xây dựng văn bản pháp luật tạo điều kiện cho các đô thị thực hiện.
Minh Trang